Để thực hiện phóng sự ảnh bên trong một bệnh viện điều trị Covid-19, tôi phải được xét duyệt của các cơ quan chức năng liên quan và có sự giám sát đặc biệt chặt chẽ trong suốt quá trình tác nghiệp bởi chính bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức kiêm phụ trách chuyên khoa Hồi sức tích cực (ICU). Anh Linh còn được gọi là “bác sĩ 91” khi chữa trị thành công bệnh nhân người Anh (bệnh nhân số 91). 

An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu trước khi bước vào những phòng điều trị đặc biệt này, bác sĩ Linh yêu cầu tôi phải mặc bảo hộ cấp 4 là chuẩn cao nhất, tôi sát khuẩn tay chân, thiết bị và bắt đầu mặc đồ bảo hộ. Trước khi bước vào phòng, anh Linh kiểm tra một lần nữa. Lúc này cảm giác của tôi thật sự khó tả, vừa hồi hộp vừa lo lắng nhưng đầu lại chẳng nghĩ được gì. Cánh cửa phòng hồi sức tích cực mở ra. Khi tôi bước vào bên trong là một khung cảnh hoàn toàn khác biệt. Nếu như bình thường khi tác nghiệp, tôi vội vàng chạy rất nhanh để có vị trí tốt nhất thì lúc này tôi chững người lại, không biết phải làm gì đầu tiên.

Bên trong bệnh viện điều trị Covid-19 tại Thủ Đức. 

Trước mắt tôi là hàng chục y, bác sĩ bịt kín trong bộ trang phục bảo hộ trắng toát làm việc với bầu không khí hết sức khẩn trương. Mỗi bệnh nhân nằm trong một căn phòng riêng với đầy đủ các máy móc hiện đại nhất, tiếng tít tít vang lên đều đặn khô khốc, có người thở dốc, có người nằm lặng im mê man, đặc biệt là những tràng ho liên tục cực kỳ ám ảnh từ một căn phòng vang ra. Sau những phút lặng người, tôi mới bình tâm để chụp, đi qua từng căn phòng đều có các y, bác sĩ đang tập trung xử lý các ca bệnh. Tôi cố gắng đứng xa hoặc nép mình trong góc, vì sợ mình làm phiền họ chữa trị. 

Khi tôi đang chụp, cửa phòng hồi sức bật mở, một ca nặng được chuyển viện đến. Bác sĩ Linh và ê-kíp ngay lập tức cấp cứu, không khí cực kỳ căng thẳng, gấp gáp nhưng chuẩn xác, nhịp nhàng. Sau khoảng 30 phút, bệnh nhân đã ổn, anh Linh lại tiếp tục chuyển qua kiểm tra các ca nặng khác, hướng dẫn y, bác sĩ lên phác đồ điều trị hoặc thay đổi khi diễn biến bệnh khác thường. Rồi cũng trong lúc đó, cứ chừng vài phút anh lại nhận điện thoại từ các bệnh viện khác, hoặc là nhờ tư vấn xử lý ca bệnh, hoặc là hỏi thu xếp chuyển bệnh nhân đến, liên tục, liên tục... Áp lực thật sự rất khủng khiếp, lúc nào cũng phải căng não để tiếp nhận thông tin và xử lý. Một bệnh nhân khi thấy anh Linh đến cứ thều thào: Bác sĩ ơi, cứu tôi!... Câu nói cứ lặp đi lặp lại khiến không khí chùng xuống, anh điềm tĩnh vỗ về động viên cho bệnh nhân yên tâm. 

Buổi tác nghiệp của tôi diễn ra chóng vánh chỉ khoảng một tiếng đồng hồ vì thật sự rất nguy hiểm và tôi cũng không có kinh nghiệm tác nghiệp trong môi trường này. Khi tôi báo chuẩn bị ra, bác sĩ Hoàng hướng dẫn bước qua phòng khử trùng. Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, mọi sai sót nếu có sẽ gây lây nhiễm sẽ bắt đầu từ đây. Bác sĩ Hoàng hướng dẫn và trực tiếp giám sát từng công đoạn một: Cởi găng tay-sát khuẩn-gỡ kính-sát khuẩn-cởi đồ-sát khuẩn-cởi bọc giày-sát khuẩn-cởi khẩu trang-sát khuẩn... Việc sát khuẩn phải kỹ càng từng trang bị. Sau đó, tôi ra khỏi phòng khử trùng, vào nhà vệ sinh, tiếp tục rửa sạch lại một lần nữa bằng xà phòng. Khi tôi bước ra, bác sĩ Hoàng cầm sẵn trên tay khẩu trang 3M yêu cầu tôi đeo vào và ra ngoài bằng một lối đi riêng đã khử khuẩn tuyệt đối, lối đi chỉ một chiều và không được đi ngược lại.

