Với nữ chiến sĩ, bác sĩ này, thời gian gần 2 tháng làm việc trong môi trường dịch bệnh bủa vây, hàng ngày khám, điều trị cho các bệnh nhân F0 và cả những người mắc các bệnh hiểm nghèo… tuy vất vả nhưng chị luôn cảm thấy ấm lòng bởi tình quân dân, nghĩa đồng bào ở nơi tâm dịch.
Những dòng nhật ký mà Trung úy Trần Thị Lan Hương viết gửi cho bố mẹ sẽ là kỷ niệm vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời làm nghề thầy thuốc mà chị và các đồng nghiệp đang trải qua.
Bố mẹ thương nhớ!
Đêm nay thành phố mang tên Bác mưa to lắm, cơn mưa rào như thể cuốn đi tất cả những khó khăn, vất vả vì dịch bệnh mà bà con nơi đây đang phải trải qua; mưa như để rửa trôi hết dịch bệnh và mưa để làm sạch bầu không khí nóng nực của cả ngày hôm nay. Nhưng cơn mưa rào giữa đêm khuya càng khiến con nhớ bố mẹ nhiều hơn và để vơi đi bớt nỗi nhớ, con ngồi dậy viết nhật ký để gửi cho bố mẹ và cũng là lưu lại khoảng thời gian dẫu vất vả, hiểm nguy nhưng để lại cho con những ấn tượng vô cùng sâu sắc bởi tình quân dân ở nơi con đang làm việc.
 |
Trung úy Trần Thị Lan Hương (thứ 5 từ phải sang) và các đồng nghiệp trước khi lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch |
Bố mẹ ạ! Nơi con đang làm việc là Trạm y tế lưu động ở phường 7, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Tổ của con có 3 y, bác sĩ, làm nhiệm vụ khám, phát hiện, điều trị F0 tại nhà đồng thời hỗ trợ, phát thuốc, cấp cứu cho các bệnh nhân nặng…
Công việc hằng ngày của con thường bắt đầu từ sáng và kết thúc vào lúc chiều muộn. Có những trường hợp bệnh nhân nặng phải nhập viện trong đêm hoặc cần sự trợ giúp khẩn cấp của bác sĩ, chúng con luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ bà con.
Khi con mới đặt chân đến đây, công việc nhiều, bệnh nhân đông, môi trường sống, môi trường làm việc cũng khác với bệnh viện nơi con công tác nhiều lắm. Trước đây, bệnh nhân đến với con ở bệnh viện với đầy đủ công cụ, thiết bị thăm khám, xét nghiệm hỗ trợ còn giờ đây chúng con tìm đến tận nhà bệnh nhân với những dụng cụ cơ bản nhất. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó cũng nhanh chóng qua đi và chỉ sau vài ngày con cùng với đồng nghiệp đã bắt nhịp ngay được vào công việc.
 |
Trung úy Trần Thị Lan Hương phát bánh trung thu cho người dân TP Hồ Chí Minh. |
Bố mẹ ơi, cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn lắm, có những gia đình sống trong căn hộ chỉ vỏn vẹn 30m2 nhưng có đến 3 thế hệ. Cuộc sống sinh hoạt, ăn ở còn thiếu thốn như vậy họ sẽ chống chọi với bệnh tật như thế nào? Chứng kiến cảnh ấy, con thấy thương họ vô cùng, con muốn góp sức lực nhỏ bé của mình giúp bà con vơi đi bệnh tật, vất vả.
Vì vậy, con và các đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức và làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ bà con. Giờ đây, cư dân ở phường 7, quận 11 coi chúng con như người trong gia đình. Bà con gửi cho chúng con những vật phẩm như rau, củ, mì tôm, dầu gội... Những món quà đơn sơ nhưng chứa đựng trong đó là tình cảm, tình thương yêu của nhân dân dành cho những bác sĩ mặc áo lính.
Trong quá trình đi khám cho bệnh nhân, gặp những gia đình hoàn cảnh khó khăn, con và đồng nghiệp lại san sẻ những bao gạo, gói mì cho những người còn khó khăn hơn mình. Dẫu vật chất không thể tiện ích, đủ đầy nhưng con lại càng cảm nhận rõ hơn, đậm nét hơn tình quân dân, nghĩa đồng bào ở thành phố mang tên Bác kính yêu. Chính sự sẻ chia đùm bọc ấm áp ấy đã tạo thêm động lực, cổ vũ tinh thần lớn lao cho chúng con vững tin vào chiến thắng trong chặng đường phía trước.
Bố mẹ biết không, khi đi đến từng nhà bệnh nhân F0, chúng con phải mang theo cả bình ôxy và nhiều thiết bị y tế khác. Nếu bệnh nhân ở trên tầng cao mà không có thang máy thì chúng con đi thang bộ, vừa đi vừa đeo trên lưng chiếc bình ôxy rất nặng. Có nhà con phải leo lên tận tầng 5, tầng 6. Lên đến nơi thì mệt lắm nhưng nhìn thấy bệnh nhân nặng cần phải cứu chữa ngay, con và đồng nghiệp không kịp ngồi nghỉ mà bắt tay ngay vào việc. Trường hợp nặng phải gọi xe cứu thương đưa vào bệnh viện luôn.
Nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu chữa kịp thời như anh: Vương Phước Vinh, ở phố Lê Đại Hành, phường 7, quận 11; chị Trần Lầu Sâm Liên, Trần Thị Kim Lan ở phố Lý Nam Đế, phường 7, quận 11…
Trải qua những tháng ngày làm việc ở nơi tuyến đầu dịch bệnh thì giờ đây con càng cảm nhận rõ hơn về sự lựa chọn của mình theo học ngành y là đúng đắn.
Khi còn đang học lớp 9, con mơ ước sau này sẽ theo học ngành kinh tế. Nhưng lúc đó, chứng kiến bố mẹ hay bị ốm, thường xuyên phải đi đến bệnh viện để khám. Thế rồi đến năm cuối lớp 12, con quyết định sẽ theo học ngành y và lựa chọn Học viện Quân y để theo đuổi sự nghiệp.
Cuối cùng thì ước mơ là bác sĩ của con đã thành hiện thực, giờ đây con không chỉ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ và người thân mà còn góp sức nhỏ bé cùng các bác sĩ quân y, tình nguyện đi vào tâm dịch để làm nhiệm vụ của người chiến sĩ.
Mái trường Học viện Quân y đã rèn luyện cho con không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn dạy con cả về lẽ sống, về sự tận tâm của bác sĩ, sự dẻo dai bền bỉ của người lính.
Con tự hào khi được mang trên mình màu áo xanh của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.
Những ngày qua, hàng nghìn bác sĩ quân y đã tình nguyện chia sẻ khó khăn, giúp đỡ đồng bào miền Nam chống dịch. Con tin rằng, một ngày không xa nữa thôi, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch. Khi đó con sẽ được về nhà để chăm sóc bố mẹ và thực hiện ước mơ còn dang dở vì dịch bệnh.
 |
Trung úy Trần Thị Lan Hương nhận Huy hiệu do UBND TP Hồ Chí Minh trao tặng. |
Con vui lắm bố mẹ ạ, tại Lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, con đã được UBND TP Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố.
Bố mẹ hãy giữ gìn sức khỏe và hẹn một ngày không xa, khi dịch bệnh bị đẩy lùi, con sẽ trở về đưa bố mẹ đi tham quan những di tích lịch sử như trước đây nhé!
Trung úy TRẦN THỊ LAN HƯƠNG (Bác sĩ Bệnh viện Quân y 354)