CHẾ LAN VIÊN
Kết nạp Đảng trên quê mẹ
Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời
Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ!
Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?
Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm
Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên
Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác
Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt
Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?
Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn
Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết
Tôi cúi đầu nghe, dặt dìu, tha thiết
Cây cỏ trời mây, kẻ mất người còn
Trong mơ hồ, trăm tiếng của quê hương
Tiếng mẹ bảo bên tai: "Con hãy nhớ
Bà con quê ta đói nghèo lam lũ
Cuộc sống xưa như nước chảy mất dòng
Không ai thương như cỏ nội giữa đồng
Con chim bỏ trời quê ta đi xứ khác
Đất chẳng nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất
Chiếc khăn xanh mẹ bịt trên đầu
Đã từng che hai thứ tóc buồn đau
Mẹ trông ở đời con... "Con hãy gắng
Con đi đi... Từ nay con có Đảng"
Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương
Như đang dâng thành núi, đọng thành cồn
Ôi gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa
Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người
Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười
Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng
Của đồn giặc mấy năm trời chiếm đóng
Đảng kính yêu! Tôi tìm Đảng giữa nơi này
Như chờ vang tiếng sét xé trời mây...
Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng mắt lệ
Phút mơ ước, sao thiếu hình bóng mẹ?
Giặc bao vây ngăn lối chặn đường
Thiếu cả gia đình ngay giữa đất quê hương!
Mẹ ơi! Mẹ không là đồng chí
Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ
Đời khổ đau mẹ đứng dưới cờ này
Mẹ đói nghèo, hàng ngũ bên con đây
Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc
Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát
Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?
Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu
Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ
Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ
Tự nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng
Từ tiếng thét căm thù vì giặc giã, vua quan
Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng
Rẫy bắp, vườn tiêu, bờ tre, bãi sắn
Những đồi tranh ăn độc gió Lào
Cả trại tù Lao Bảo chốn rừng sâu
Ôi tiếng đầu tiên gọi ta “đồng chí”
Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị
Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi
Là bạn thuở nhi đồng áo vá cơm khoai
Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau.
Năm 1949
Xúc động một bài thơ về Đảng
QĐND - Nguyên quán nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” được ông sáng tác năm 1949, với nguồn cảm hứng từ chính lễ kết nạp Đảng của ông trên quê hương Quảng Trị.
“Kết nạp Đảng trên quê mẹ” đánh dấu hai sự kiện quan trọng trong cuộc đời nhà thơ lớn Chế Lan Viên. Về mặt con người xã hội, bài thơ ghi lại thời khắc nhà thơ Chế Lan Viên nguyện trung thành với lý tưởng của Đảng, dùng ngòi bút là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Riêng với con đường nghệ thuật thi ca, bài thơ đánh dấu bước chuyển phong cách nghệ thuật của tác giả: Từ thi pháp lãng mạn, tượng trưng của phong trào Thơ Mới sang thi pháp trữ tình chính trị của thơ ca cách mạng. Cần nhắc lại rằng, Chế Lan Viên nổi danh từ năm 17 tuổi với tập thơ “Điêu tàn” gây ngạc nhiên, ngưỡng mộ khắp thi đàn. Song, cũng như bao văn nghệ sĩ cùng thời đi theo cách mạng, Chế Lan Viên rất khó khăn để “lột xác” sáng tác trong hoàn cảnh thời đại mới. Điều đó buộc nhà thơ phải “nhận đường” (chữ của Nguyễn Đình Thi), thâm nhập vào đời sống mới, “ba cùng” với nhân dân để tìm cảm hứng sáng tác.
Khi đã đồng hành cùng cuộc cách mạng lớn lao, sát cánh với nhân dân vĩ đại, nhà thơ chợt nhận ra Đảng thật gần gũi, gắn bó máu thịt như nhà thơ bấy lâu nay gắn bó với quê hương, với người mẹ sinh thành. Chẳng thế mà nhà thơ phải viết hai câu thơ để diễn đạt suy nghĩ đó: “Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng” và “Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?”. Việc nhân cách hóa Đảng như người mẹ đã tạo ra tính đa nghĩa, mang lại tính trữ tình giàu chất nghệ thuật để bài thơ thoát khỏi khuôn sáo tuyên truyền cổ động tầm thường: “Mẹ trông ở đời con... Con hãy gắng/ Con đi đi... Từ nay con có Đảng”, “Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu/ Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau”.
Nghệ thuật thơ cách mạng sử dụng từ ngữ đậm chất thị giác với lớp biểu tượng, hình ảnh gây cảm giác mạnh cho người đọc. Trong giờ phút được kết nạp Đảng “đất trời như đổi khác”, Chế Lan Viên bồi hồi nhớ lại quá khứ đau buồn “một cổ hai tròng”, thiên nhiên khắc nghiệt khiến đời sống nhân dân, cuộc đời người mẹ cơ cực: “Cuộc sống xưa như nước chảy mất dòng”; “Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người”. Với Chế Lan Viên, đi theo Đảng là điều tất yếu bởi chỉ có Đảng mới đem lại độc lập, tự do, cơm áo cho người dân, để quê hương bớt lầm than: “Đảng kính yêu! Tôi tìm Đảng giữa nơi này/ Như chờ vang tiếng sét xé trời mây...”
Sự xúc động của bài thơ, đồng thời cũng là sự phát hiện của nhà thơ đó là trở thành đảng viên đồng nghĩa phải gắn bó với nhân dân cần lao, phải đứng ở tuyến đầu, chấp nhận khó khăn thử thách: “Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc/ Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát”. Đọc bài thơ, độc giả có thể thấy sự tin tưởng của nhà thơ vào tương lai tươi sáng của quê hương đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, với điểm tựa nhân dân vững chắc.
Bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” sau này được in trong tập “Ánh sáng và phù sa” (Nhà xuất bản Văn học, 1960), khẳng định vị trí hàng đầu của Chế Lan Viên trong nền thơ ca cách mạng. Riêng với bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” mãi được ghi nhận là một trong những bài thơ hay nhất, xúc động nhất viết về Đảng.
Tiến sĩ LƯƠNG HOÀNG PHƯƠNG