Chuyến bay đầu tiên của đời lính hạ cánh lúc 12 giờ ở Tân Sơn Nhất. Tôi được điều động công tác tại tổ y tế lưu động số 17, phường Tân Kiểng, Quận 7. Qua tấm kính trên chiếc xe chở về nơi đóng quân, tôi nhìn thấy những con phố không người qua lại, những tấm rào chắn barrie ở mỗi chốt phong tỏa, thành phố yên lặng đến ngột thở, những ngày tới của tôi ở nơi đây chắc chắn sẽ có nhiều điều phải làm…  

Sáng hôm sau, tôi và các đồng đội tại Tổ Y tế lưu động đã dậy và chuẩn bị cho một ngày làm việc của mình. Chúng tôi triển khai trạm với những cơ số thuốc và trang bị nhận được, nhận danh sách với khoảng hơn 500 F0 và lên kế hoạch thăm khám.

Thượng sĩ Nguyễn Mạnh Cường và đồng đội tại Tổ Y tế lưu động cấp cứu bệnh nhân Covid-19.

Những ngày giãn cách toàn thành phố, nhân dân hoang mang vì nhiều lý do: hết lương thực, hết thuốc cho những bệnh thông thường không phải covid, hay mắc các bệnh không do covid…Và nhân dân chỉ biết đến số hotline của trạm chúng tôi. Chúng tôi liên hệ đến các cơ quan để giải quyết nhu cầu lương thực, thăm khám và kê đơn, phát thuốc, những thuốc mà trạm không có thì chúng tôi hướng dẫn người dân liên hệ để được nhận thuốc kịp thời. Chân ướt chân ráo vào Thành phố, đường xá còn vô cùng lạ lẫm, chúng tôi rất khó khăn trong việc tìm địa chỉ, đặc biệt là các con hẻm vừa sâu, vừa hẹp. Chúng tôi vừa đi vừa hỏi người dân, vừa đi vừa tra google map; rồi dần dần cũng quen.

Đến thăm khám cho các bệnh nhân mắc covid, những căn nhà nơi đây chật hẹp với 3-4 thế hệ sống cùng, đi lên gác xép qua cầu thang hẹp, dốc đứng uốn khúc và trơn. Không khí trở nên ngột ngạt trong bộ đồ bảo hộ và thời tiết nắng nóng, đặc biệt là trong sự chật hẹp của căn phòng. Sự lo lắng của người nhà bệnh nhân, ánh mắt mong chờ khẩn thiết của bệnh nhân khiến chúng tôi càng trách nhiệm hơn. Chúng tôi luôn ân cần động viên, hướng dẫn tận tình cách đo nồng độ Oxy trong máu Sp02, cách tập thở tại nhà, ăn uống, bồi bổ ra sao để tăng sức đề kháng, đẩy lùi vi-rút. Đôi khi phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu, mấy anh em cùng nhau, người cõng, người giữ phía sau nhưng tay phải bám chặt cầu thang để không bị trượt ngã. Một ngày chúng tôi thăm khám cho khoảng 20 hộ gia đình như vậy, dù mệt mỏi nhưng nhìn thấy ánh mắt yên tâm của bệnh nhân, mọi mệt mỏi dường tan biến.

Về tới trạm, vừa kịp cởi bộ đồ bảo hộ trùm kín người từ trưa, chúng tôi chuẩn bị ăn tối lúc gần 7 giờ tối. Đang ăn thì tiếng chuông điện thoại vang lên, có ca cấp cứu.  Đây là ca cấp cứu đầu tiên của chúng tôi. Buông vội hộp cơm, tôi cùng các đồng đội lại chuẩn bị trang thiết bị để sơ cứu, rồi lại khoác bộ đồ bảo hộ, bê bình Oxy tới ngay nhà bệnh nhân. Đến nơi, chúng tôi thấy bệnh nhân nam 57 tuổi đang được thở Oxy, đo Sp02 hạ thấp tiên lượng nặng, chúng tôi vội vàng cho dùng thuốc và gọi xe cấp cứu đến. Xe đến nơi, chúng tôi đưa bệnh nhân ra xe thì 1 anh dân quân trẻ tên Huy chạy xe máy đến, không đồ bảo hộ chạy vào nhà bệnh nhân. Hỏi ra mới biết Huy là con trai bác, đã đi hỗ trợ chống dịch từ đầu mùa dịch, 3 tháng chưa về nhà, lý do vì cả nhà mắc covid nên Huy không về nhà được. Huy lúng túng, không nói lời nào, nước mắt trào ra chuẩn bị đồ đạc cho người cha. Hình ảnh anh dân quân phóng xe máy thật nhanh đuổi theo xe cấp cứu khiến tôi xúc động, cảm nhận rõ hơn sự kiên cường và những hi sinh của những chiến binh làm công tác chống dịch nơi đây. Tôi động viên bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Một lần khác, đang trong ca trực thì có ca cấp cứu, chúng tôi lập tức lên đường. Địa chỉ là một ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm hẹp và sâu hun hút, xe ô tô không vào được, chúng tôi lập tức chạy vào phía trong. Nhờ sự chỉ dẫn của bà con hàng xóm, chúng tôi cũng tiếp cận được bệnh nhân. Bệnh nhân là một phụ nữ, 60 tuổi, tình trạng gọi hỏi không đáp ứng, không đo được SpO2 (nồng độ ôxy trong máu). Không chần chừ, chúng tôi đã cho bà thở Oxy rồi chuyển lên xe cấp cứu.

Thế nhưng không ai ngờ được, trận chiến này, chúng tôi đã thua… con virus quái ác kia đã cướp bà đi mất khi chưa kịp đến viện. Hình ảnh bé Hoa 11 tuổi cứ nắm chặt tay người bà và mếu máo khóc nức nở: “Các cô chú ơi, cứu bà cháu với.” Những giọt nước mắt, những lời nói nghẹn ngào của đứa bé ngây thơ ấy đã hằn sâu vào trong tâm trí và trái tim chúng tôi. Không một nỗi đau nào khủng khiếp hơn việc bất lực mất đi người thân yêu. Hỏi chuyện mới biết gia đình bà chỉ có hai bà cháu dựa dẫm vào nhau sống. Hằng ngày bà đi bán vé số nuôi cháu đã hơn 1 năm nay. Điều đặc biệt là bà không phải là người thân của bé Hoa (mẹ bé – người không sống cùng bé cũng vừa mất do Covid-19). Trước đó, bé Hoa được một người bà nuôi gần 10 năm, nhưng người này cũng đã mất năm trước do ung thư. Khi xét nghiệm thì phát hiện bé Hoa đã nhiễm Covid-19 nên chúng tôi đưa bé về trạm điều trị và chăm sóc cho bé, giúp cho bé học online cùng bạn bè, chia sẻ giúp bé vơi bớt những nỗi buồn. Hiện bé Hoa vẫn đang chờ kết quả âm tính để chuẩn bị một hành trình mới, một hành trình mà có lẽ sẽ phải kiên cường hơn cả chúng tôi.

Thượng sĩ Nguyễn Mạnh Cường nghỉ ngơi sau ca làm việc. 

Những ngày kiên cường chống dịch cũng dần được đền đáp. Nhờ sự chung tay của chính quyền và người dân, tới nay tổ y tế lưu động của chúng tôi đã chữa khỏi cho gần 800 ca bệnh. Trong suốt những ngày qua, tôi nhận thức được rằng việc động viên, quan tâm người bệnh mắc Covid kịp thời là vô cùng quan trọng. Họ đang trải qua gánh nặng về sinh kế, lắng lo từng bữa cơm hàng ngày, nay lại mắc thêm căn bệnh này, khiến tâm lý họ lo lắng sợ hãi. Vì vậy, cứ vài ngày là anh em trong tổ gọi điện thăm hỏi các F0 đang điều trị tại nhà, liên hệ phát quà an sinh cho những trường hợp F0 hoàn cảnh khó khăn. Khi số những ca F0 bắt đầu có chiều hướng giảm, “vùng đỏ được tô màu xanh”; từ những ban công hai bên đường, chúng tôi thấy nhiều hơn những nụ cười tươi rói, những cái vẫy tay chào “chú bộ đội”, ... Thỉnh thoảng, khi đi làm về mệt, tôi lại thấy những món quà nhỏ như trái dừa, quả cam với những dòng chữ thân thương: “ Cảm phục các Bác sĩ’, “Mến tặng các chú bộ đội hoa quả bồi bổ’… Đó là những món quà vô giá, món quà từ trái tim khiến mệt mỏi xua tan, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết! Một tháng ở thành phố này, tôi đã cảm nhận được tình quân dân nồng ấm hơn bao giờ hết, đúng là “quân với dân như cá với nước”!

Đêm Trung thu, chúng tôi đón một mùa trăng thật đặc biệt. Tôi tặng cho bé Hoa chiếc bánh trung thu được các mạnh thường quân gửi tặng. Hoa vẫn đang quẩn quanh chơi với chú mèo nhỏ, không người thân chăm sóc. Mỗi ngày, ánh mắt cô bé vẫn kiên cường, vẫn chăm chỉ học online cùng thầy cô, bạn bè. Chỉ tới khi chúng tôi hỏi thăm và trao quà trung thu, đôi mắt ấy mới chảy nước mắt. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi xúc động và cảm phục vô cùng. Tôi khẽ hỏi cháu:”Sau này lớn lên, con muốn làm nghề gì?”. Hoa ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt tôi, trả lời dõng dạc:”Con muốn làm một bác sĩ quân y như các cô chú!”

Tôi bất ngờ, chợt thấy trong tim mình như đang cháy lên một ngọn lửa nồng ấm. Nhưng bất giác trong lòng tôi lại chùng xuống:Cô bé kiên cường ấy ngày mai sẽ ra sao khi còn những năm tháng mồ côi dằng dặc trước mắt? Rồi mai đây ước mơ của bé có thực hiện được không khi những người cưu mang em hiện đã ra đi, em lại phải nương nhờ con gái của người bà vừa mất.

Một cuộc sống mới, một bình thường mới rồi sẽ bắt đầu…nhưng khi mặt trời lên, trong tim rất nhiều người sẽ còn thổn thức mãi với một mùa trăng lạnh giá.

Thượng sĩ NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, lớp 49A, Hệ 2, Học viện Quân y, Tổ y tế lưu động số 17, phường Tân Kiểng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh