Tiếp nối tư duy sáng tạo của Đại hội VI, quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng phát triển tư duy lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, từng bước bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới toàn diện trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng đổi mới nhận thức và tư duy lý luận về kinh tế, từ tư duy kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang tư duy kinh tế thị trường; mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đó là bước đột phá lý luận cơ bản và sáng tạo của Đảng, là thành quả lý luận quan trọng của Đảng trên cơ sở tổng kết thực tiễn Việt Nam và tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Cùng với đổi mới về kinh tế, Đảng không ngừng đổi mới tư duy lý luận và đường lối văn hóa, xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng xã hội XHCN ở Việt Nam; nhấn mạnh, phát triển văn hóa đồng bộ và tương xứng với tăng trưởng kinh tế; xây dựng văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; xác định phát triển giáo dục-đào tạo (GD&ĐT) và khoa học-công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư cho GD&ĐT và KHCN là đầu tư cho phát triển.

Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Ảnh tư liệu.

Lĩnh vực đối ngoại thể hiện rõ những đổi mới và sự sáng tạo, linh hoạt trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Với thông điệp “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế”, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế”, nhằm hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong bối cảnh mới, khái niệm và nội hàm “bảo vệ Tổ quốc” được xác định đầy đủ hơn, bao gồm: Bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ lãnh thổ, biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển mà còn là bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ  Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ kinh tế, văn hóa dân tộc, bảo vệ sự nghiệp đổi mới.        

Nhận thức lý luận của Đảng về công tác xây dựng Đảng được nâng lên một bước. Đảng ta khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng; tăng cường “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Quá trình không ngừng đổi mới tư duy lý luận và đường lối kinh tế, văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cùng sự sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo thực tiễn đã góp phần tạo nên “những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử” đối với đất nước ta. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Việt Nam đạt từ 6,5% đến 7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực... Các giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng mở rộng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ củng cố an ninh, quốc phòng; chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ. LLVT được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Có thể nói, công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, một sự nghiệp thật sự sáng tạo của dân tộc Việt Nam; khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển của lịch sử...

PGS, TS NGUYỄN DANH TIÊN (Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)