Đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin đã, đang và sẽ là ngọn cờ lý luận, là kim chỉ nam dẫn dắt sự nghiệp của Đảng và cách mạng Việt Nam. Ấy vậy mà kẻ thù tư tưởng và các thế lực thù địch đang ráo riết xuyên tạc, tiến tới phủ nhận tư tưởng của Người với mọi âm mưu, thủ đoạn, cố tình cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc!
Luận điệu nguy hiểm
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời hiện đại, nhất là thời đại Hồ Chí Minh, khi Hồ Chí Minh là biểu tượng, người lãnh đạo trực tiếp và cao nhất của Đảng và cách mạng Việt Nam, thì Hồ Chí Minh luôn là mục tiêu hàng đầu của sự tấn công, cả bằng sinh mạng lẫn những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Người của kẻ thù. Hiện nay, trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo đất nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì sự phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng thực chất là cuộc đấu tranh chính trị chống Đảng, Nhà nước ta dưới hình thức đấu tranh tư tưởng của các thế thực thù địch. Đúng như V.I.Lênin từng nói: “Vấn đề đặt ra chỉ là như thế này: Hệ tư tưởng tư sản, hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian” (1). Do đó, kẻ thù tư tưởng và các thế lực thù địch đang rêu rao cái gọi là "Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc" là hoàn toàn sai trái.
Họ cho rằng, tư tưởng thực sự của Hồ Chí Minh là dân tộc chủ nghĩa hoặc theo chủ nghĩa cộng hòa, không phải mang bản chất, thậm chí đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Có người dựa vào những luận điểm có tính bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin hay sự kế thừa những giá trị tư tưởng của nền cộng hòa Pháp và Mỹ để kết luận: Hồ Chí Minh “là một người theo chủ nghĩa cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản”. Một số người (như Đặng Nguyệt Ánh) lại cho rằng: “Từ năm 1941 đến 1975, với tinh thần độc lập, tự do, trân trọng, liên kết, thống nhất mọi yếu tố khác biệt, kể cả đối lập, dân tộc Việt Nam đã chọn con đường “chính”-con đường dân chủ cộng hòa của Hồ Chí Minh”. Họ còn viện dẫn trong Hồ Chí Minh toàn tập (bộ 15 tập, xuất bản năm 2011), Hồ Chí Minh 17 lần đề cập đến cụm từ “chủ nghĩa dân tộc” rồi cáo buộc rằng "Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc".
Không những vậy, họ đi “chứng minh” Hồ Chí Minh đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong đó có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch, hằn học với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; có quan điểm thừa nhận giá trị lịch sử nhưng lại phủ nhận giá trị thời sự của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Và cũng có quan điểm đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng cùng với đó phủ nhận học thuyết Mác-Lênin, với biện giải học thuyết này đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá”, và rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, bởi trong đó đã bao hàm Chủ nghĩa Mác-Lênin, thậm chí còn cao hơn Chủ nghĩa Mác-Lênin! Trắng trợn hơn, khi họ cáo buộc: “Từ năm 1930, lúc âm thầm, lúc mạnh mẽ, song ở Việt Nam luôn diễn ra cuộc nội chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Họ xuyên tạc rằng Hồ Chí Minh chỉ có tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về cách mạng vô sản hoặc nếu có thì cũng chỉ là lý thuyết, giáo điều. Họ gán cho Hồ Chí Minh là “người bị buộc phải gánh vác tư tưởng”. Theo họ, Việt Nam đang “loay hoay không biết chỗ nào trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói rằng Việt Nam nên đi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập với quốc tế”, và “cứ mỗi ngành cụ thể, người ta lại cố gán ghép một câu nói hay việc làm nào đó có liên quan của Hồ Chí Minh”.
Theo họ, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng đấu tranh giai cấp, không có tư tưởng về cách mạng vô sản. Từ cách nghĩ này, họ rút ra kết luận: Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin, vì tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc, còn Chủ nghĩa Mác-Lênin là lý luận đấu tranh giai cấp; Hồ Chí Minh chỉ lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm phương tiện. Cũng theo đó, họ cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi đường lối của Đảng là theo tư tưởng đấu tranh giai cấp “tả khuynh" của Quốc tế Cộng sản và của lãnh tụ các đảng cộng sản lớn. Cuối cùng, họ cố tình quy kết: "Không có tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự rập khuôn máy móc các quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc; đồng nhất “chủ nghĩa dân tộc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc sô-vanh nước lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mang bản chất của giai cấp tư sản.
Các quan điểm sai trái trên đều nguy hiểm, nhưng nguy hiểm nhất, thâm độc nhất là quan điểm về tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi, quan điểm này thể hiện tính ngụy biện, phủ nhận sạch trơn nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng tầm một cách giả tạo tư tưởng Hồ Chí Minh dễ làm cho một số người cả tin, ngộ nhận. Từ đó họ kêu gào Đảng ta thay Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hệ tư tưởng tư sản, xóa bỏ vị trí thống trị của hệ tư tưởng vô sản trong Đảng và trong xã hội. Nguy hiểm của luận điểm sai trái đó là cùng một lúc nhằm 3 mục tiêu: Phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đó, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đẩy Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
 |
Ảnh minh họa/Nguồn: tuyengiao.vn. |
Đâu là sự thật?
Chỉ có một sự thật là: Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc vô sản. Thế nên quan điểm cho rằng "Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc" là một luận điểm cố tình không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó làm mất đi một “tính từ”, không chỉ làm thay đổi ngữ nghĩa của tiếng Việt mà còn làm mất đi sự hoàn hảo, làm biến dạng một khái niệm nhằm hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vấn đề dân tộc luôn gắn liền với vấn đề giai cấp. Chủ nghĩa dân tộc bao giờ cũng bảo vệ lợi ích, dựa trên lập trường của một giai cấp nhất định, không có chủ nghĩa dân tộc phi giai cấp, chủ nghĩa dân tộc chung chung, cải lương. Lịch sử đã cho thấy, từ khi dân tộc xuất hiện cho đến nay, giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất thống trị luôn nắm quyền thống trị dân tộc. Giai cấp thống trị dân tộc bao giờ cũng giải quyết vấn đề dân tộc, bảo vệ độc lập, tự chủ và phát triển dân tộc theo hình ảnh và lợi ích của giai cấp mình. Vì thế, chủ nghĩa dân tộc, với tính cách là hệ tư tưởng chính trị và tâm lý đòi quyền lợi độc lập, tự chủ và phát triển của cộng đồng quốc gia, dân tộc, bao giờ cũng phụ thuộc vào lập trường, quan điểm của giai cấp thống trị dân tộc.
Cũng cần lưu ý rằng, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã rất chú ý bản chất giai cấp trong khi đề cập đến chủ nghĩa dân tộc. Ngay từ những năm đầu đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã phân biệt rõ “chủ nghĩa dân tộc bản xứ”-chủ nghĩa dân tộc truyền thống ở các nước thuộc địa với “chủ nghĩa quốc tế”-chủ nghĩa dân tộc theo lập trường của giai cấp vô sản. Chính vì vậy, từ rất sớm, năm 1924, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, tại mục D. Chủ nghĩa dân tộc, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đề cập và khẳng định vai trò của chủ nghĩa dân tộc chân chính: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người cu li biết phản đối; nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917…” (2).
"Tôi là người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin"
Nhất quán với tinh thần đó, hơn 40 năm sau, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thanh niên (Canada) tháng 12-1965, khi được hỏi: "Khi đồng chí còn là một thanh niên, đồng chí là người theo chủ nghĩa dân tộc. Lý do gì đã làm cho đồng chí chuyển hướng tư tưởng và trở thành một người theo Chủ nghĩa Mác?". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời quả quyết và phủ nhận quan điểm cho rằng Người theo chủ nghĩa dân tộc: Nói rằng lúc còn thanh niên, tôi theo chủ nghĩa dân tộc, có lẽ không đúng. Vì hồi đó tôi chỉ biết thương đồng bào tôi, chứ chưa biết chủ nghĩa gì cả. Khi đi sang châu Phi, tôi thấy nhân dân thuộc địa ở đây cũng cực khổ, cũng bị áp bức, bóc lột như nhân dân Đông Dương. Khi sang các nước châu Âu, tôi thấy ở đó cũng có một số người rất giàu, “ngồi mát ăn bát vàng”, và lớp người nhân dân lao động rất nghèo khổ. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Trong lúc đó thì Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga. Lênin tổ chức Quốc tế Cộng sản. Rồi Lênin phát biểu Luận cương cách mạng thuộc địa. Những việc đó làm cho tôi thấy rằng: Nhân dân lao động Đông Dương, nhân dân các thuộc địa và nhân dân lao động muốn tự giải phóng thì phải đoàn kết lại và làm cách mạng. Vì vậy, tôi trở nên người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin” (3).
Đó chính là bằng chứng đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là cơ sở khoa học để bác bỏ luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc. Do vậy, khi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Với cách diễn đạt ấy đã tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là để phủ nhận tư tưởng của Người. Đúng như V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của các giai cấp này hay giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị” (4).
Câu trả lời trong những đường lối nhất quán
Như trên đã trình bày, sau này trả lời nhà báo quốc tế, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Chính Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh-những nhà ái quốc tiền bối-về cuối đời cũng tổng kết rằng, con đường các cụ đi “một trăm thất bại không một thành công”, và tự ví mình như “con ngựa không còn nước tế”, chỉ có Nguyễn Ái Quốc với Chủ nghĩa Mác-Lênin mà anh tin theo mới là niềm tin cậy, trông mong của đất nước.
Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng. Người trình bày dự thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt, được hội nghị thông qua và là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh đã nêu rõ con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa để đi tới xã hội cộng sản.
Đặc biệt sau này, với tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ lập trường của một người theo chủ nghĩa cộng sản: Khẳng định vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản, chính quyền nhà nước kiểu mới, mục tiêu cơ bản lâu dài và mục tiêu trước mắt của cách mạng, đối tượng cách mạng, lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng vô sản. Người cũng đã chỉ rõ các nội hàm của chủ nghĩa xã hội, một xã hội mọi người dân đều có cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do; đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Cần nhấn mạnh rằng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung nổi bật và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
(còn nữa)
PHẠM VĂN HUẤN, NGUYỄN VĂN MINH, NGUYỄN TẤN TUÂN, HỒ QUANG PHƯƠNG, HÀ SƠN THÁI
-----
(1) V.I.Lênin toàn tập, tập 6, Nxb Tiến Bộ, Moscow, 1978, tr.49-50.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.511.
(3) Sđd, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, tr.699-700.
(4) V.I.Lênin toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.57.