Thế hệ chúng tôi luôn trân quý gọi nhạc sĩ Chu Minh là thầy. Tôi vẫn xúc động khi nhớ sinh nhật tuổi 80 của thầy, cô giáo Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1936), nguyên Phó hiệu trưởng Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) vẫn cùng các học trò của mình đến chúc mừng thầy. Một sợi dây tình cảm gắn kết tình thầy trò cũng như lòng ngưỡng mộ tài đức với nhạc sĩ tài ba Chu Minh. Bởi thầy Chu Minh luôn là tấm gương sáng về tài năng, trí tuệ, bao dung và luôn hết lòng, dành cả trái tim cho quê hương, đất nước.

Nhạc sĩ Chu Minh (bên phải) cùng nhạc sĩ Doãn Nho trong đêm nhạc “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”. Ảnh: VƯƠNG HÀ

Những ngày cuối năm 2019, khi các thế hệ học trò chúng tôi ngỏ lời với thầy về việc tổ chức một chương trình nghệ thuật với ý nghĩa tôn vinh thầy, thầy có phần e ngại, bởi như lời thầy nói, trước thầy có rất nhiều tên tuổi nhạc sĩ đã có những thành tựu đồ sộ đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhưng qua thuyết phục, Chương trình nghệ thuật “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” đã diễn ra thành công rực rỡ. Qua chương trình, chân dung một nhạc sĩ, một người thầy được phác họa đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Ở đó, một cậu bé họ Triệu đã đi qua tuổi thơ của mình ở phố Đồng Hồ-Hà Nội; khác với những bạn bè cùng trang lứa, cậu bé ấy lớn lên trong gia đình khá giả, nhưng tâm hồn của cậu thấm nỗi lầm than của đồng bào, thấm những ngọn nguồn của văn hóa kinh kỳ, cũng thấm những tinh hoa của thế giới nghệ thuật phương Tây. Có thể gọi là may mắn. Có thể gọi đó là nguồn nước hợp thành dòng sông tâm hồn của một con người nghệ sĩ của ngày sau. Cậu bé nghịch ngợm, cậu bé chơi vĩ cầm của phố Đồng Hồ-Hà Nội thành người liên lạc bí mật mang tên Minh, thành người của đội tuyên truyền võ trang của kháng chiến… Sau Chiến dịch Biên Giới năm 1950, trong rừng sâu Việt Bắc, đội viên Chu Minh viết những ca khúc đầu tiên-ca khúc “Chiến thắng Biên Giới”. Và từ đó bắt đầu cuộc đời của Chu Minh-chiến sĩ-nghệ sĩ đi theo con đường gian lao của dân tộc, hết cuộc kháng chiến này đến cuộc kháng chiến khác, dữ dội hơn, bi tráng mãnh liệt hơn.

Điều thật khâm phục là trong những tháng năm ấy, tưởng chừng đất nước chỉ dồn vào chuyện sinh tử, có những người lãnh đạo tâm huyết với tầm nhìn xa đã thấy trong Chu Minh một ngọn nguồn tài năng nghệ thuật. Hai lần Chu Minh được gửi đi học nhạc ở nước ngoài. Cậu bé chơi vĩ cầm phố Đồng Hồ-Hà Nội như cá gặp biển khơi khi tiếp xúc với kho tàng nghệ thuật khí nhạc của thế giới.

Năm 1950, chàng trai Chu Minh trong đội tuyên truyền võ trang lần đầu được gặp Bác Hồ vào buổi tối sinh nhật tuổi 60 của Bác. Trong tâm hồn nhạc sĩ Chu Minh, cảm xúc về Hồ Chí Minh luôn dào dạt như một bản giao hưởng không bao giờ dứt. Chu Minh đã viết nhiều ca khúc về Bác Hồ, ngay từ những năm trong Chiến khu Việt Bắc. Chu Minh đã 4 lần được gặp Bác và khi biết tin Bác Hồ từ trần, nỗi đau của Chu Minh là nỗi đau thắt nghẹn hòa vào nỗi đau của đồng bào, dân tộc. Và ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” chính là nỗi lòng của người nhạc sĩ, cũng là nỗi lòng của toàn dân Việt Nam gửi gắm, ca khúc được chọn phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong Lễ truy điệu Bác Hồ.

