Bà Nguyễn Thị Thành (giữa) cùng các đại biểu tham quan trưng bày tại Khu di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò.

Tóc bạc, lưng còng, tay chống gậy, dẫn chúng tôi đi thăm khu giam phạm nhân nữ trong Khu di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, bà Nguyễn Thị Thành hồi tưởng về một thời quá khứ nơi bà cùng đồng đội đã cho kẻ thù thấy sức mạnh của ý chí và lòng yêu nước. Ngay lúc chúng tôi ở khu di tích lịch sử này, đã có những bạn trẻ đến đây thử đứng một mình trong phòng giam và không chịu nổi quá hai phút. Nhưng thực tế còn khủng khiếp hơn nhiều. Không phải là những khu trưng bày, hay một hai cánh cửa nhà giam tượng trưng mà toàn bộ là những dãy hành lang, khu vực xà lim với gông cùm bằng sắt chật chội, tối tăm, lạnh lẽo…

Câu chuyện vì sao “có mặt” chốn “địa ngục trần gian” này bắt đầu từ những ngày tháng bà tham gia du kích trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Sau 60 ngày đêm quyết tử, bà thoát khỏi sự vây ráp của kẻ thù, tiếp tục hoạt động và được kết nạp Đảng khi mới 20 tuổi. Vào khoảng năm 1949-1950, một kẻ phản bội trong hàng ngũ đã chỉ điểm cho địch, khai ra bà. Bà bị địch bắt và giam cầm ở Hỏa Lò. Không ngày nào địch không tìm trăm phương nghìn kế tra tấn hòng lung lạc ý chí người nữ cộng sản này. Thậm chí, chúng đổ nước cống thối vào mồm, vào mũi bà, giẫm giày lên người, lên bụng bà để nước cống bắn ngược ra ngoài… nhưng không moi được thông tin gì. Cho đến một ngày, chúng dùng điện cặp vào hai tai bà để tra tấn. Dòng điện quay quá mạnh làm tuột một bên. Đang nằm trên nền đất lạnh, bất ngờ bà gọi chúng: “Này, rơi một bên rồi”. Bọn địch ngạc nhiên, rồi cười rộ lên khả ố. Chúng bảo nhau rằng: “Con này nguy hiểm lắm. Tra tấn thế chứ tra tấn nữa nó cũng không khai”. Thế là từ đó chúng không tra tấn bà nữa, nhưng xếp bà thuộc "thành phần nguy hiểm" nên dù không có bằng chứng gì chúng cũng không thả mà chuyển bà sang nhà giam khác. Bà chỉ thoát khỏi cảnh ngục tù, giam cầm sau Hiệp định Geneva, khi tiến hành trao đổi tù binh giữa ta và Pháp năm 1954.

Được tiếp chuyện bà, dù muốn hỏi nhiều về một thời chiến đấu hào hùng mà gian khổ, nhưng dường như những khó khăn đó với bà là điều dễ hiểu. Bà bảo rằng, “60 ngày đêm chiến đấu có gì đâu", "trong tù nhưng tốt thôi, có gì đâu", "tra tấn cũng vậy”. Bà chỉ nói một điều, “khó khăn thì không ai muốn nhưng trách nhiệm của người đảng viên là phải chiến đấu, vậy thôi”. Chính vì suy nghĩ này mà khi được phân nhà rộng hơn ngôi nhà gia đình đang ở vì chồng bà là lão thành cách mạng, bà đã không nhận. Đến tận bây giờ, suy nghĩ về trách nhiệm của người đảng viên trong bà vẫn vẹn nguyên như hơn 70 năm trước. Vào thứ hai hằng tuần, bà đón xe bus để lên Khu di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò chào cờ cùng cán bộ, nhân viên ở đây. Khoảng trước lễ chào cờ 15 phút, bà có mặt và chỉ ra về khi thực hiện xong nghi thức. “Tôi từng là cựu tù nhân ở Hỏa Lò. Bây giờ đất nước hòa bình, phát triển, tôi đến đây để dự chào cờ thôi. Có gì đâu”, bà trả lời chúng tôi như vậy.

Bài và ảnh: HUY AN