Với tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của khối doanh nghiệp (DN) nhà nước, DNQĐ đang tiếp tục có những đóng góp không nhỏ để xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh (QPAN) vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước.

Xung kích trên công trình trọng điểm

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, một trong những dự án giao thông trọng điểm có quy mô lớn nhất cả nước đã khởi công dự án thành phần đầu tiên trong năm 2019 với đoạn tuyến Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên-Huế). Đáng chú ý, hai nhà thầu chính đảm nhiệm thi công đoạn tuyến này cũng là hai DN hàng đầu của quân đội trong lĩnh vực xây lắp, là: Tổng công ty (TCT) Xây dựng Trường Sơn-Binh đoàn 12 và TCT Thành An-Binh đoàn 11. Từng tham gia nhiều dự án giao thông quan trọng của đất nước, trong đó có không ít tuyến đường cao tốc, TCT Xây dựng Trường Sơn-Binh đoàn 12 đã khẳng định được năng lực, uy tín, kinh nghiệm của mình, đặc biệt với những công trình đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Phó tổng giám đốc TCT Xây dựng Trường Sơn, những tuyến cao tốc binh đoàn tham gia thực hiện, như: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, mới đây nhất là cao tốc La Sơn-Túy Loan đều đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ, đạt hiệu quả cao. Đây là yếu tố hàng đầu để Binh đoàn 12 tiếp tục được lựa chọn tham gia thi công đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn. “Các dự án đường cao tốc đòi hỏi cao về trình độ kỹ thuật, công nghệ. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu đề ra, trước hết, binh đoàn phải xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động lành nghề, làm chủ thiết bị, công nghệ. Bên cạnh đó, phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế. Đồng thời phải bảo đảm cường độ làm việc cao, khối lượng thi công lớn, gấp rút về tiến độ”, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ.

leftcenterrightdel

Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan qua tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Binh đoàn 12 tham gia thi công. Ảnh: HUY HÙNG

Không chỉ thực hiện những công trình quy mô lớn của đất nước, DNQĐ cũng là địa chỉ tin cậy cho trọng trách đảm nhiệm dự án ở nước ngoài, mang ý nghĩa sâu sắc về chính trị-xã hội, ngoại giao. Hiện nay, TCT Thành An-Binh đoàn 11 với vai trò tổng thầu thi công đang dồn lực cho dự án xây dựng tòa nhà Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (DCND) Lào. Dự án này có ý nghĩa chính trị quan trọng đặc biệt, là biểu tượng cho tình đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt Nam-Lào. “Với ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng của công trình, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 11 đã quán triệt, xây dựng quyết tâm chính trị cao nhất, triển khai nhiệm vụ bằng tất cả tâm huyết, xây dựng nên công trình xứng tầm là trụ sở làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nước Cộng hòa DCND Lào”, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11 bày tỏ. Công trình này cũng là nơi các Phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh đoàn 11 được phát huy cao độ, thực sự là động lực trực tiếp, thúc đẩy hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của binh đoàn.

Đóng góp lớn vào ngân sách, tạo việc làm với thu nhập khá

Trong quá trình phát triển, các DNQĐ luôn chú trọng công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn về tài chính, duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận qua từng năm. Theo thống kê, năm 2018 có 30 DNQĐ đạt mức doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 35,29% tổng số DN, trong đó có 11 DN thuộc nhóm sản xuất; 10 DN thuộc nhóm xây lắp, khai khoáng; 9 DN thuộc nhóm thương mại, dịch vụ. 5 DN đạt mức doanh thu cao nhất là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 136.683 tỷ đồng; TCT Đông Bắc đạt 13.626 tỷ đồng; TCT Tân cảng Sài Gòn đạt 12.838 tỷ đồng; TCT Xăng dầu Quân đội đạt 13.295 tỷ đồng; TCT 319 đạt 7.113 tỷ đồng. DNQĐ bảo đảm việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân năm 2018 đạt hơn 13 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,2% so với năm 2017. 10/83 DN có mức thu nhập bình quân người lao động đạt từ 15 triệu đồng/người/tháng trở lên. Các DN có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Viettel đạt 26,3 triệu đồng/người/tháng; TCT Trực thăng Việt Nam đạt 26,6 triệu đồng/người/tháng; TCT Tân cảng Sài Gòn đạt 24,7 triệu đồng/người/tháng; Vaxuco đạt 24,1 triệu đồng/người/tháng…

Bước sang năm 2019, tiếp tục thực hiện chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các DN nhà nước, toàn quân còn 80 DN 100% vốn nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2019, 76 DNQĐ sản xuất, kinh doanh có lãi với tổng số tiền 23.928 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 112.332 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 23.873 tỷ đồng, đạt 54,5% kế hoạch năm. Các DNQĐ đã nộp ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2019 đạt 23.614 tỷ đồng, tương đương 53,5% kế hoạch năm. Có 20 DN đạt kết quả doanh thu và lợi nhuận hơn 50% kế hoạch năm, nhiều DN đạt mức lợi nhuận cao, trong đó cao nhất là Viettel đạt 18.463 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch…

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Đào Minh Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý doanh nghiệp, Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) đánh giá, kết quả sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của các DN 100% vốn nhà nước trong quân đội cho thấy, thời gian tới sẽ có một số DN có sức bật khá, như Viettel, TCT Tân cảng Sài Gòn, TCT Trực thăng Việt Nam. Bên cạnh đó, một số DN mặc dù có những vướng mắc, tồn tại từ giai đoạn trước để lại, nhưng khi được cấu trúc lại tài chính, cơ cấu, sắp xếp lại mô hình quản trị thì hứa hẹn sẽ có chuyển biến tích cực. “Trong những năm gần đây, các DN quốc phòng có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của DN nhà nước”, Đại tá Đào Minh Đạo nói. Bộ Quốc phòng, các cơ quan, DN quốc phòng hiện đang triển khai rất quyết liệt việc cấu trúc lại tình hình hoạt động của DN, nhất là cấu trúc lại tình hình tài chính, tập trung xử lý các khoản tồn đọng về tài chính, từng bước lành mạnh hơn, minh bạch hơn, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Từ năm 2018 đến nay, hầu hết các DN không phát sinh những khoản tồn đọng về tài chính, đã tập trung xử lý những khoản tồn đọng tài chính từ những năm trước để lại”, Đại tá Đào Minh Đạo nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, ngoại trừ một vài DN thuộc diện phải sắp xếp lại, các DNQĐ về cơ bản vẫn hoạt động ổn định, sản xuất, kinh doanh có lãi, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, bảo đảm việc làm và thu nhập khá cho người lao động. Thông qua hoạt động của các DNQĐ, tiềm lực quốc phòng được củng cố và tăng cường; QPAN tại các địa bàn trọng điểm ở nơi có DN đứng chân được giữ vững; các sản phẩm, trang thiết bị quân sự do DN quốc phòng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất đáp ứng yêu cầu sử dụng, góp phần thực hiện chính quy, hiện đại hóa quân đội. Với truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ, các DNQĐ không những thực hiện tốt nhiệm vụ QPAN mà còn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG