Tôi bắt đầu tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 2-6-2021 tại địa bàn “điểm nóng” về dịch bệnh là quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh khi vừa tròn 18 tuổi. Lúc ấy, tôi vừa ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2021, vừa tham gia phòng, chống dịch. Dù biết bản thân còn nhỏ tuổi nhưng qua thông tin trên báo chí, thấy dịch bệnh ngày càng phức tạp mà nguồn nhân lực tình nguyện đang thiếu nên tôi xung phong lên đường tình nguyện. Được các anh chị đoàn viên, thanh niên địa phương, lực lượng y tế bồi dưỡng thêm kiến thức phòng dịch, chia sẻ kinh nghiệm, tôi đã trưởng thành, bản lĩnh hơn.

Công việc của tôi và mọi người là đi lấy mẫu xét nghiệm khu cách ly nơi người mắc Covid-19 (F0) và người tiếp xúc gần với F0 (F1) đang được cách ly tập trung. Có những ngày, chúng tôi phải làm việc liên tục từ 4 đến 5 khu cách ly tập trung để kịp tiến độ lấy mẫu. Trường hợp khiến tôi nhớ mãi là một gia đình 5 thành viên thì bố mẹ bị dương tính, ba người con nhỏ thì âm tính. Do không thể gửi người quen chăm sóc con cái nên bố mẹ phải dẫn các con cùng vào khu cách ly. Chuyện không may xảy ra khi cả ba người con đều dương tính sau đó. Tôi nhìn gia đình cảm thấy rất xót xa, không giấu được nước mắt khi dịch bệnh đã tạo ra hoàn cảnh éo le. Mỗi lần đi lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi đều an ủi, động viên tinh thần họ để tạo động lực vượt qua dịch bệnh.

 Tình nguyện viên Phạm Tâm.

Nhớ lại những ngày đầu đi tình nguyện, tôi cũng không dám báo tin cho gia đình vì sợ người nhà lo lắng. Sau đó, mẹ tôi biết chuyện, kiên quyết không cho tôi đi nữa vì sợ vất vả, dễ nhiễm bệnh. Với sự thuyết phục của tôi và cũng qua phương tiện truyền thông, mẹ tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ cũng hăng hái tình nguyện tham gia chống dịch ở bệnh viện dã chiến, khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine… nên mẹ tôi đã đồng ý cho tôi tiếp tục công việc tình nguyện này.

Sau khi làm nhiệm vụ tại quận Bình Tân được 1,5 tháng thì tôi tiếp tục về quận Gò Vấp hỗ trợ phòng, chống dịch. Tại đây, tôi hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm các “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”, “vùng xanh” ở các phường trên địa bàn quận. Vừa đi lấy mẫu xét nghiệm, tôi cũng hỗ trợ công tác cấp cứu các F0 chuyển biến nặng tại nhà. Tôi nhớ một lần, lúc trực ở Trạm Y tế phường 9, quận Gò Vấp khoảng 5 giờ sáng, tôi cùng đội tình nguyện phản ứng nhanh đến cấp cứu một nữ bệnh nhân lớn tuổi nhưng khi đến nơi thì người này đã không qua khỏi. Lúc trở về trạm để ăn sáng và chuẩn bị đi lấy mẫu xét nghiệm thì chúng tôi nhận được thông tin có ca F0 bị suy hô hấp cần cấp cứu. Lập tức cả đội bỏ bữa ăn, mặc quần áo bảo hộ, mang bình oxy cơ động đến nhà người bệnh. Thật trùng hợp, nam bệnh nhân chính là chồng của nữ F0 đã qua đời buổi sáng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến, có lẽ vì tâm lý đau buồn người vợ vừa mất do Covid-19 nên nam bệnh nhân từ chối hỗ trợ thở oxy. Chúng tôi vừa chia sẻ, động viên, vừa kết hợp nhanh chóng gắn thiết bị hỗ trợ oxy, đưa lên bệnh nhân lên xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện.

Tình nguyện viên Phạm Tâm (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội chuẩn bị hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại khu dân cư. 

Vừa lấy mẫu xét nghiệm, tôi còn hỗ trợ thêm công việc khu cách ly điều trị Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường 14, quận Gò Vấp). Khu cách ly có nhiều bệnh nhân là người lớn tuổi, trẻ em. Có những bé chỉ mới 3-4 tháng tuổi cũng không may mắc Covid-19. Hằng ngày làm việc, nghe tiếng khóc của các bé, tôi thấy thương lắm, cố gắng hỗ trợ gia đình các bé tốt nhất có thể. Từ khu cách ly đến đi lấy mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân đi cấp cứu... đều đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nhưng tôi và các tình nguyện viên luôn động viên cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để có thể hỗ trợ người bệnh sớm phục hồi. Càng đối mặt với nguy hiểm, tôi càng được trui rèn tác phong, kỷ luật, nhất là làm tốt nội quy an toàn phòng, chống dịch.

Có lẽ tôi là một trong những người tham gia tình nguyện phòng, chống dịch nhỏ tuổi nhất. Tôi cũng vừa trúng tuyển ngành Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang và đang bắt đầu những bài học trực tuyến đầu tiên. Đã gần tròn 4 tháng trên mặt trận tình nguyện chống dịch, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi bản thân có thể góp sức nhỏ để sớm đưa thành phố trở lại cuộc sống yên bình như trước đây. Mỗi ngày tham gia phòng, chống dịch là những trang nhật ký ý nghĩa và là hành trang quý giá cho sự trưởng thành của tôi trong tương lai. Tôi sẽ tiếp tục công việc tình nguyện này và luôn sẵn sàng đến bất kỳ mặt trận chống dịch nào khi thành phố cần.

PHẠM TÂM (Sinh viên năm thứ nhất ngành Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang)