Ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời và phát triển của Quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 75 năm qua, TCCT luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, “sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Sự đóng góp to lớn của TCCT đối với sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị được thể hiện sinh động trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội qua các giai đoạn lịch sử.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, xứng danh Trường Sĩ quan Chính trị", tổ chức tại Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: HỒNG THẠNH.

Ngay từ khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam ra đời (ngày 22-12-1944) chỉ với 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đội đã có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo, có đội trưởng và chính trị viên. Khi đội phát triển lên thành đại đội đã tổ chức ra Ban công tác chính trị để đảm nhiệm CTĐ, CTCT. Trên cơ sở các mặt công tác của Đảng về tư tưởng, tổ chức, cán bộ, vận động quần chúng, binh, địch vận, CTĐ, CTCT trong quân đội lúc này đã có phương hướng đúng đắn, nội dung giai cấp sâu sắc, phản ánh rõ đường lối chính trị, quân sự của Đảng, góp phần xây dựng và phát triển quân đội ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà nước công-nông non trẻ vừa mới ra đời đã cùng lúc phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đảng và Chính phủ xác định, nhiệm vụ hàng đầu là đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc, trong đó, quân đội phải làm lực lượng nòng cốt cho cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của CTĐ, CTCT trong quân đội lúc này là: “Dù trong trường hợp nào cũng phải nắm cho vững bộ đội, củng cố và mở rộng cơ sở đảng, thi hành cho được nhiệm vụ quân sự”, xây dựng tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Pháp và nhiệm vụ xây dựng quân đội, cơ quan chính trị của toàn quân từng bước được củng cố, phát triển (từ Chính trị cục thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó là Cục Chính trị). Cơ quan chính trị của toàn quân đã tích cực, chủ động, làm tốt công tác tham mưu với Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, BQP nội dung, biện pháp xây dựng quân đội về chính trị, chỉ đạo củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong quân đội và chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT; đi sâu, đi sát mọi hoạt động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, giáo dục, động viên bộ đội chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên; chống tư tưởng sợ địch, chủ quan, khinh địch; nâng cao ý thức phòng gian, bảo mật, phòng, chống địch cài cắm móc nối, phá hoại nội bộ; xây dựng quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng; cùng với các cơ quan của BQP-Bộ Tổng tư lệnh tuyển chọn cán bộ, mở các đợt sinh hoạt chính trị “chỉnh huấn”, “rèn cán”, “chỉnh quân”, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ… góp phần thiết thực giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu tham mưu, chỉ đạo xây dựng quân đội về chính trị, ngày 11-7-1950, TCCT được thành lập(1) (trên cơ sở phát triển từ Cục Chính trị), đánh dấu sự hoàn thiện về tổ chức của cơ quan chính trị trong toàn quân. Ngay sau đó, TCCT đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng kiện toàn tổ chức, xây dựng và đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp; tăng cường giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giải quyết triệt để tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ; xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng xả thân hy sinh vì Tổ quốc. Những nỗ lực của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp từ cơ sở đến TCCT đã góp phần quan trọng xây dựng và phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, cùng toàn dân làm nên chiến thắng huy hoàng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954). Đây là trang sử vàng oanh liệt của quân đội, là cột mốc đánh dấu vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TCCT trong sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), TCCT đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, QUTƯ, BQP chỉ đạo các đơn vị toàn quân giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, tranh thủ điều kiện hòa bình ở miền Bắc để xây dựng quân đội tiến lên chính quy, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân “tăng cường công tác tư tưởng, chấn chỉnh tổ chức, động viên chỉnh huấn chính trị, học tập quân sự, tích cực làm công tác vận động quần chúng, tham gia sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố miền Bắc vững mạnh, thiết thực góp phần cùng cả nước đấu tranh thống nhất Tổ quốc(2).

Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân viễn chinh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, phá hoại miền Bắc nước ta bằng không quân và hải quân, đẩy mạnh cuộc chiến tranh tâm lý, gián điệp phá hoại nội bộ ta, TCCT đã tích cực nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng, QUTƯ, BQP nội dung, biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân tiến hành có hiệu quả CTĐ, CTCT; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của Đảng, Nhà nước tăng cường tuyên truyền giáo dục bộ đội và nhân dân, xây dựng ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường công tác chính trị nội bộ, đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, gián điệp của địch, không để địch lợi dụng phá hoại. Trong các chiến dịch lớn và trước những thời điểm có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến, TCCT đã kịp thời cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp xuống theo dõi, chỉ đạo, hưỡng dẫn, giúp đỡ các đơn vị tiến hành CTĐ, CTCT. Nhiều cán bộ chính trị đã giữ các cương vị trọng trách tại các chiến trường, cùng hàng nghìn lượt cán bộ, phái viên, phóng viên, văn nghệ sĩ… cũng đã có mặt để phản ánh, tuyên truyền, động viên bộ đội. Bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực và vào những thời điểm khó khăn, phức tạp nhất, hoạt động CTĐ, CTCT đã kịp thời củng cố niềm tin, nâng cao ý chí quyết tâm, khích lệ tinh thần quả cảm của bộ đội trong chiến đấu, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của quân đội, cùng toàn dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, cả nước thống nhất và quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức (nhất là trong giai đoạn 1975-1986), hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, nền kinh tế đất nước suy thoái, các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta... Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh lịch sử mới, Đảng ta chủ trương củng cố, xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Trên cơ sở nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, TCCT đã tham mưu, đề xuất với QUTƯ, BQP nội dung, biện pháp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; giáo dục tinh thần triệt để cách mạng, tự lực, tự cường; nêu cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) và tinh thần quốc tế trong sáng; tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, chống mơ hồ giai cấp, mất cảnh giác; nhận rõ bản chất, âm mưu thâm độc của kẻ thù, các biểu hiện thỏa mãn dừng lại, cá nhân chủ nghĩa và dân tộc hẹp hòi…; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, toàn quân đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và giúp nước bạn Lào củng cố quốc phòng, xây dựng và phát triển đất nước.

Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình thực hiện, Đảng và nhân dân ta gặp không ít khó khăn, thách thức: Chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô tan rã, CNXH và phong trào cách mạng thế giới lâm vào thoái trào; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội... Trước tình hình đó, TCCT đã kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, QUTƯ, BQP ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng trong quân đội; lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, kiên định, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; nhận rõ thời cơ và thách thức, đối tác, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng; đổi mới toàn diện các mặt CTĐ, CTCT; đẩy mạnh công tác đối ngoại quân sự trên lĩnh vực hoạt động CTĐ, CTCT giữa QĐND Việt Nam với quân đội các nước, nhất là với quân đội Lào và Campuchia... Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cơ quan TCCT đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, đồng cam, cộng khổ, gắn bó với đơn vị và bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và đấu tranh trên các mặt trận; tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn; củng cố xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống… Bên cạnh đó, TCCT luôn chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn, tập trung làm rõ những vấn đề thuộc về quan điểm, nguyên tắc trong tham mưu, chỉ đạo chiến lược, làm cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT trong toàn quân.

Những kết quả hoạt động của TCCT qua các giai đoạn lịch sử đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tổng cục trong sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Nhờ đó, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội được tăng cường; bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội ta ngày càng được phát huy; cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Bản chất, truyền thống của quân đội và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với quân đội, với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; đồng thời là minh chứng sinh động cho sự trưởng thành, vững mạnh của TCCT trong suốt 75 năm qua.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Từ đó, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi TCCT cần phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng cách mạng, tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đây là vấn đề cơ bản lâu dài, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, TCCT cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương phương hướng của Đảng về xây dựng quân đội, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, QUTƯ, BQP, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là nội dung cơ bản, quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho quân đội luôn vững vàng về chính trị, mạnh về tổ chức, kiên định mục tiêu chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy, TCCT cần quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X; nắm vững quan điểm cơ bản, tư duy mới, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quốc phòng, an ninh; Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đặc biệt, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 606-NQ/QUTW của QUTƯ và các quyết định, kế hoạch của BQP về tổ chức lực lượng quân đội đến năm 2021 và những năm tiếp theo. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, QUTƯ, BQP về nội dung, biện pháp xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới phù hợp với sự phát triển của thực tiễn; đổi mới công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, quân đội với nhân dân, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, tăng thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội.

Hai là, thường xuyên bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới, sáng tạo, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động CTĐ, CTCT trong toàn quân, bảo đảm chặt chẽ, sát với tình hình, nhiệm vụ và đạt hiệu quả cao. Hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn vận động, phát triển không ngừng, đặt ra yêu cầu cao về chất lượng chính trị, từ đó đòi hỏi TCCT phải đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT, bảo đảm sát tình hình, đúng đối tượng và có biện pháp linh hoạt. Tập trung chỉ đạo đổi mới công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống, giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính và kiến thức về pháp luật, khoa học xã hội, nhân văn. Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác dân vận; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc, thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và chính sách hậu phương quân đội, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội.

Công tác chỉ đạo của TCCT phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ đúng đối tượng; nội dung toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt công tác chính. Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác cán bộ và công tác chính sách, tạo sự thống nhất cao trong toàn quân. Chú trọng chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng chính trị, tư tưởng, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén với tình hình, phân biệt rõ đối tác, đối tượng, phòng, chống có hiệu quả với các hoạt động cài cắm, móc nối, phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị nội bộ; chủ động khắc phục mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… làm suy giảm chất lượng chính trị trong quân đội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ, trọng tâm là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Ba là, tiếp tục xây dựng hệ thống cơ quan chính trị các cấp vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ; chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định, cải cách hành chính, bảo đảm sự vận hành hoạt động, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả. Đây là nội dung rất quan trọng bảo đảm cho hoạt động CTĐ, CTCT được thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên với tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị. Do vậy, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức cơ quan chính trị trong QĐND Việt Nam; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị và cơ quan chính trị các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Trước mắt, tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QUTƯ, BQP về tổ chức lực lượng quân đội đến năm 2021 và những năm tiếp theo; điều chỉnh, sắp xếp tổ chức, biên chế các cơ quan, đơn vị (trong đó có cơ quan chính trị) bảo đảm tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; riêng cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược phải giảm 10% quân số theo chỉ thị của Bộ trưởng BQP.

