Dịch Covid-19 bất ngờ ập đến Bắc Giang khiến công việc của chúng tôi xáo trộn. Nhiều xã, thôn lập chốt phong tỏa vì có người là F0. Dẫu vậy, mạng lưới chuyển phát vẫn phải bảo đảm duy trì hoạt động bởi lượng công văn, giấy tờ, hàng hóa, bưu phẩm của người dân, doanh nghiệp cần vận chuyển.
Khi giao bưu kiện tới địa chỉ là những thôn bị phong tỏa, tôi gọi điện để khách hàng ra lấy tại chốt kiểm dịch. Trong trường hợp khách không ra lấy được, chúng tôi lưu hàng tại kho tới khi nào khách hết thời gian cách ly đến nhận hàng. Thật lòng, nếu hỏi rằng khi đến những vùng dịch đó chúng tôi có sợ không, tôi sẽ trả lời là có, bởi chỉ cần lơ là, tôi hay đồng nghiệp có thể trở thành F0, mang mầm bệnh về cho đơn vị, gia đình, người thân. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu và ý thức trách nhiệm về công việc của mình. Trong lúc dịch bùng phát, mọi người phải hạn chế đi lại thì dòng chảy bưu chính càng phải bảo đảm thông suốt.
 |
Vải thiều Bắc Giang. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Ngoài công việc giao, nhận hàng có chút thay đổi, hơn hai tuần trở lại đây, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực xuống địa bàn hướng dẫn bà con Lục Ngạn bán vải trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò và hỗ trợ họ thu hoạch, vận chuyển vải. Huyện Lục Ngạn có 28 xã và 1 thị trấn. Anh em chúng tôi chia nhau đến các hộ dân tại xã Quý Sơn, Kiên Thành, Sơn Hải, Trù Hựu, Nam Dương, Tân Mộc,...
Nhớ những ngày đầu cùng chính quyền địa phương đến vận động nông dân Lục Ngạn bán vải trên sàn TMĐT, họ còn chưa hiểu sàn TMĐT là gì và ngần ngại tiếp xúc với chúng tôi. Gia đình tôi và một số anh em tại bưu cục đều làm nông nghiệp nên chúng tôi hiểu đầu ra của quả vải Bắc Giang bấp bênh như thế nào khi dịch còn diễn biến khó lường. Không những vậy, nhiều hộ dân tại đây có người thân đi cách ly tập trung nên nhìn đi nhìn lại nhân lực thu hoạch vải cũng chẳng được bao người, quả vải có nguy cơ nứt, hỏng trên cây. Biết vậy, anh em tôi bảo nhau cần kiên trì và cố gắng làm hết trách nhiệm. Đồng thời, giải thích cặn kẽ để người nông dân hiểu bán vải qua internet giúp họ gia tăng thu nhập như thế nào. Chúng tôi hướng dẫn họ cách thức mở gian hàng trên sàn TMĐT, chụp ảnh quả vải làm sao cho bắt mắt, cách dán nhãn, mác và đóng gói quả vải sao cho đúng quy chuẩn để khi chuyển hàng bảo đảm chất lượng được tươi ngon. Họ nhanh chóng làm theo và tiếp cận được người tiêu dùng theo phương thức bán hàng mới.
Đa số người trồng vải tại Lục Ngạn đều dùng điện thoại thông minh nên việc hướng dẫn bà con không khó như chúng tôi nghĩ. Đối với tôi, khó quên nhất là những lần thức trắng đêm hay sáng sớm tinh mơ cùng bà con thu hoạch vải do người thân của họ đi cách ly tập trung. Hộ nào neo người, chúng tôi ưu tiên đến trước. Thời điểm bắt đầu công việc thu hoạch tại vườn thường là 2-3 giờ sáng, có lần muộn nhất là 5 giờ để kịp tiến độ giao vải đến các địa phương khác vào buổi sáng. Chúng tôi làm việc theo nhóm gồm các anh em là tôi, Lâm, Dũng, Minh để việc thu hoạch đạt năng suất tốt nhất.
Thời tiết Lục Ngạn những ngày qua thất thường, có ngày nắng nóng hầm hập nhưng có những ngày mưa dầm dề. Nhiều lúc đang thu hoạch vải thì trời đổ mưa, chúng tôi cùng bà con mặc áo mưa tiếp tục công việc. Thu hoạch ban đêm vất vả nhưng những khó nhọc ấy được xoa dịu phần nào khi thấy bà con chốt đơn hàng thành công trên sàn TMĐT và không quên gửi lời cảm ơn tới chúng tôi.
Bưu cục chúng tôi gồm 10 thành viên. Những ngày này đối với tôi thật đặc biệt, khối lượng công việc càng lớn, anh em chúng tôi càng tương trợ nhau. Khi nhóm bưu tá được huy động xuống các vườn vải, nhóm còn lại ở nhà sẽ làm thay phần việc tại bưu cục và nhận chuyển phát hàng thêm một vài tuyến nữa. Làm việc trắng đêm hay rong ruổi trên các cung đường huyện Lục Ngạn dưới trời nóng 40 độ C không tránh khỏi mệt mỏi, nhưng chúng tôi động viên nhau cố gắng. Tôi hiểu rằng, công việc của chúng tôi hiện nay không còn là làm công ăn lương đơn thuần nữa, mà đó là cách để chúng tôi đóng góp cho xã hội, giúp người dân Bắc Giang vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
BÙI VĂN HIỂN, Nhân viên Bưu cục Viettel Post Lục Ngạn