Được đơn vị giới thiệu kết quả của học viên giai đoạn 1, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với thành tích mà học viên Lưu Toàn Thắng đạt được ngay từ khi còn là học sinh THPT Ngô Sĩ Liên, tỉnh Bắc Giang. 3 năm liền, Thắng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt năm học lớp 11, Thắng tham gia Cuộc thi sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 14, năm 2018, em cùng nhóm nghiên cứu của mình đạt giải Nhì sáng chế “Máy bắt bọ xít”. Thành tích, kết quả đạt được, giúp Thắng được tuyển thẳng vào Học viện Quân y trong mùa tuyển sinh quân sự năm 2019.
 |
Sáng chế “Máy bắt bọ xít” của Thắng và nhóm tác giả đã đạt giải Nhất thành phố và giải Nhất tỉnh Bắc Giang. |
Tìm gặp Lưu Toàn Thắng, em tâm sự: Từ khi về nhập học tại Đại đội 74, Tiểu đoàn 20, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Thắng được giao làm tiểu đội trưởng. Ngoài thời gian học tập, rèn luyện, tiểu đội trưởng Thắng đảm nhiệm một số việc khác trong tiểu đội như: Kiểm tra gấp vuốt nội vụ, vệ sinh... Thời gian đầu, Thắng chưa quen, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ, chỉ huy các cấp, nay Thắng đã duy trì, thực hiện nền nếp các chế độ. Nói về sáng kiến đạt giải Nhì toàn quốc của mình, Thắng chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vải Thiều nổi tiếng Bắc Giang, em thường xuyên chứng kiến hình ảnh người dân quê mình những vụ mất mùa do nạn bọ xít và côn trùng gây hại. Muốn được mùa, người dân phải dùng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến vụ thu hoạch vải bị thương gia dìm, ép giá, phải bán rẻ, thu nhập không được bao nhiêu. Trong khi các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng môi trường sống và chất lượng của quả vải, đồng thời gây thiệt hại về kinh tế, tiền của của người dân... Với mong muốn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân quê mình, Thắng cùng bạn đồng hành Đặng Minh Đan, học sinh lớp 12A8 cùng tham gia nghiên cứu sáng chế “Máy bắt bọ xít”, Thắng là nhóm trưởng đề tài sáng chế này.
Với đề tài “Máy bắt bọ xít”, Thắng cùng Minh Đan dành 2 tháng hè đi bắt bọ xít, phân loại từng con đực và cái để nghiên cứu, chiết xuất, tìm ra dung dịch sinh học thu hút bọ xít và các loài côn trùng. Thắng lựa chọn bọ xít cái, mổ bụng ngâm với dung dịch Axetilen và dùng sóng âm tầng trong 15 phút, thu dung dịch bọ xít cái. Dung dịch này làm “mồi nhử” bọ xít đực. Cùng với đó, Thắng vận dụng nguyên lý hoạt động Cơ- Lý trong sử dụng máy bắt bọ xít.
Thắng chia sẻ: Cấu tạo của Máy bắt bọ xít đơn giản, dễ làm. Máy được làm bằng Inox, hình chữ nhật, có kích thước 70 x 50cm, pin năng lượng mặt trời, giá đỡ, quạt hút gió. Em vận dụng nguyên tắc vật lý: Sử dụng ánh sáng, quạt gió và một tấm lưới. Hiện tượng khúc xạ ánh sáng với Inox tạo điểm mù đối với các loại côn trùng dễ dàng xa bẫy. Tấm lưới chắn và quạt gió hút bên trong để giữ bọ xít và các loại côn trùng khi xa bẫy không thoát được ra ngoài. Dung dịch thu được từ bọ xít cái “làm mồi nhử” để bắt bọ xít, nhất là bọ xít đực. Kết quả bước đầu, “Máy bắt bọ xít” mà nhóm nghiên cứu của Thắng sáng chế ra đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản như: Rẻ, tiện, dễ sử dụng, đem lại hiệu quả cao cho người dân, thân thiện với môi trường.
Sáng chế “Máy bắt bọ xít” của Thắng và nhóm tác giả đã đạt giải Nhất thành phố và giải Nhất tỉnh Bắc Giang, giải Nhì toàn quốc trong cuộc thi “Sáng tạo trẻ lần thứ 14”, năm 2018. Thắng nhận được học bổng Vallet của Pháp. Từ kết quả đạt được, cùng sự nỗ lực trong học tập, rèn luyện, Lưu Toàn Thắng được tuyển thẳng vào Học viện Quân y trong mùa tuyển sinh quân sự năm 2019.
Từ yêu khoa học, đam mê, trải nghiệm với các công thức Lý- Hóa- Sinh mà em được trang bị đã giúp Thắng nghiên cứu thành công sáng chế “Máy bắt bọ xít”. Với mong muốn, tiếp tục được thử sức trong môi trường mới, tiếp tục được sáng tạo với các cơ chế sinh học, học viên Lưu Toàn Thắng đã lựa chọn Học viện Quân y để tiếp tục thực hiện những nghiên cứu mới, có ích hơn phục vụ đời sống con người.
Bài, ảnh: LÊ THỊ QUYẾT