Năm 1924, từ Liên Xô, Người về Quảng Châu (Trung Quốc) để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đặc biệt về đào tạo cán bộ cho sự ra đời của một đảng chính trị-cách mạng ở Việt Nam. Khi thành lập Đảng, Người quyết định lấy tên là “Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Sự ra đời của một đảng chính trị-cách mạng thể hiện sự liên minh của những người cùng tư tưởng đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đồng thời chứng tỏ giai cấp công nhân đã nhận thức rõ lợi ích của mình. Đảng chính trị-cách mạng thu hút vào hàng ngũ của mình bộ phận tích cực nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là một đảng chính trị-cách mạng chân chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học văn hóa buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5 (tháng 12-1963).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Xây dựng Đảng, có ba mặt: Tư tưởng, chính trị và tổ chức”. Ba mặt này cấu thành đường lối xây dựng Đảng. Theo Người: “Về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác-Lênin” và “Vì vậy, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Người đòi hỏi Đảng phải tăng cường tư tưởng giai cấp công nhân và rửa gột những tư tưởng trái với tư tưởng giai cấp công nhân. Người nhận định, ở Việt Nam đã lâu người dân phải sống dưới chế độ thực dân và phong kiến, cho nên những tư tưởng bất chính có thể ảnh hưởng vào trong Đảng. Số đông đảng viên là nông dân và tiểu tư sản trí thức, điều đó xuất phát từ đặc điểm của nước ta và việc gia nhập Đảng của họ là tốt và hợp lý, nhưng cũng mang vào Đảng những tư tưởng “phi vô sản”. Vì vậy, Đảng cần giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản”. Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Nếu không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí xa rời cách mạng.

Ngay từ những năm đi tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương xây dựng một ý thức hệ mới, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Người đã mang ý thức hệ này phổ biến cho lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam lúc đó đang ở Quảng Châu. Người không đặt vấn đề đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp thuần túy mà chủ trương gắn vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Xây dựng Đảng về chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, Đảng phải có đường lối chính trị đúng, đó là đường lối cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng XHCN. Đảng phải có cương lĩnh chính trị đúng, chiến lược và sách lược phải rõ ràng. Có đường lối chính trị đúng đắn và sáng tạo rồi, Đảng còn phải chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”, vì cả hai khuynh hướng này đều dẫn đến sự dao động về chính trị, tư tưởng, nên cần phải uốn nắn.

Nếu như ở các nước đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, các nhà cách mạng chủ trương thực hiện cách mạng vô sản, thì Nguyễn Ái Quốc đã sớm tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ trương thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên CNXH ở Việt Nam và do chính dân tộc Việt Nam tiến hành. Người nói: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Vấn đề này sau đó đã được Người phát triển thành quan điểm: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Xây dựng Đảng về tổ chức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, Đảng phải có đầu óc tổ chức, “phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức”; “Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”. Vấn đề tự phê bình và phê bình cũng được Người đưa vào nội dung xây dựng Đảng về tổ chức. Nhiều khi Người đưa “tự phê bình” lên trên, nhưng cũng có khi Người đưa “phê bình” lên trên cho phù hợp với nội dung tự phê bình và phê bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm giáo dục cho cán bộ cách mạng Việt Nam “về ý thức tổ chức và phương pháp tổ chức”. Người nhận định: “Chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có một tổ chức chính trị-cách mạng đích thực và có nhiều cán bộ giỏi làm công tác tổ chức. Có như vậy, xây dựng Đảng về mặt tổ chức mới phát triển được.

Trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, Người đặc biệt chú trọng việc đào tạo cán bộ. Theo Người, nếu không đào tạo thì không có cán bộ, nhưng đào tạo phải biết cách chọn lựa những người tốt, những người trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, những người hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự dân tộc. Lựa chọn để đào tạo cán bộ là một khoa học, do vậy người làm công tác cán bộ phải có tâm, có tầm, có tài, vì có những người như thế mới phát hiện được những người tài, đức. Đức và tài hợp thành phẩm chất cách mạng của người cán bộ.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên, Đảng ta đã phát triển, mở rộng xây dựng Đảng sang lĩnh vực kiểm tra và xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa, phong cách, tác phong… làm cho nội dung công tác xây dựng Đảng ngày thêm phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình mới trong Đảng và trong xã hội. Thực tế cho thấy, người lãnh đạo và người làm công tác tổ chức-cán bộ rất cần đổi mới về tư duy xây dựng Đảng, bởi nếu cứ làm theo nếp cũ, công tác xây dựng Đảng sẽ không theo kịp sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của kinh tế-xã hội, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những thay đổi to lớn bởi tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG