Hà Nội còn là điểm đến tin cậy của các hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế, là nơi gửi gắm niềm tin yêu của bà con kiều bào.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe ngắm phố phường Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte, tháng 11-2023. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam:
Khẳng định vị thế “Thành phố vì hòa bình”
Tới Hà Nội nhận công tác chưa lâu, nhưng tôi đã có những trải nghiệm về "Thành phố vì hòa bình". Có thể nói, Hà Nội là một đại diện tuyệt vời của "Thành phố vì hòa bình" và hòa bình nói chung. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đặt ra các tiêu chí để xét trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và Hà Nội đã được trao tặng danh hiệu này từ 25 năm trước (1999) sau khi đáp ứng đủ các tiêu chí. Kể từ thời điểm đó đến nay, Hà Nội đã tăng gấp nhiều lần về diện tích cũng như quy mô dân số. Nhưng khi đi bộ trên đường phố, bạn vẫn có thể cảm nhận được những nét đẹp cổ xưa và ở nhiều nơi khác nhau của thành phố, bạn có thể cảm thấy mình là một phần của cộng đồng bởi sự thân thiện, gần gũi của người dân nơi đây.
Trong suốt những năm qua, nhiều biến đổi kinh ngạc đã diễn ra song những giá trị của Thủ đô nghìn năm văn hiến vẫn được bảo tồn. Tròn 20 năm sau, kể từ năm 1999, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” vào năm 2019 với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đây chính là sự khẳng định cho những thành tựu mà Hà Nội đạt được trong việc giữ gìn, phát triển các tiêu chí của "Thành phố vì hòa bình", là sự bổ sung quan trọng và củng cố vai trò, vị thế "Thành phố vì hòa bình" của Hà Nội.
Việc Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo" về thiết kế chính là được xây dựng dựa trên danh hiệu "Thành phố vì hòa bình” trước đó. UNESCO tin tưởng rằng văn hóa là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc thúc đẩy hòa bình. Tham gia "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO", Hà Nội-Thủ đô di sản-nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quốc tế và quốc gia... càng có điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh trong tất cả lĩnh vực sáng tạo văn hóa.
Trở thành thành viên của mạng lưới là động lực để Hà Nội xây dựng chương trình hành động triển khai những cam kết của mình nhằm thúc đẩy văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và sự sáng tạo. Và thực tế tôi thấy rằng Hà Nội đã thực hiện rất tốt việc xây dựng và thực hiện các chương trình hành động của mình ngay từ khi chính thức trở thành thành viên của mạng lưới này vào năm 2019. Tham gia "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.
Thương hiệu của một thành phố sáng tạo về thiết kế sẽ tạo thêm động lực để Hà Nội xây dựng, thu hút thêm nhiều đầu tư, tạo động lực phát triển đô thị, phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững.
-----------
Kiều bào Phạm Phú Thịnh, chuyên gia phân tích hệ thống của Services Australia, cơ quan thuộc Chính phủ Australia:
Để Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Trong tôi, hình ảnh về con người Hà Nội luôn là một hình ảnh đẹp và lịch lãm. Tôi luôn nhớ về Hà Nội với những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, tuy chật chội nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm. Những con phố rợp bóng cây xanh, khu phố cổ vừa sôi động theo năm tháng vừa nhuốm nét trầm mặc của lịch sử ngàn năm văn hiến.
Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, đạt hiệu quả rất tích cực trong công tác đối ngoại. Đây không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển, để Thủ đô tiến tới trở thành thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trưởng tương đối tốt trong tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm 2024 dẫn đầu cả nước, song chủ yếu vẫn là sự đóng góp và quay trở lại của các đối tác quen thuộc trước đây. Để tăng trưởng bền vững, luôn cần phải tích cực tìm kiếm đối tác mới để thu hút đầu tư, cùng với đó là mở rộng thị trường xuất khẩu sang những khu vực mới nhiều tiềm năng; cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực theo từng giai đoạn để phát huy thế mạnh của từng lĩnh vực.
Để Hà Nội có thể trở thành trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới, cũng như trở thành thành phố kết nối toàn cầu, tôi cho rằng còn rất nhiều việc phải làm, ví như Hà Nội cần được hiện đại hóa và đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng như sân bay, đuờng sá, cầu cống; mở rộng thêm nhiều cơ sở lưu trú như khách sạn, trung tâm hội nghị đạt tiêu chuẩn quốc tế, có nhiều công trình kiến trúc tạo điểm nhấn tầm khu vực...
Hà Nội cũng cần làm tốt hơn nữa vấn đề quy hoạch kiến trúc nhằm mang lại một không gian phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân qua hình thức công tư kết hợp, mạnh dạn đầu tư và mời các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia góp ý kiến. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, làm cho cơ quan quản lý thực sự trở thành cơ quan giúp việc, hỗ trợ hiệu quả cho người dân. Ngoài ra, cần có biện pháp động viên, khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nên chăng có các giải thưởng vừa mang tính cổ vũ tinh thần vừa có giá trị vật chất để khích lệ cá nhân, doanh nghiệp có những đóng góp thiết thực và cụ thể trong lĩnh vực chuyển đối số đối với cộng đồng.
Tôi mong sẽ có dịp chia sẻ nhiều hơn với các cơ quan chức năng trong nước với mong muốn xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm hội nhập toàn cầu.
-----------
Kiều bào Phan Đình Công, từ thủ đô Prague, Cộng hòa Séc:
Hà Nội luôn là nơi tôi muốn trở về!
Mỗi lần về Việt Nam, tôi luôn chủ động sắp xếp công việc để lưu trú lại vài ngày tại Hà Nội trước tiên. Thói quen mỗi lần ở Hà Nội của tôi đó là đi xe máy để ngắm nhìn Thủ đô cổ kính 36 phố phường và thưởng thức những món ăn truyền thống đặc trưng của Hà Nội như: Phở, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng...
Lần này tôi trở về Việt Nam, sau hơn 7 năm, Hà Nội làm tôi có chút ngỡ ngàng vì cơ sở hạ tầng giao thông phát triển nhanh, mang lại diện mạo mới mẻ, hiện đại và phát triển cho Thủ đô. Trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-ga Hà Nội, tôi thực sự vui mừng. Với cơ sở hạ tầng giao thông nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng ngày càng phát triển như hiện nay, Hà Nội đang dần bắt kịp xu thế phát triển của các đô thị lớn trên thế giới. Điều này cho thấy quy hoạch về giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, cơ bản hướng đến chiến lược rõ ràng, đi theo hướng đô thị xanh. Việc Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành hơn 400km đường sắt đô thị đến năm 2035, sẽ góp phần nâng cao mỹ quan đô thị, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường.
Ngồi trong toa tàu, nghe những bản tình ca nổi tiếng về Hà Nội và đưa mắt nhìn ra cửa sổ ngắm nhìn nhịp điệu cuộc sống của thành phố từ trên cao gợi trong tâm trí tôi-một người con xa xứ, nhiều cảm xúc đan xen thú vị với những hồi ức về Hà Nội xưa và hình ảnh Thủ đô hiện đại.
Ở nước ngoài, theo dõi tin tức về Việt Nam, chúng tôi rất tự hào khi thấy hình ảnh nguyên thủ các quốc gia tới thăm Việt Nam, đi bộ, đạp xe, thưởng thức các món ăn đường phố, uống cà phê ở Hà Nội. Cùng với đó là những sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế và khu vực được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, được truyền thông thế giới đưa tin nổi bật... Có xa quê hương lâu như chúng tôi mới hiểu những hình ảnh đẹp như thế này về Tổ quốc Việt Nam có ý nghĩa như thế nào!
HẠNH HIẾU THẢO
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.