Trưa 1-8, khu tập thể nơi tôi ở bất ngờ nhận quyết định cách ly 14 ngày vì có F0. Không kịp trở tay! Tôi thực sự lo lắng. Con cái thì đang đi học, đi làm mà quyết định cách ly quá đột ngột, lại chưa có các giải pháp đi kèm như mua bán thực phẩm hay hỗ trợ thế nào. Thế rồi, 12 ngày phong tỏa cũng qua. Ngày 13-8, đang hí hửng sắp hết cách ly thì khu nhà tôi nhận thêm quyết định của quận Đống Đa thực hiện tiếp một đợt phong tỏa 14 ngày nữa. Những ngày phong tỏa, tôi biết thêm một góc khác của Hà thành: Thiếu thốn so với ngày thường thì đã rõ, có nhà không chuẩn bị kịp nên chỉ còn mì ăn liền với lạc, có bà mẹ chỉ dám nhờ mua nửa lạng thịt cho con vì không còn tiền...
 |
Túi rau ân tình. Ảnh: NVCC |
19 giờ tối 27-8, hết cách ly lần thứ hai. Hân hoan, vui mừng! Tôi chạy ra hồ Văn Chương hít thở “không khí tự do” thì bị một số người có ý nhắc là người trong khu có dịch ra vùng xanh “của họ”, dù nhà ở chỉ cách nhau vài chục mét. Tôi đành quay về, vì hiểu sự lo lắng của họ là có cơ sở.
Nhận được thẻ đi chợ, ai dè tôi chưa kịp đi thì trưa hôm sau lại có thêm quyết định phong tỏa của phường Thổ Quan, cứ liên tục mấy lần cho đến khi có quyết định phong tỏa của quận Đống Đa lần thứ ba kéo dài đến ngày 28-9. Đợt này phong tỏa rộng hơn, chặt hơn. Các gia đình chỉ được nhận tiếp tế vào các ngày thứ 3, 5, 7 với thời gian cố định: Sáng từ 7 giờ đến 10 giờ, chiều từ 15 giờ đến 17 giờ, thế nên một số gia đình có vẻ gặp khó khăn. Chúng tôi bắt đầu nhắc nhau sử dụng dè xẻn lương thực, thực phẩm đề phòng dịch diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách có thể kéo dài...
Tôi đã may mắn nhờ được mấy người bạn hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Giữa những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, chị em vẫn lặn lội đi mua rồi gửi qua chốt cho gia đình tôi. Lúc khó khăn này mới hiểu hết lòng nhau. Rồi phường cũng huy động các “mạnh thường quân” giúp, lúc thì bao gạo, thùng mì, lúc thì cân lạc, chai dầu ăn, rau, củ các loại... Với các gia đình bị trong khu phong tỏa như chúng tôi thì đây là những món quà rất ý nghĩa, nhất là đối với các gia đình khó khăn, neo người.
Gần hai tháng liền, chúng tôi đã sống trong điều kiện khó khăn ấy và đã vượt qua. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, nên chăng khi phong tỏa, chính quyền địa phương cần tính toán kỹ phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong khu, nắm chắc các hộ khó khăn để hỗ trợ khi cần thiết. Còn đối với mỗi hộ gia đình thì cũng cần chủ động, chuẩn bị thường xuyên về lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu để tự bảo đảm trong một khoảng thời gian nhất định thì mới có thể thực hiện "ai ở đâu ở đó" góp phần phòng, chống dịch.
Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn.
|
THANH HẰNG (phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội)