Tổ quân y cơ động chúng tôi có mặt ở phường Thuận Giao, TP Thuận An. Nơi đây được các bạn tình nguyện viên thông tin có hàng nghìn ca F0, có thể nói là “vùng đỏ đậm đặc”. Tổ quân y có 3 người, 1 bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) làm tổ trưởng, tôi và bạn cùng khóa là học viên năm thứ 4. Ngoài ra, chúng tôi còn được sự hỗ trợ của 3 tình nguyện viên đều công tác bên ngành y. Họ đã “bám trụ” ở đây từ những ngày đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát.

“Đại bản doanh” của chúng tôi đóng ở một trường mầm non, ít ngày trước là khu cách ly với hơn 800 F0. Mọi thứ bộn bề, thiếu thốn rất nhiều, từ ăn uống, sinh hoạt đến đồ phòng hộ, trang bị để làm việc đều nan giải... Những học viên đang căng tràn nhiệt huyết, bỗng thấy đôi chút lo lắng. Nhưng cảm xúc ấy nhanh chóng qua đi bởi những cuộc điện thoại không ngừng nghỉ từ phía người nhà bệnh nhân F0. Họ đang rất cần chúng tôi...

Ngày 30-8, tôi không nghĩ mưa buồn đến thế!

Cuối ngày rồi, chẳng có thứ gì đủ dễ chịu làm tôi ổn hơn sau ca làm việc hôm nay. Mưa rất lớn. Chúng tôi nhận được thông báo, bệnh nhân là một phụ nữ 40 tuổi đang tím tái nằm trên võng, trong phòng trọ còn có con trai 3 tuổi đang ở cùng mẹ. Tổ quân y cấp tốc cơ động đến nơi, đứng trước cảnh tượng mà chẳng ai muốn nghĩ đến. Chị ấy đã qua đời.

Hàng xóm kể lại, chồng chị dương tính với virus SARS-CoV-2, đang đi cách ly tập trung. Mới sáng nay còn thấy chị ngồi trong phòng với con, vậy mà... Chúng tôi test nhanh thì cho kết quả người mẹ dương tính, bé trai âm tính. Tất cả mọi người như nín lặng, bé trai ngơ ngác nhìn chúng tôi thắp hương cho mẹ cháu mà chẳng hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Biết chuyện, gia đình người chú ruột đến đón bé để chờ hết thời gian cách ly của bố cháu... Muốn viết nhiều quá mà thật sự trong tôi bây giờ hoàn toàn trống rỗng.

Ngày 8-9, cấp cứu.

Một ca cấp cứu đường vào lắt léo. Ông cụ liệt tay chân, không thể tự vệ sinh cá nhân, sống một mình. May mà có hàng xóm thỉnh thoảng qua giúp đỡ ông ăn uống và dọn dẹp. Sau cấp cứu, may mắn sức khỏe ông vẫn ổn, kết quả test nhanh: Âm tính.

Ngày 12-9.

Lần đầu tiên tôi đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn một ca bệnh nặng. Bệnh nhân lơ mơ, mất ý thức, suy hô hấp. Đồng đội đang cấp cứu và chuyển gấp các ca khác ở rất xa. Sự hỗ trợ duy nhất cho tôi lúc ấy là trợ giúp vòng ngoài của bạn Giang, tình nguyên viên. Mọi sự chuẩn bị và di chuyển đều gấp rút. Tiếp cận được bệnh nhân rất khó vì ở tận tầng 3 của khu tập trung mà tôi thì vác theo bình oxy quá nặng. Việc gọi xe cấp cứu và tìm đường để tránh các chốt chặn bê tông đối với những người lạ nước lạ cái như tôi là không thể. May sao bạn Giang đã hỗ trợ được điều này.

Khi di chuyển, bệnh nhân trên xe cấp cứu liên tục ngủ vì quá mệt và không gắng thở được. Nhiệm vụ của tôi lúc này là liên tiếp gọi bệnh nhân tỉnh dậy và giúp họ thở. Hai tay sẵn sàng ép tim nếu có dấu hiệu ngừng tim phổi, còi xe cấp cứu inh ỏi bên tai. Cuối cùng, đến được bệnh viện, bệnh nhân có tiến triển tốt hơn nhờ được thở oxy, còn tôi thì vẫn giữ được niềm tin trong nhiệm vụ lần này.

Thành quả đó là kết quả sau chuỗi ngày rong ruổi, vừa làm vừa học việc cùng các bác sĩ đi cấp cứu. Chắc chắn đây là kỷ niệm khó quên đối với cả tôi lẫn bệnh nhân, cũng là bài học thực tiễn sinh động của tôi trên con đường học tập trở thành bác sĩ.

Ngày 16-9, tinh thần phấn chấn.

Hôm nay, tổ quân y chúng tôi được tặng một bài thơ có tên là "Hương đời".

“Này em... đồng đội của tôi ơi/ Vất vả bao nhiêu vẫn mỉm cười/ Kín bưng mấy tiếng trong ca trực/ Ướt sũng cả người vẫn vui tươi.

Cảm ơn em lắm... đồng đội ơi/ Tình thương, y đức thật tuyệt vời/ Yêu thương giúp đỡ và chia sẻ/ Tới mỗi con người, ở mọi nơi.

Đất nước của mình sẽ ổn thôi/ Bởi có các em những con người/ Chiến binh thầm lặng nơi tiền tuyến/ Kiên trung, y đức ngát hương đời”.

Tôi đọc vừa vui mà vừa thương. Tôi thương đồng đội, tôi thương mọi người, vì cuộc chiến chống dịch bệnh quá khốc liệt. Nhưng ở đó vẫn có sự lạc quan, yêu thương để cùng nhau hướng đến ngày mai tốt đẹp, tươi sáng hơn, cùng đoàn kết chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Hạ sĩ PHẠM ĐÌNH HƯNG, Học viên K52, Học viện Quân y

Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn.