Qua những câu chuyện đó toát lên tấm lòng bao dung, sự vị tha và tình thương yêu, quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các nhân sĩ trí thức, làm chúng ta càng thêm kính yêu, khâm phục vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Tôi xin dẫn lại chuyện kể của luật sư Phan Anh-một trí thức tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, khóa III. 

Luật sư Phan Anh kể lại: Khoảng từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8-1945, hoạt động Việt Minh ở Hà Nội bước vào cao trào, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Trước tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, ngày 18-8-1945, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại có buổi gặp các ông: Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa, Trần Đình Long tại Phủ khâm sai, chính thức mời Việt Minh cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim và sẵn sàng chờ Việt Minh cử người tham gia chính phủ.

Tuy nhiên các đề nghị trên đều bị Việt Minh khước từ. Trong tình hình quân đồng minh đang trên đường vào Việt Nam, ông Trần Trọng Kim tha thiết yêu cầu tôi dùng tài hùng biện để thuyết phục Việt Minh chấp nhận những kiến nghị của mình. Ngày 25-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về Hà Nội; làm việc tại nhà số 48 Hàng Ngang.

Ngày 27-8, mặc dù bận chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng bàn về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước cách mạng và phải giải quyết biết bao công việc khác, song qua GS Hoàng Minh Giám và đồng chí Võ Nguyên Giáp giới thiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian tiếp tôi.

Đúng giờ hẹn, người cận vệ đón và đưa tôi đến nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Người đã chờ sẵn ở chân cầu thang với câu nói giọng xứ Nghệ làm ấm lòng người nghe:

- Tôi chờ chú đã từ lâu. Trước khi ra Bắc, chú đã về quê “choa” chưa?

Tôi bối rối thưa:

- Thưa Cụ, con chưa kịp về.

Rồi Người khoác tay tôi cùng bước lên cầu thang vào phòng khách. Đồng chí Đàm Quang Trung định rót nước mời tôi, thì Bác ngăn:

- Đây là khách của Bác, chú để Bác tự tiếp. 

Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

- Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành được độc lập; nay đã tranh được độc lập rồi, chúng ta phải kiến thiết đất nước để dân ta có cơm ăn, áo mặc, có chỗ ở, được học hành. Chú là người tài cao, học rộng, tôi đề nghị chú nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia, để lo những chuyện đó.

- Thưa Cụ, con chỉ biết luật, chứ có biết chi mô về kiến thiết-xây dựng.

- Không biết thì học, dân giao thì mình cố gắng phấn đấu và làm cho thật tốt. Tôi có bao giờ học để làm Chủ tịch nước đâu.

Và thế là, từ Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim, tôi trở thành Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kiến thiết quốc gia và sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Hồ Chí Minh.

Tôi đã đi nhiều, đọc nhiều cũng và từng tiếp xúc với Bảo Đại-vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và của đất nước ta. Tôi có thể khẳng định: Trên đời này chẳng có ông vua nào như “ông vua” Hồ Chí Minh- "ông vua” của dân, do dân và cả đời vì dân.

NGUYỄN TÚC