Nhưng ở hoàn cảnh nào, ông cũng luôn biết cách đóng góp tích cực nhất cho thể thao quân đội, thể thao nước nhà, một lòng một dạ giữ trọn truyền thống yêu nước của gia đình.

Võ sư Lê Công (thứ ba, từ trái sang) tổ chức Hội thảo lần thứ tư về tập luyện và phong đẳng cấp quốc tế Kobudo Kenshinryu năm 2019 ở Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp

Một bận đến chơi nhà HLV Lê Công, sau mấy câu chuyện về võ học nước nhà, HLV Lê Công bảo tôi “đợi chú nhé”, rồi ông kéo bức mành che thắp hương tổ tiên. Tôi ngạc nhiên khi thấy có nhiều ảnh Bác Hồ. Trộm nghĩ, chắc những người đứng gần Bác trong ảnh có người là người nhà HLV Lê Công, vậy thì ông đúng là con nhà danh gia rồi. Nhưng theo lời chủ nhà thì “lý lịch của tôi thuộc loại phức tạp nhất toàn quân”. HLV Lê Công cho biết, bố của ông là Lê Dung (1907-1984), hoạt động cách mạng trong Công hội Đỏ từ năm 1926; sau tốt nghiệp công trình sư về giao thông cầu đường (bằng của Pháp), làm chuyên viên cao cấp trong chính phủ Trần Trọng Kim. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Lê Dung giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính cách mạng TP Đà Nẵng. Năm 1946, ông là Ủy viên thư ký Ủy ban Hành chính Trung Bộ. Năm 1947, khi ở Chiến khu Việt Bắc, ông được giao chức Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Giao thông vận tải; sau có thời gian phụ trách Bộ Giao thông bưu điện. Ông Lê Dung là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III. Mẹ của HLV Lê Công tên thật là Phan Thị Tấu (1917-2011), được Bác Hồ đặt tên khác là Lê Thị Lịch, từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên năm 1943, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Chính bà cùng đồng đội mở đường, trực tiếp đưa Bác Hồ lên Chiến khu Việt Bắc. Ở Chiến khu Việt Bắc, bà là Trưởng ban Công tác đội Trung ương Đảng, có nhiệm vụ lo công tác an ninh, nơi ăn chốn ở cho Chính phủ, Quốc hội, Trung ương Đảng và Bác Hồ…

Trong làng thể thao nước nhà, thể thao quân đội, HLV Lê Công xứng đáng là một trong những huyền thoại, người mở đường cho Karate-do phát triển ở Việt Nam, người đã có công đưa Karate-do quân đội và Việt Nam lên một tầm cao mới. Đóng góp nhiều cho sự nghiệp thể thao quân đội, thể thao nước nhà, HLV Lê Công được trao tặng 4 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 5 Huân chương Lao động (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 2 hạng Ba). Tháng 1-2017, ông nghỉ hưu sau 46 năm công tác trong quân đội.

 Trong những lần trò chuyện cùng ông, tôi đặc biệt thấy ông thương nhớ đồng đội vô cùng. Cựu chiến binh Lê Công tâm sự: “Đồng đội như người nhà mình vậy, anh em vào sinh ra tử bao trận, đánh địch anh dũng vô cùng, có người để lại tấm thân nơi sa trường, có người may mắn trở về sau chiến tranh. Mỗi khi nghĩ về chuyện mình chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi vẫn luôn suy nghĩ phải sống và làm việc tích cực”.

Những năm ở chiến trường Quảng Bình, Nam Lào, Quảng Trị, anh lính Lê Công cùng đồng đội ở Đoàn pháo cao xạ Hồng Lĩnh anh hùng (Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) xông pha trận mạc, đánh không biết bao trận lớn nhỏ. Chiến tranh đi qua nhưng nỗi đau trong lòng vẫn cứ đeo đuổi theo Lê Công. Dù đã kinh qua nhiều đơn vị, lập được không ít thành tích, nhưng do vấn đề lý lịch của gia đình nên ước mơ trở thành đảng viên của Lê Công chưa được mãn nguyện.

Thương con trai nhiều đêm suy nghĩ, vất vả, năm 1980, ông Lê Dung viết thư trải lòng cùng con trai, trong đó có lời căn dặn: “Dẫu không phải là người đảng viên thì dứt khoát con phải là một công dân yêu nước”. Lời cha mẹ căn dặn HLV Lê Công nào dám quên. Trong những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới thì ông nghiên cứu chuyên sâu về Karate-do, tự mình học ngoại ngữ để có thể trao đổi về chuyên môn với các võ sĩ, trọng tài nước ngoài. Cả đời cống hiến cho thể thao quân đội, thể thao nước nhà, góp công mang về bao thành tích vẻ vang ở đấu trường quốc tế, nhưng cũng phải đến năm 2001, ông mới sống trong niềm vui trọn vẹn khi Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác nhận lại lý lịch cho gia đình ông: “Đồng chí Lê Dung là lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp của Đảng, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp… Đồng chí Lê Công đủ điều kiện vào Đảng”.

Trong lễ kết nạp Đảng cho Thượng tá Lê Công vào ngày 3-2-2001, người đảng viên với mái tóc nhuốm màu thời gian đã phát biểu: “Tôi được vào Đảng là phần thưởng lớn Đảng cho tôi, một phần thưởng vô cùng ý nghĩa. Tôi muốn dâng phần thưởng này lên hương hồn ba tôi, người có công với cách mạng; dâng lên mẹ tôi, một cựu chiến sĩ cách mạng nhiều lần bị giặc bắt, tù đày, vẫn mong ước con mình là đảng viên. Tôi cảm ơn quân đội cho tôi cơ hội bộc lộ tài năng, đóng góp vào sự nghiệp thể thao quân đội nói riêng và thể thao nước nhà nói chung”.    

THU HIỀN