Nỗ lực vươn lên

Năm 1986 trở về từ cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam với tỷ lệ thương tật hơn 20%; vết thương cứ đau ê ẩm mỗi khi thay đổi thời tiết nhưng chưa bao giờ ngăn được ý chí, nghị lực của người thương binh Triệu Văn Khấn, ngụ ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Theo lời của ông Khấn, thời gian đầu về địa phương cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ ông nguôi ý chí vươn lên. Thấy mô hình trồng mía hiệu quả, gia đình cũng áp dụng và xen canh mía với trồng bắp và một số hoa màu khác. Sau vài năm áp dụng mô hình mang lại hiệu quả cao nên từ 2 công đất ban đầu, gia đình ông mua thêm 6 công đất để mở rộng sản xuất. Ngoài trồng mía, ông còn trồng thêm xoài Đài Loan kết hợp với nuôi cá, ếch và gà thả vườn, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận mỗi năm gần 100 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Thương binh Triệu Văn Khấn, ngụ ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp chăm sóc vườn xoài của gia đình.

Không riêng ông Khấn, thời gian qua, ở Hậu Giang gương sáng về CCB vượt khó làm giàu xuất hiện ngày càng nhiều. Điển hình như ông Trần Văn Kỷ (Sáu Kỷ), ở ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Trong thời kỳ kháng chiến, ông Kỷ từng là Tham mưu trưởng Thị đội thị xã Vị Thanh, cùng đồng đội trải qua 72 trận đánh, chống càn của quân địch và là một trong những chiến sĩ cách mạng tham gia giải phóng thị xã. Hòa bình, về với cuộc sống thường nhật, dù mất 23% sức lao động, nhưng người CCB từng được nhận Huân chương Kháng chiến hạng III và đã 35 năm tuổi Đảng này vẫn tràn đầy quyết tâm phát triển sản xuất. Giờ đây “mặt trận” của ông chính là khu vườn quanh nhà, quyết tâm xây dựng được mô hình thành công ngay vùng đất một thời mà ai cũng chê vì ngập nước, nhiễm phèn…

Chỉ tay về phía vườn bưởi da xanh Bến Tre 2.000m2, ông Kỷ bộc bạch: “Trước đây 2 công đất của gia đình chủ yếu là vườn tạp, cải tạo mãi mới có được vườn cây trái sum suê như bây giờ. Ngày trước cuộc sống giặc giã cơm không đủ no, lo chạy bom, chạy đạn quân thù không sợ thì đất phèn chua, ngập nước có xá gì. Giờ đây Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để người dân an tâm làm kinh tế, nên mình phải cố gắng làm gương cho con cháu và cũng là cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Ông Lê Trung Quyến, Chủ tịch Hội CCB xã Vị Đông, cho biết: “Toàn xã Vị Đông có 157 hội viên CCB, đa phần đều ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng tinh thần sản xuất giờ không thua kém tinh thần chiến đấu những năm thanh xuân vác súng ra chiến trường. Toàn xã có hơn 16 mô hình của hội viên CCB khá tiêu biểu, đang cho thu nhập. Đến nay địa phương chỉ còn 5 hội viên nghèo, 8 hội viên cận nghèo”.

Cùng nhau thoát nghèo

Không chỉ làm giàu cho bản thân, các CCB còn tích cực hỗ trợ nhau làm kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất với quyết tâm thoát nghèo bền vững. Theo ông Dương Ngọc Nở, Chủ tịch Hội CCB huyện Phụng Hiệp: “Để giúp nhau xóa đói giảm nghèo, các cấp hội CCB luôn tìm hiểu, nắm vững thế mạnh, tiềm năng, xu hướng phát triển của từng địa phương để thông tin, vận động, hướng dẫn CCB chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp và làm ăn có hiệu quả. Đồng thời động viên, tạo điều kiện để các hộ gia đình ở khu vực đô thị phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; khu vực nông thôn tích cực phát triển trang trại, gia trại, hợp tác xã, chuyển đổi cây trồng… Hộ nghèo mà thiếu vốn thì chúng tôi sẽ tập trung vốn từ nguồn quỹ xoay vòng của hội. Nguồn vốn không phân tán như những năm trước mà chúng tôi tập trung giải quyết từng đối tượng, đảm bảo có nguồn vốn đủ lực phát triển kinh tế”.

leftcenterrightdel
CCB Nguyễn Thành Tiến, thương binh hạng 4/4 ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang nhờ được hỗ trợ vốn vay đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. 

Ông Nở cũng chia sẻ, theo thống kê đến nay, toàn huyện đã có 6 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 36 tổ kinh tế hợp tác, 2 trang trại, 15 gia trại và 129 mô hình sản xuất kinh doanh cho thu nhập mỗi năm từ 100-500 triệu đồng do hội viên CCB làm chủ. Vận động quỹ hùn vốn đạt trên 4,3 tỷ đồng giải quyết cho gần 1.950 lượt hội viên vay vốn. Ngoài ra, các cấp Hội CCB còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho 1.563 hội viên vay vốn với số tiền gần 20 tỷ đồng. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo từ 146 xuống còn 96 hộ nghèo; có 8/15 Hội CCB xã, thị trấn không còn hộ hội viên nghèo, tương đương với 55 Chi hội CCB được xóa trắng hộ nghèo.

Tương tự trong nhiều năm qua, Hội CCB các xã trong huyện Châu Thành phát động phong trào hùn vốn xoay vòng giúp hội viên xóa đói giảm nghèo. Hằng tháng, mỗi hội viên đóng từ 50.000-100.000 đồng tùy theo điều kiện thực tế từng hộ để xây dựng quỹ. Số tiền từ quỹ này hội sẽ xem xét hỗ trợ cho 1-2 hộ vay với số tiền 5-10 triệu đồng/hộ để hội viên có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội CCB huyện còn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, tuyên truyền nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình để các hội viên học tập, làm theo.

Nhờ sự hỗ trợ vốn vay và những kinh nghiệm sản xuất học hỏi được của anh em hội viên nên gia đình ông Lê Tuấn Em, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành từng bước vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ về việc này, ông Tuấn Em nói: “Trước đây, gia đình tôi có cuộc sống ổn định nhưng do con bị bệnh nên phải bán đất chữa bệnh cho con. Có 8 công đất bán hết 6 công chạy chữa mà cháu cũng không qua khỏi. Lúc đó, thấy hoàn cảnh khó khăn nên Hội CCB huyện đã tạo điều kiện cho tôi vay 30 triệu đồng. Có vốn, tôi cải tạo đất trồng cam xoàn, con trai út cũng tìm được việc làm đỡ đần nên bây giờ cuộc sống đã ổn định hơn trước nhiều lắm”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 4 huyện Hội có tỷ lệ hộ nghèo từ 0,5% trở xuống và 46 xã, phường, thị trấn không còn hộ CCB nghèo. Trong năm qua đã có 260 hộ CCB thoát nghèo, hiện còn 290 hộ nghèo chiếm 2,47%. Ngoài giúp nhau xóa đói giảm nghèo, Hội CCB tỉnh Hậu Giang còn vận động hỗ trợ xây dựng 127 nhà nghĩa tình đồng đội, với số tiền hơn 11 tỷ đồng; sửa chữa 5 nhà bị ảnh hưởng gió lốc, bão; hỗ trợ 10 hộ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi hộ 20 triệu đồng. Quỹ Hội hiện có gần 10 tỷ đồng, đã cho 2.503 CCB vay, phát triển kinh tế.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cộng với những biện pháp cụ thể và sự nỗ lực của các hội viên, các mô hình phát triển kinh tế của CCB toàn tỉnh sẽ không ngừng được nhân rộng, đời sống vật chất và tinh thần của CCB không ngừng được nâng cao. Những CCB của tỉnh Hậu Giang xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, vượt qua khó khăn để các thế hệ trẻ noi theo.

Bài, ảnh: THÚY AN - LÊ ĐĨNH