Tập thơ được cấu tứ như một du ký bằng thơ, ghi lại những cảm xúc của tác giả gắn với những chuyến đi khắp 3 miền đất nước. “Đánh thức sông Hồng” được mở đầu với hàng loạt bài thơ ấn tượng viết về Hà Nội. Với nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều, viết về Hà Nội, về biểu tượng sông Hồng chảy qua thành phố là cách để chị hướng về cội nguồn, những giá trị văn hiến của dân tộc.

Bìa tập thơ. 

Quê hương nhà thơ ở xã Khánh Lộc (Trần Văn Thời, Cà Mau), nằm ven sông Ông Đốc, gần vịnh Thái Lan và Vườn quốc gia U Minh Hạ. Mảnh đất này mới được người Việt khai phá chừng hơn 300 năm. Từ Đồng bằng sông Hồng đến Cà Mau không chỉ là khoảng cách địa lý hơn 2.000km mà còn là bao câu chuyện về lịch sử khẩn hoang phương Nam của dân tộc. Đặt chân đến Hà Nội, nơi có khí hậu “bốn mùa buồn-vui, ấm-lạnh” lạ lẫm, đắm chìm vào lịch sử-văn hóa nghìn năm, dễ hiểu trong thơ của Huỳnh Thúy Kiều là những câu thơ xúc cảm: “Lần đầu dạm ngõ sông Hồng/ em mang theo cả chín dòng e thẹn/ để bây giờ muốn đánh thức cả vàm sông”.

Tính trữ tình trong thơ Huỳnh Thúy Kiều đặt trong không khí Hà Nội trở nên thân thương hơn bao giờ hết. Chị không còn là khách lạ ở một đô thị sầm uất: “Thành phố này khi chúng mình nắm tay đi qua/ phải có nô nức tiếng cười vui/ dập dìu bàn chân con trẻ/ những mắt lá nồng nàn/ nhắc em nhớ một Hà Nội đầy hương”; “Hà Nội của anh trăn trở qua bao thăng trầm/ rồi lại dịu dàng thân thuộc”. Trong cái nhìn so sánh, tác giả nhận ra những điểm chung, mà nhất là sức lực con người, của cả dân tộc đã cải tạo tự nhiên, trên đồng bằng châu thổ màu mỡ: “Chỉ có dáng mẹ giống nhau oằn cong đòn gánh”. Với Hà Nội, Huỳnh Thúy Kiều yêu nhất mùa thu và mùa đông, đặc biệt chị nhạy cảm với những cơn gió lạnh tràn về: “Thềm đông đang rải lạnh/ sợi nắng pha màu chưa biết chảy về đâu”; “Rét phương nào mà sao nghe lạnh đầy”...

Khi sáng tác hàng chục bài thơ về Hà Nội, nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều lựa chọn hình thức thơ tự do, không chú ý đến vần điệu, mà là nhạc tính trong thơ. Với cách thưởng thức thơ truyền thống, có thể sẽ khó nhớ, khó thuộc nhưng nếu đọc chậm và kỹ, độc giả sẽ thấy phù hợp với tâm trạng nhà thơ. Hà Nội trong tâm trí của chị vừa gần gũi vừa xa xôi, lạ mà quen. Những dòng thơ được bật lên khi chị chìm trong ký ức về Hà Nội với hình ảnh cúc họa mi, những hàng cây trên phố Phan Đình Phùng, sông Hồng đỏ nặng phù sa, lối cỏ triền đê đầy sương...

Trong nền thơ ca đương đại, nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều có lẽ là trường hợp hiếm hoi không phải là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, không sinh sống ở Thủ đô nhưng lại sáng tác nhiều và ấn tượng về Hà Nội. Có thể xem đây là một minh chứng về thiên nhiên bốn mùa, "khí quyển" văn hóa-lịch sử của Hà Nội có sức hút mãnh liệt, trở thành cảm hứng văn chương bất tận.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô xem các tin, bài liên quan.