TCCT cần chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định trong công tác; cập nhật những nội dung mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và đổi mới, cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm đồng bộ, có giá trị pháp lý và thực tiễn cao. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, đúng, trúng, hiệu quả; chất lượng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện. Tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, cải cách hành chính, giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời, chất lượng; xử lý kiên quyết, dứt điểm, kịp thời những yếu kém và những vấn đề phức tạp nảy sinh. Tăng cường các hoạt động giao lưu, phối hợp, hiệp đồng trong công tác, không ngừng củng cố các mối quan hệ công tác giữa TCCT với các cơ quan Đảng, Nhà nước; với các cơ quan chức năng thuộc ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; với các cơ quan trực thuộc BQP và giữa các cơ quan, đơn vị trong tổng cục.

Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong quân đội nói chung, cán bộ Cơ quan TCCT nói riêng có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của QUTƯ: Nghị quyết số 769-NQ/QUTW ngày 21-12-2012 “về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11-2- 2019 của QUTƯ “về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” để chỉ đạo, triển khai công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới. TCCT cần tập trung chỉ đạo xây dựng đội ngũ cấp ủy gắn với đội ngũ cán bộ chủ trì ngang tầm nhiệm vụ; thực sự gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có tư duy chiến lược và năng lực tham mưu, đề xuất; có khả năng phân tích, tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng các văn bản, chỉ thị, kế hoạch và phối hợp, hiệp đồng, giải quyết các mối quan hệ trong công tác. Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ quân đội nói chung, cán bộ chính trị nói riêng. Tổ chức chặt chẽ việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực chỉ đạo, tiến hành CTĐ, CTCT của đội ngũ chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp trong các nhiệm vụ, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập; hoạt động lãnh đạo của cấp ủy địa phương trong chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, từ thời bình sang thời chiến và tác chiến khu vực phòng thủ. Chủ động tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Cơ quan TCCT đủ về số lượng, có chất lượng cao, giỏi chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cơ quan tham mưu chiến lược xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới; kết hợp giữa tạo nguồn tại chỗ với phát hiện nguồn ở các đơn vị trong toàn quân; lựa chọn một số cán bộ trong nguồn quy hoạch đưa đi luân chuyển giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị cơ sở, gắn với chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Năm là, chăm lo xây dựng Đảng bộ Cơ quan TCCT trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tập trung xây dựng Đảng bộ Cơ quan TCCT vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gắn với xây dựng Cơ quan Tổng cục vững mạnh toàn diện, trung thành, kiên định, mẫu mực, vừa làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, QUTƯ, BQP về chủ trương, biện pháp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tiến hành CTĐ, CTCT trong quân đội, vừa thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn cho các đơn vị trong tổ chức thực hiện. Trước mắt, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

TCCT cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng, giữ vững nguyên tắc, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, làm trong sạch nội bộ Đảng. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực tham mưu, chỉ đạo yếu kém, thiếu gương mẫu trong lời nói và hành động, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thường xuyên duy trì nền nếp, chế độ công tác, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, xây dựng chính quy; hoàn thiện hệ thống điều lệ, quy chế nghiệp vụ chuyên ngành; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cơ quan; xây dựng Cơ quan TCCT thực sự trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó.

75 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của TCCT đã ra sức thi đua, phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, lập được nhiều thành tích xuất sắc, viết nên truyền thống vẻ vang: “Trung thành, kiên định; gương mẫu, tiêu biểu; nguyên tắc, dân chủ; chủ động, sáng tạo; nhạy bén, sắc sảo; đoàn kết thống nhất; quyết chiến, quyết thắng”(3). Những thành quả đó là minh chứng sinh động trong suốt quá trình trưởng thành, lớn mạnh của TCCT và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tổng cục đối với sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị. Truyền thống vẻ vang của TCCT luôn gắn liền với truyền thống của QĐND Việt Nam anh hùng và càng được tiếp tục phát huy trong thời kỳ mới, với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi chủ trương Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra: “Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

————————

(1) Ngày 11-7-1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 121/SL thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, gồm 3 cơ quan trực thuộc: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp. 

(2) Lịch sử CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam (1944-2000), NXB QĐND H.2002. tr.322.

(3) Lịch sử TCCT QĐND Việt Nam, Tập 2 (1975-2004), NXB QĐND H.2004. tr.723