TP Hồ Chí Minh đón chúng tôi bằng một cơn mưa bất chợt, trong khung cảnh đường phố lặng yên. Những ngày này, thành phố đang trải qua nhiều khó khăn và thử thách. Hình ảnh thành phố đông đúc, nhộn nhịp, sầm uất qua báo chí, ti vi không còn nữa. Thay vào đó là một thành phố vắng lặng khi áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ.
Nhận quyết định gấp gáp, hành trang lên đường chỉ vẻn vẹn chiếc ba lô trên vai, tôi đã không kịp chia tay gia đình sau hơn một tháng xa cách. Suốt chặng đường đến với thành phố mang tên Bác, chúng tôi, những người chiến sĩ quân y, khoác trên mình 2 màu áo: Màu xanh áo lính và màu áo trắng blouse, luôn ngập tràn quyết tâm cao, ghi nhớ những lời động viên, giao nhiệm vụ của thủ trưởng, tất cả nguyện cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 |
Bác sĩ Nguyễn Minh Phương tới nhà, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. |
0 giờ ngày 23-8-2021: Cảm nhận
Sau khi chia tổ, tôi nhận lệnh làm tổ trưởng tổ Y tế Lưu động cùng 2 đồng chí học viên nữa, đồng thời nhận nhiệm vụ phụ trách 30 tổ Y tế Lưu động của TP Thủ Đức. Tổ chúng tôi được bố trí đến Trạm Y tế Lưu động thuộc Phường An Khánh, TP Thủ Đức. Khuôn viên trạm là một trường tiểu học khá khang trang, rộng rãi. Lẽ ra nơi đây sẽ tràn ngập những tiếng cười đùa của trẻ thơ, những hình ảnh của các cô, cậu bé học tập và vui đùa trong những giờ giải lao. Nhưng không, trái ngược với đó là hình ảnh những bệnh nhân Covid-19 với nỗi lo âu, sự khó chịu vì bệnh tật khắc lên từng nét mặt, qua những ánh nhìn. Họ chậm rãi cảm nhận từng nhịp thời gian qua đi. Có nhiều những gia đình F0 (cả nhà cùng mắc Covid); có nhiều những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, cũng có rất nhiều các em nhỏ nơi đây. Lòng tôi bỗng quặn thắt khi nghĩ tới bố mẹ già và các con thơ, nguyện sẽ cố gắng hết sức mình để giúp “đồng bào” sớm trở về cuộc sống bình thường.
23 giờ 48 phút ngày 25-8-2021: Ngày làm việc hối hả
Một ngày làm việc dài, số bệnh nhân F0 đã tăng gấp 4 lần so với ngày đầu mới đến. Đây cũng là điều tất yếu do thành phố đang triển khai xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Cuộc sống của chúng tôi quen dần với những tiếng điện thoại gọi bất chợt, sự gấp gáp, vội vã nhưng vẫn phải cẩn thận trong việc bảo hộ, những tiếng còi rú của xe cứu thương luôn văng vẳng, những bữa cơm muộn và quên cả cảm giác đói.
Hôm nay cũng là một ngày nhiều lo lắng khi một nhân viên tại trạm, ở phòng kế bên báo dương tính với Covid-19. Tất cả lập tức test nhanh, may mắn mọi người còn lại trong tổ hiện vẫn âm tính.
23 giờ 31 phút ngày 31-8-2021: Cấp cứu thai phụ
1 giờ sáng, khi vừa chợp mắt, điện thoại bỗng reo vang, tôi cũng không còn bất ngờ với những cuộc điện thoại như thế này. Ngay lập tức, chúng tôi đã có mặt tại trạm, cấp cứu 1 thai phụ mắc Covid-19 và khó thở. Sau khi cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy và trấn an, thai phụ đã bình tĩnh hơn và ổn định, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, bởi với mỗi thai phụ, cứu được một người chính là cứu được cả hai mạng sống.
 |
Nhanh chóng chuẩn bị các trang bị cần thiết để điều trị kịp thời cho bệnh nhân Covid-19. |
0 giờ ngày 10-9-2021: Nỗ lực hết mình
10 giờ sáng, điện thoại đổ chuông, là cuộc gọi từ trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh, yêu cầu cấp cứu khẩn cấp 1 bệnh nhân F0 tại nhà.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, địa chỉ. Trong nháy mắt, chúng tôi đã nhanh chóng mặc quần áo bảo hộ, mang bình oxy, các phương tiện cấp cứu và thuốc để lên đường. Thành phố Thủ Đức những ngày này khá nhiều chốt cứng, việc tìm nhà cũng gặp nhiều khó khăn, bỗng dưng trời đổ mưa to, quần áo bảo hộ ướt hết cả.
Song, bằng quyết tâm cấp cứu nhanh nhất người bệnh, chúng tôi đã tìm đến nhà bệnh nhân kịp thời. Ngay lập tức bệnh nhân được thở Oxy, đo các dấu hiệu sinh tồn, làm test nhanh Covid, kết quả dương tính. Người bệnh 65 tuổi, ý thức lơ mơ, HA cao: 190/100 mg, mạch nhanh: 110 lần/phút, sốt 38,5 độ C. Được biết đây là bệnh nhân chạy thận được 3 năm kèm theo bệnh đái tháo đường, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chúng tôi quyết định chuyển bệnh nhân đi tuyến bệnh viện điều trị do tình trạng bệnh nặng.
Nhận định việc gọi được xe cấp cứu trong thời điểm này không dễ dàng, chúng tôi đã tiến hành cấp cứu tại chỗ trong lúc chờ xe cứu thương, sau hơn 2 giờ nỗ lực, xe cấp cứu đã đến. Chúng tôi vội chuyển bệnh nhân lên xe và đưa đến bệnh viện. Thật may, bệnh nhân sau đó đã ổn định!
23 giờ 30 phút ngày 12-9-2021: Liệu pháp tâm lý với bệnh nhân
Bệnh nhân N.T.T 68 tuổi xuất hiện sốt, ho khan ngày 10-9. Sau khi tiếp nhận thông tin qua điện thoại. Tổ quân y nhanh chóng tìm đến nhà hỗ trợ, test nhanh Covid-19 dương tính, Bệnh nhân rất hoảng loạn, lo lắng, than khóc vì chồng bệnh nhân mới tử vong do Covid-19. Sau gần 2 giờ giải thích, động viên, làm tâm lý liệu pháp, phát thuốc điều trị, bệnh nhân đã bình tĩnh trở lại, yên tâm và tin tưởng vào quá trình điều trị.
23 giờ 15 phút ngày 15-9-2021: Chiến đấu để vượt qua ranh giới sinh tử
Một ngày làm việc dài với nhiều nỗi xót xa.
Bệnh nhân M.T.A 37 tuổi. Bệnh nhân cùng chồng dương tính với Covid 19. Chồng mất tại bệnh viện dã chiến trước đó 2 ngày. Ở nhà còn lại 2 con nhỏ không ai chăm sóc. Bệnh nhân ban đầu có tâm lý bất ổn song rất mạnh mẽ, hợp tác điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân đột nhiên trở nặng. Sau khi kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, chúng tôi đã quyết định chuyển tuyến cho bệnh nhân kịp thời.
Gia đình Covid! Một gia đình cả 3 người đều bị Covid-19, bố, mẹ và con 3 tuổi đều dương tính. Mẹ điều trị tại bệnh viện dã chiến thành phố Thủ đức. Hai bố con điều trị tại khu cách ly. Qua khám thấy cháu bé 3 tuổi sốt cao 39 độ C, mệt. Trong lúc đó chưa có thuốc hạ sốt và thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân Covid trẻ em. Vì sức khỏe người bệnh, tổ đã tổ chức đi mua thuốc hạ sốt, các thuốc vitamin hỗ trợ điều trị cho trẻ, trẻ ổn định. Gia đình đã cảm ơn bác sĩ rất nhiều! Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nhận được những lời cảm ơn từ bệnh nhân. Nhưng đó chính là liều thuốc tăng lực giúp chúng tôi có thêm sức mạnh giữa tâm dịch lúc này.
Dù đã cấp cứu kịp thời và chuyển tuyến cho bệnh nhân, song chúng tôi vẫn không khỏi xót xa trước những hoàn cảnh đầy khó khăn của bệnh nhân. Tôi còn nhớ câu nói của một nhà văn "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...". Dù là bệnh nhân hay chúng ta, những người đang ngày đêm giành giật mang lại sự sống cho bệnh nhân hãy cố gắng chiến đấu để vượt qua ranh giới sinh tử đó. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để bước qua những khó khăn ấy. Ánh sáng sẽ luôn ở cuối mỗi con đường và những gian khổ, hy sinh của chúng ta chắc chắn sẽ không là vô nghĩa.
Hôm nay, ngày thứ 35 tại tâm dịch, bằng tất cả sự nỗ lực, chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát, để mọi người sớm được trở về với cuộc sống thường ngày, để những người khốn khó sẽ bớt khó khăn hơn. Và chúng tôi, sớm được quay trở về bên gia đình của mình!
Trung tá, Ths, Bác sĩ NGUYỄN MINH PHƯƠNG, CK2 Nội chung khoá 35, Học viện Quân Y