Trên đường về nhà cảm giác sợ hãi lại xuất hiện trong tôi, lo lắng không biết mình có sai sót nào không, có khả năng lây nhiễm nào không. Suy nghĩ đó cứ xoay vòng trong đầu mà không thể yên lòng được. Tôi gọi điện thoại dặn cả nhà đi qua nhà ngoại hết, vô nhà là lao vào phòng tắm ngay lập tức, tắm thật sạch và mang đồ giặt ngay. Vài ngày sau đi xét nghiệm thấy kết quả âm tính, tôi mới phần nào nhẹ nhõm... 

Sau khi về nhà xem lại ảnh, tôi cảm thấy còn mỏng và sơ sài quá, không đủ để làm phóng sự. Sau một ngày suy nghĩ đắn đo, tôi đã xin phép quay lại chụp xuyên đêm để có cái nhìn đầy đủ hơn, nhưng không được, vì lúc này bệnh viện đã có kế hoạch và điều chỉnh mới do sự thay đổi của tình hình. Vậy là thấp thỏm đợi, lâu lâu lại hỏi xin tiếp, cứ nhiều lần như vậy và may mắn đã đến. Tôi được quay lại lần thứ hai. Lần này bình tĩnh hơn và quan sát nhiều hơn.

Đêm dần về khuya, ê-kíp trực vẫn chưa nghỉ, bác sĩ Linh đưa tôi lên tầng 4, tầng 5 để kiểm tra các bệnh nhân đã hồi phục. Khi anh hỏi thăm, họ không nói được vì còn mệt mỏi phải thở máy nhưng đôi mắt tràn đầy sự biết ơn. Đến khi quay lại tầng 2, đã có khoảnh khắc tôi phải rơi nước mắt. Nơi góc phòng lạnh lẽo hai nhân viên đã hoàn tất công đoạn cuối cùng để tiễn đưa một bệnh nhân vừa giã biệt cuộc đời.

Thời khắc đó tôi thật sự rối bời với câu hỏi: Chụp hay không? Chụp thì đúng hay sai? Thật sự không thể trả lời được lúc đó. Tôi đã chụp trong sự trống rỗng cảm xúc, bỗng thấy bức ảnh mờ đi trong ống kính. Lúc đó, tôi mới biết mình đã khóc tự lúc nào. Mọi thứ trở nên nặng trĩu, tôi không còn tâm trí nào để bấm máy nữa. Tôi cùng anh Linh rời căn phòng đó. Khi anh gỡ khẩu trang, những vết dây băng quá chặt hằn đỏ in sâu lên gương mặt anh. Anh Linh lúc này cũng thật sự quá mệt mỏi rồi, anh tạm biệt để về phòng nghỉ. 

Cuộc đời phóng viên ảnh, hai lần tác nghiệp tại bệnh viện điều trị Covid-19 bước qua cánh cửa chứng kiến sinh tử của đời người, thật sự để lại cho tôi nhiều khoảng lặng.

Nhưng đến hôm nay khi viết những dòng chia sẻ này, tôi nhẹ nhõm và tràn đầy hi vọng hơn rất nhiều. Những bức ảnh mà tôi đã chụp có những hình ảnh tưởng chừng như đầy tiêu cực nhưng nó đem lại cho chúng ta sự thấu hiểu và tỉnh thức. Thấu hiểu sự hi sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao, vô cùng đáng quý của các y, bác sĩ. Và tỉnh thức chúng ta về sự nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, hãy gìn giữ bản thân mình, hãy hành động trách nhiệm với cộng đồng, hãy thôi những suy diễn hoang đường và hãy trân trọng cuộc sống này. 

Đừng để một ngày hối tiếc, đến hai tiếng "giá như" cũng không thể thốt thành lời...

Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn. 

NGÔ TRẦN HẢI AN (Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)