Theo hồ sơ hiện vật được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xác minh, đây là pháo mặt đất 105mm, có 2 lá chắn kép kiểu M2A1 do Mỹ sản xuất, viện trợ cho thực dân Pháp sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Khẩu pháo 105mm trưng bày tại tiền sảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Phúc Thắng.

Khẩu pháo 105mm này được Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 thu được trong trận đánh cứ điểm Nghĩa Lộ (Chiến dịch Tây Bắc) ngày 18-10-1952. Sau đó, pháo được trang bị cho Đại đội 119, thuộc Đại đoàn Công pháo 351. Đại đội 119 là đại đội pháo 105mm đầu tiên của quân đội ta. Năm 1953, Đại đội 119 sáp nhập vào Trung đoàn 45, mang phiên hiệu mới là Đại đội 806, thuộc Tiểu đoàn 954, Trung đoàn 45, Đại đoàn công pháo 351. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo được trang bị cho Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 806. Đây là khẩu pháo tiêu biểu được Đại đoàn 351 đề xuất lựa chọn là khẩu đầu đàn bắn loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Việc ta đưa những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua bao núi cao, vực sâu vào mặt trận Điện Biên Phủ là một kỳ tích rất lớn đối với quân và dân ta, đồng thời cũng gây cho những chuyên gia pháo binh của cả Pháp và Mỹ bất ngờ lớn. Tên Trung tá Pirot - chỉ huy pháo binh của Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ đã huênh hoang khoác lác rằng: “Việt Minh không thể đưa pháo vào Điện Biên Phủ được, và nếu có chúng cũng không cho nổ quá 3 phát mà không bị tiêu diệt”. Nhưng trên thực tế, chẳng những ta đã đưa được pháo vào Điện Biên Phủ mà ngay từ những loạt đạn đầu tiên đã bắn trúng mục tiêu làm quân địch vô cùng hoang mang lo sợ. Trung tá Pirot đã phải dùng một trái lựu đạn tự sát ngay trong chính tại căn hầm chỉ huy pháo của mình ở chân cầu Mường Thanh...

Khẩu pháo 105mm nói trên là hiện vật tiêu biểu của quân đội ta nói chung và pháo binh Việt Nam nói riêng, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

HOÀNG LAN-NGUYỄN THUẬN