Trước đó, biết được ý định này, cấp trên đã khuyên tôi nên ở lại Hà Nội. Bởi mọi người biết, bố tôi-một quân nhân-cũng đang trên tuyến đầu chống dịch. Từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tới nay, hơn 4 tháng, bố chưa về nhà. Em tôi cũng gác lại những ngày học tập, để cùng các bạn học viên hệ sau đại học, Học viện Quân y xung phong vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Tôi biết mọi người lo cho tôi, lo cho gia đình tôi. Tôi trân trọng những tình cảm đó. Nhưng tôi đã nghĩ rất kỹ. Ở ngoài kia, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh những niềm riêng, thu xếp chuyện gia đình, để lên đường vào miền Nam tham gia công tác phòng, chống dịch. Tổ quốc gọi lên đường, sao tôi có thể lặng im. Sáng 28-8, 60 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 354, cùng hàng trăm bác sĩ, học viên quân y tới TP Hồ Chí Minh, thành lập các tổ quân y cơ động chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà. Hành trang chúng tôi mang theo là tinh thần quyết tâm của người lính, là y đức của người thầy thuốc, nguyện mang hết khả năng của mình sớm đẩy lùi đại dịch, cứu giúp nhân dân.
 |
Đại tá Hà Như Lợi, Phó tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần động viên Thượng uý Nguyễn Huy Tuấn lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch.
|
TP Hồ Chí Minh đón chúng tôi bằng cơn mưa rào. Tổ quân y cơ động do tôi làm tổ trưởng và hai điều dưỡng được điều động về phường 13, quận 11. Chiếc xe đưa chúng tôi rời sân bay về nơi tập kết chạy nhanh trên đường. Qua kính xe hiện lên những dãy nhà im lìm, những con đường dài hun hút, đầy cô đơn và ám ảnh. Tất cả nhắc nhở tôi và đồng đội, đây là cuộc chiến không tiếng súng, nhưng đầy cam go và thử thách.
Chiều 28-8, sau khi chuẩn bị xong công tác hậu cần, tiếp nhận thông tin, chúng tôi bắt tay vào công việc. Cùng với lực lượng của Trạm Y tế phường 13, quận 11, chúng tôi tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc F0 tại cộng đồng; tiếp nhận những cuộc điện thoại từ người dân; thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 để phân luồng điều trị; tái khám F0 điều trị tại nhà và cấp thuốc, hướng dẫn điều trị...
Chỉ trong vòng một tuần, tổ chúng tôi và y tế phường lấy khoảng 15.000 mẫu xét nghiệm, sàng lọc gần 1.000 F0 và hàng nghìn F1 tại địa bàn. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng được chuyển tới cơ sở y tế điều trị, còn lại là hàng trăm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được chỉ định điều trị tại nhà.
Điện thoại của tổ quân y cơ động đổ chuông liên hồi. Để tránh quá tải, dẫn đến nghẽn mạng đường dây nóng, tôi chủ động cung cấp số điện thoại cá nhân để kịp thời nhận thông tin. Công việc căng thẳng, không quản ngày đêm, cứ có bệnh nhân gọi là chúng tôi lên đường. Tôi cảm nhận sự lo lắng của người bệnh được giãn ra khi thấy bác sĩ quân y xuất hiện. Họ yên tâm hơn khi được chúng tôi tư vấn, động viên. Đây chính là động lực thôi thúc chúng tôi cố gắng có mặt nhanh nhất để điều trị cho người bệnh.
 |
Lãnh đạo Khoa Ung bướu, đồng nghiệp tiễn Thượng úy Nguyễn Huy Tuấn (thứ 4 từ trái sang) và các đồng nghiệp lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch.
|
Gần chục năm làm bác sĩ, tiếp xúc với các bệnh nhân ung bướu, ngày ngày đối mặt với nhiều ca bệnh nguy hiểm, tôi cũng không thể tưởng tượng hết được sự khắc nghiệt của dịch Covid-19 lần này. Nhiều ca bệnh đã khỏi sau những ngày được chúng tôi điều trị. Nhưng cũng có những bệnh nhân đã không thể trụ vững. Tôi nhớ, một ngày đầu tháng 9, tôi và đồng đội dốc sức cấp cứu bà cụ 80 tuổi. Thế nhưng, dù chúng tôi cố gắng thế nào thì hơi thở cụ cứ yếu dần, rồi tắt hẳn. Cụ vốn sống một mình, chỉ có cô con gái lấy chồng gần nhà. Không may cô ấy cũng là F0, nên khi cụ ra đi không có người thân nào bên cạnh. Lúc ấy, tôi đã khóc vì thương cụ, tự trách mình bất lực. Với bác sĩ, không cứu được bệnh nhân là nỗi ám ảnh lớn...
Tới nay, ngày 19-9, sau gần một tháng có mặt tại TP Hồ Chí Minh, công việc của chúng tôi cũng giãn dần ra, khi số lượng các ca F0 trên địa bàn ngày càng có xu hướng giảm. Tôi có thời gian để nghĩ về sinh nhật lần thứ 4 của cậu con trai bé bỏng. Ngày 13-9 vừa qua là sinh nhật con trai tôi. Tối hôm đó, tranh thủ thời gian, tôi gọi điện hình ảnh về nhà. Thật hạnh phúc khi qua màn hình, tôi thấy con vui vẻ hát mừng sinh nhật và thổi nến. Mới 4 tuổi nhưng con đã bắt đầu hiểu chuyện. Giọng còn chưa sõi, cu cậu bảo: “Ông nội, bố và chú Tú không ở nhà. Nhưng con chỉ buồn một xíu thôi. Hằng ngày, bà nội, mẹ, thím Mai (vợ chú Tú) đều kể cho con và em Hoàng Anh (con chú Tú) nghe. Con biết, ông nội, bố và chú đang đi làm nhiệm vụ”. Rồi cu cậu ra dáng chững chạc và hô lớn: “Bố cố lên. Mau đuổi hết con virus rồi về với con nhé. Lớn lên con cũng sẽ trở thành bộ đội”.
Rồi càng lớn con sẽ càng hiểu hơn. Ông, bố, chú của con đều là bộ đội. Ở đâu nhân dân gặp khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh, thì ở đó có bộ đội sẵn sàng làm mọi việc để giúp dân.
Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn. |
Thượng úy NGUYỄN HUY TUẤN, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Quân y 354