Ánh sáng soi đường

PGS, TS Trương Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Biểu tượng cao đẹp, sức cuốn hút của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nói một cách khái quát nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta. Hệ tư tưởng ấy đã vượt qua những giới hạn thông thường để trở thành văn hóa của Đảng, của dân tộc. Đó là hệ thống các luận điểm về con đường cách mạng Việt Nam, về vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH), về xây dựng CNXH ở Việt Nam, về nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc, về xây dựng văn hóa và con người, về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, về xây dựng Đảng… Như vậy, hệ tư tưởng ấy đã bao gồm đầy đủ nội hàm lý luận về một đảng cầm quyền, về một hình thái nhà nước XHCN của dân, do dân và vì dân.

Nói về đạo đức Hồ Chí Minh, sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét rằng: “Trong trái tim mênh mông tình thương của Người, có chỗ cho tất cả mọi người, mỗi cảnh đời, mỗi số phận”. Đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị cao đẹp và nhân văn nhất của con người. Đó là các phẩm chất đã vượt qua giới hạn của một cá nhân thông thường, là trung với nước, hiếu với dân, là tình yêu thương con người vô hạn, là tinh thần quốc tế trong sáng, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Đó là những giá trị đạo đức trong sáng, tiến bộ được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản, như: Nói đi đôi với làm; xây đi đôi với chống; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Tư tưởng, đạo đức ấy được gắn liền với phong cách của Người tạo thành một chỉnh thể thống nhất mà tiêu biểu là phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, là phong cách sống…

GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Nhiều chính khách và học giả nước ngoài đã dành những lời tốt đẹp, cao quý, biểu thị sự ngưỡng mộ và kính trọng nhất để nói về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trong con người ấy là sự hội tụ những gì tinh hoa nhất của thế giới nhân loại và của dân tộc Việt Nam, đã làm nên tầm cao trí tuệ, tư tưởng, đạo đức và tâm hồn Hồ Chí Minh. Người mang trong mình phẩm chất bác ái của Đức Chúa Jesus; lòng từ bi, vị tha của Đức Phật; trí tuệ của Mác-Lênin; đồng thời, mang tinh thần an dân và khuyến dân trong tư tưởng của Nguyễn Trãi-nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của Việt Nam ở thế kỷ 15, tâm hồn của đại thi hào Nguyễn Du với nỗi đau nhân thế trong kiệt tác Truyện Kiều. Để rồi, con người ấy đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, trong sáng và đẹp đẽ, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập-tự do-hạnh phúc của nhân dân ta và nhân dân thế giới”.

Nhiều học giả nghiên cứu về Hồ Chí Minh có uy tín cùng đi đến một nhận định, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chọn lọc của lịch sử. Trên thực tế, nó đã được thừa nhận bởi tính đúng đắn và phù hợp với tất yếu thời cuộc, với quy luật phát triển. Việc Đảng ta lựa chọn Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng đã chứng minh tính đúng đắn qua 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Là thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đến thắng lợi to lớn của công cuộc xây dựng đất nước. Từ thực tế đó, Đại hội XI của Đảng yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Một nội hàm xuyên suốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ấy chính là đạo đức của người cách mạng, vào Đảng không phải để làm quan phát tài, người cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...

Chân lý sẽ trường tồn

Theo GS, TS Đinh Xuân Dũng (Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương) thì ngay từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cùng với âm mưu xâm lăng nước ta bằng quân sự, các nước đế quốc còn thực hiện âm mưu xóa bỏ những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Nhận định của Bác là sáng suốt, bởi đến nay, mặc dù thế giới đã thay đổi nhanh chóng, tương quan và hình thái xã hội trên toàn cầu đã có nhiều biến đổi, nhưng có thể thấy các nghị quyết, văn kiện của Đảng và Nhà nước ta trong mấy nhiệm kỳ gần đây đều vẫn nhấn mạnh các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với nước ta.

Như vậy, mục đích lớn nhất trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của kẻ thù đối với cách mạng nước ta không thay đổi, đó là đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, âm mưu xóa bỏ những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Thực chất âm mưu của kẻ thù là thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam. Không chỉ ngày nay, mà từ lâu, các thế lực thù địch chống phá đã ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, đòi đa nguyên, đa đảng, đả kích, bôi nhọ, kích động chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Không khó để tìm thấy các bài viết thể hiện quan điểm sai lệch, cố tình phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cố tình tuyệt đối hóa hay tách rời Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có ý đồ nham hiểm. Nguy hiểm hơn, không những xuyên tạc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng còn cố tình xuyên tạc, bôi nhọ cả về thân thế, sự nghiệp của Người. Dù vậy đến nay, mọi âm mưu của kẻ thù nhằm cố tình hạ bệ uy tín, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều thất bại.

Ngay từ khi Đảng ra đời, cầm quyền, thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội, bất mãn luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận hướng mũi tấn công vào hệ tư tưởng nền tảng của Đảng. Đặc biệt, sau sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cái cớ để chúng công kích nền tảng tư tưởng của Đảng ta cũng dữ dội hơn rất nhiều. Chúng hô hoán lên rằng “Chủ nghĩa Mác đã thất bại”. Chúng xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; rêu rao rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin sai từ gốc; đối lập Lênin với Mác; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin đến nay đã lỗi thời!... Những lý lẽ đó không thể đánh lừa được ai. Song, ở một khía cạnh nào đó, cùng với những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, sự thay đổi khá nhanh của những cuộc cách mạng màu trong thế kỷ 21 cũng khiến một số người dao động, giảm lòng tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thêm nữa, ngày nay, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, kẻ thù tiếp tục tìm mọi thủ đoạn, lợi dụng tối đa mạng xã hội, internet để tiếp tục xuyên tạc, chống phá quyết liệt. Đứng trước bối cảnh ấy, đòi hỏi mọi tổ chức đảng, các đảng viên không chỉ vững tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, mà phải biết vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng vào thực tiễn, thể hiện bằng niềm tin và thành quả cách mạng.

Trong cuốn sách “Xây dựng chỉnh đốn Đảng-Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” xuất bản năm 2005 của GS, TS Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) nhận định: Theo quan điểm của Đảng ta, cho đến nay tuy có những vấn đề cần bổ sung và phát triển, Chủ nghĩa Mác-Lênin về cơ bản vẫn đúng. Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết cách mạng và khoa học nhất, tiên tiến nhất, chưa ai có thể bác bỏ được (cả về phương pháp luận cũng như hệ thống những luận điểm cơ bản). Nó vẫn là "vũ khí tinh thần" của giai cấp công nhân, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Các thế lực thù địch chống cộng, chống CNXH dù có xuyên tạc, phủ nhận chỉ càng chứng tỏ chúng rất sợ sức mạnh và ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

 Đã có rất nhiều luận giải bằng những lý lẽ thuyết phục, thấu đáo, khách quan, khoa học về nguyên nhân sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Tựu trung lại thì đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực cụ thể. Cần đặc biệt nhấn mạnh, đây tuyệt nhiên không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không thể là sụp đổ lý tưởng về tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, sự sụp đổ đó là bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho nhân loại tiến bộ. Đó là kết quả của sự bảo thủ, không nhìn thẳng vào thực tế, chậm đổi mới nhận thức, chậm đổi mới chính sách, thiếu giải pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ bối cảnh lịch sử, từ thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển đất nước... Các nhà lý luận, các học giả đều khẳng định, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu hoàn toàn có thể tránh được nếu các đảng cộng sản ở các nước đó cầm quyền biết đổi mới, vượt qua bảo thủ, trì trệ, biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn trong sự phát triển. Việt Nam là một hình mẫu đã vượt qua những rào cản đó. Ấy là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Nhìn vào thực tế hiện nay, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, sự biến đổi của xã hội, cán bộ, đảng viên bị đan xen, chi phối bởi nhiều quan hệ lợi ích đa dạng, phức tạp. Sự hội nhập này có những điểm tốt, thúc đẩy xã hội phát triển, tuy vậy, đã xuất hiện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng rất đáng lo ngại. Khi mà đảng viên bị suy thoái, biến chất thì cũng đồng nghĩa họ sẽ phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, xa rời sự lãnh đạo của Đảng và sẽ trở thành những đảng viên mất phương hướng, thậm chí là phá hoại Đảng. Bởi thế, hơn lúc nào hết, cần đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

“Toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Chúng ta nguyện "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình", tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người” - Trích Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (1969-2019).

HOÀNG TIẾN, HUY QUANG, NGUYỄN TUẤN