Đã 2 tháng nay tôi vào thực hiện nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B nằm trên địa bàn phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bệnh viện được xây dựng tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Dương với quy mô 500 giường bệnh. Thế nhưng có thời kỳ cao điểm, bệnh viện phải cơi nới, dồn dịch đủ sức chứa 700 giường. Số bệnh nhân tăng đồng nghĩa với công việc của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây sẽ phải làm việc nhiều hơn. Vất vả là vậy nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng phục vụ tận tình người bệnh với mong muốn giảm dần số ca mắc Covid-19.

Bệnh nhân khi được chuyển đến bệnh viện dã chiến hầu hết có triệu chứng nặng. Đó là những ca F0 không thể điều trị tại nhà buộc phải chuyển tuyến. Ngày nào cũng vậy, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân tương ứng với số người được xuất viện. Có ngày, hàng trăm người bệnh được chuyển đến. Bất kể sớm khuya, có bệnh nhân đến là các tổ trực nhanh chóng tiếp đón và đưa vào khu điều trị.

 Điều dưỡng Hoàng Ngọc Hóa ngồi ở bàn tiếp đón bệnh nhân Covid-19 chuyển đến viện.  

Tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng rất đáng thương. Họ vào viện không có người thân ở bên. Đã vậy sức khỏe yếu, người bệnh không tự chăm sóc được bản thân. Mọi sinh hoạt phải nhờ sự hỗ trợ của điều dưỡng. Tôi tự tay bón cho bệnh nhân từng thìa cháo, miếng cơm, chia từng viên thuốc. Có người bệnh không thể đi lại được, tôi phải bế ra ngoài nhà vệ sinh giúp tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Người già mắc bệnh không chỉ sức khỏe yếu mà tâm lý cũng thay đổi, có nhiều hành động bột phát. Những khi ấy, anh em trong ca trực phải kiên trì động viên dỗ dành để họ yên tâm hợp tác thực hiện theo các hướng dẫn. Ngoài trách nhiệm của người điều dưỡng, chúng tôi gắng làm hết sức mình coi như chăm sóc người thân của mình.

Quá trình điều trị, việc phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân rất nguy hiểm. Nhiều lúc tôi phải bế bệnh nhân, chân tay họ quờ quạng làm tung tấm kính chắn giọt bắn, nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 rất cao. Thế nhưng trong điều kiện bất khả kháng, việc chăm sóc bệnh nhân không thể nào khác được. Anh em trong ca trực phải rất cẩn trọng để đảm bảo an toàn bản thân, phòng lây chéo trong bệnh viện. Chính sự tận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng đã làm nhiều bệnh nhân cảm động. Có bệnh nhân chia sẻ: Do sức khỏe quá yếu nên các bác sĩ phải vất vả chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngay cả con cái họ cũng chưa từng bón cho miếng cơm, mặc cho tấm áo. Vậy mà khi mắc bệnh vào đây lại được các bác sĩ chăm sóc tận tình, không một ai nề hà công việc gì dù là nhỏ nhất, nguy hiểm nhất.

Điều dưỡng Hoàng Ngọc Hóa đưa bình oxy đi điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Khi vào viện, mỗi bệnh nhân lại có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Tuy không trò chuyện nhiều nhưng khi chắp nối những lời họ nói giúp tôi hiểu phần nào về tâm tư của những người bệnh mình đang chăm sóc. Có bà cụ khi khỏi bệnh đã trình bày nguyện vọng được ở lại viện. Chuyện là, gia đình bà có hai cô con dâu đều mắc Covid-19. Con dâu út bị nặng hơn không may qua đời. Con dâu cả cũng đang điều trị tại bệnh viện dã chiến. Trong khi đó, hai con trai đều đi xuất khẩu lao động không thể về được. 5 đứa cháu nhỏ ở nhà phải gửi bà con trông nom. Bà gặp tôi mà nói như khóc: “Bà phải xin ở lại để chăm sóc con dâu. Chứ nó có mệnh hệ gì thì lấy ai nuôi đàn con thơ!”. Tôi động viên ở viện còn có các bác sĩ, bà cứ yên tâm ra về. Thế nhưng bà nhất quyết xin ở lại với lời khẩn cầu: “Tôi ở đây dù sao cũng đã quen, biết cách chăm sóc người bệnh. Các bác sĩ cố gắng cứu con dâu tôi. Nó là chỗ dựa cho cả người già, con trẻ trong gia đình sau này”. Nghe lời của người mẹ già mà tôi không khỏi xót xa, cảm thương cho gia cảnh của bà. Được bệnh viện chấp thuận, bà đã ở lại chăm sóc con dâu. May sao, bệnh tình của con bà dần bình phục. Cho đến ngày mẹ con được trở về, những giọt nước mắt cứ lăn dài trong niềm xúc động rưng rưng. Bà bảo: “Ân tình của các bác sĩ, gia đình không biết lấy gì để đền đáp, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc. Cầu chúc các bác sĩ mạnh khỏe, bình an!”.

Trong những ngày phục vụ ở bệnh viện dã chiến, tôi rất mừng khi chứng kiến những người bệnh sau 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính. Họ vừa trải qua “cuộc chiến” đầy cam go, ác liệt, một mất một còn với “giặc” Covid-19. Sau bao thử thách hiểm nguy họ đã vượt qua “cửa tử”. Ngày vui trở về, gặp tôi, họ nói những lời cảm ơn chân thành tha thiết, coi chúng tôi là ân nhân đã hết lòng chăm sóc người bệnh. Trước khi xuất viện, chúng tôi dặn dò cẩn thận, đưa số điện thoại để họ liên hệ khi cần thiết.

Những cái vẫy tay tạm biệt nhau có chút bâng khuâng nhưng ai cũng phấn khởi. Xa nhau khi khỏi bệnh ắt hẳn là tin vui rồi. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm khi chia tay những người mình chăm sóc đã khỏe trở lại. Họ trở về bắt đầu cuộc sống mới, đồng nghĩa với đó số ca nhiễm sẽ giảm dần, dịch bệnh mau qua, nhiệm vụ chúng tôi sớm hoàn thành. Nghĩ đến điều đó, tôi càng gắng sức cùng đồng nghiệp chăm sóc tốt hơn bệnh nhân để họ sớm được trở về hòa trong niềm vui đoàn tụ với gia đình.

Điều dưỡng HOÀNG NGỌC HÓA, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B (Bình Dương)