Năm 1972 là khúc kịch tính nhất của bản giao hưởng khắc nghiệt-bản giao hưởng chiến tranh giữ nước. Đó là khi đất nước trên đầu sóng. Đó là thời khắc hùng tráng của lịch sử, của toàn Đảng, toàn dân tộc, đó cũng là lúc người nghệ sĩ nếu hòa mình cùng dân tộc, sẽ bật lên lời tráng ca. Chu Minh là nghệ sĩ như thế. “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” sáng tác phỏng thơ “Đầu sóng” của Hoàng Trung Thông là tác phẩm tráng ca, là đỉnh cao trong cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Chu Minh. Chỉ có nghệ sĩ trọn vẹn tâm can cảm nhận đầu sóng lịch sử của Đảng, của đất nước mới cống hiến được tác phẩm để đời như thế: “Ta đứng đầu ngọn sóng/ Giữa dòng thác lũ thời đại, thác lũ cuộc đời/ Thuyền ta bé nhỏ nhưng vững tay chèo/ Không chòng chành nhằm thẳng hướng mà đi/ Nơi đấu tranh bão táp diệu kỳ/ Nơi hy vọng như ngàn hoa nở/ Nơi chân lý sáng ngời đầu sóng gió/ Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!...”.

Bên cạnh những tác phẩm âm nhạc đồ sộ, nhạc sĩ Chu Minh nổi bật với vị trí của một người thầy. Những tên tuổi, thế hệ học trò của ông, như: Trần Long Ẩn, Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh…; tiếp nối ngày nay có Đỗ Bảo, Sa Anh, An Hiếu… đã khẳng định tài năng truyền thụ và dẫn dắt lớp lớp những thế hệ sáng tạo đóng góp cho sự phát triển âm nhạc nước nhà. Bản thân tôi, sau khi ở chiến trường trở về, học xong hệ trung cấp của Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội), tiếp tục học hệ đại học rồi lên cao học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong suốt 8 năm theo học đã được thầy Chu Minh trực tiếp dẫn dắt, chỉ dạy. Nhớ kỷ niệm năm cuối cao học, do bận bịu với hoạt động biểu diễn cùng ban nhạc Hoa Sữa và công việc sáng tác, tôi toàn phải khất lần với thầy việc trả bài. Có hôm thầy Chu Minh nhắn đến trả bài, tôi đến nhà thầy; sau khi trả bài xong, thầy bảo chở đến nhà tôi xem cuộc sống thế nào. Đến nhà, tôi nhờ thầy xem trước bản giao hưởng “Tượng đài vô danh” tôi sáng tác bảo vệ tốt nghiệp, thầy xem và bảo cắt một đoạn. Lúc đó tôi nghĩ công sức mình sáng tác, cắt bỏ thì phí, tôi cắt chuyển sang một đoạn khác. Lần sau đưa đến thầy xem, thầy khen viết tốt, tôi kể chỗ thầy khen hay chính là đoạn tôi lắp phần thầy bắt cắt. Thầy mắng vui: "Suốt ngày thấy lượn lờ đi chơi mà viết lắm nốt nhạc thế!". Đó chính là những bài học tôi học được ở thầy Chu Minh, học thầy nhưng tìm ra phong cách sáng tác riêng cho mình. Và cho đến nay, hơn 30 năm làm âm nhạc, tôi vẫn luôn có thầy ở bên, đồng hành, có những lúc bí bách trong sáng tác tìm đến hỏi thầy; có niềm vui trong âm nhạc đến bên thầy để chia sẻ.

Một đường đời rất dài, nhưng thầy Chu Minh luôn giữ cho mình vẻ lãng tử, trẻ trung của chàng trai Hà thành, vì thế giữa thầy và học trò chúng tôi chẳng khác nào những người bạn tri kỷ. Thầy gặp nhiều người trẻ và sẵn sàng thu nhận những tinh anh của họ, cùng là đồng tác giả với họ trong những tác phẩm âm nhạc mới.

Nhạc sĩ Chu Minh-cây cổ thụ của âm nhạc Việt Nam, vẫn hàng ngày đến với những người yêu nhạc, những người nhận từ trong âm nhạc suy tư sâu xa về cuộc đời mỗi con người, về mệnh hệ của lịch sử.

Nhạc sĩ ĐỨC TRỊNH

Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam