Di chuyển từ kệ này sang kệ khác, anh Eren Ozer, một du khách người Thổ Nhĩ Kỳ, chọn được một vài cuốn truyện ngắn. Dừng chân ở khu vực bày sách về Việt Nam, sau khi lướt qua một lượt, anh cầm trên tay cuốn sách của nhiếp ảnh gia người Anh Marcus Lacey có tên “Hanoi Photographic Collection” (Bộ sưu tập ảnh Hà Nội). Đây là thứ anh muốn làm quà tặng người thân. Anh chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên anh đến Hà Nội và anh mua cuốn sách đó để tặng bố mẹ, những người chưa có cơ hội đến nơi này.
 |
Chủ cửa hàng Bookworm Hanoi Hoàng Văn Trường (bên trái) giới thiệu sách về Hà Nội cho anh Eren Ozer.
|
Thừa nhận mình là một “mọt sách chính hiệu”, anh Ozer cho biết chỉ mang theo vài cuốn nhưng đã đọc gần hết kể từ khi khởi hành chuyến du lịch tới Việt Nam. Tranh thủ ngày cuối cùng ở Hà Nội trước khi di chuyển vào Hội An, anh thả bộ tới một số địa chỉ bên ngoài khu Phố cổ Hà Nội. Vô tình đi ngang qua, rồi tò mò bước vào Bookworm Hanoi nhưng quyết định này của anh là hoàn toàn đúng đắn, bởi vừa mở cánh cửa ra thì anh như đã lạc vào một “thiên đường sách”.
Với tuổi đời hơn 20 năm, Bookworm Hanoi hiện có khoảng 20.000 đầu sách tiếng Anh, tiếng Pháp về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không gian cửa hàng được chia làm hai tầng, trong đó tầng 1 là nơi gọi đồ uống, đồ ăn nhẹ được bao quanh bởi một số giá sách; trong khi tầng 2 mới là nơi tập trung các giá sách “siêu to khổng lồ”. Mặt khác, cửa hàng còn bố trí cả những không gian bày sách vô cùng sáng tạo như ngoài hiên, ban công có mái che.
 |
Những kệ sách chật ních nhưng được bày trí ngăn nắp, theo từng chủ đề để bạn đọc dễ lựa chọn. |
Vừa chào khách, vừa tự tay lau dọn kệ sách, anh Hoàng Văn Trường, chủ cửa hàng vừa giới thiệu về “đứa con tinh thần” của mình. Là một người ham đọc sách, thời sinh viên lại theo học tại Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Anh-Mỹ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nên anh rất yêu thích những tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới. Từ đó, anh hình thành niềm đam mê sưu tầm sách ngoại văn.
Thực tế, Bookworm Hanoi được thành lập bởi nữ nhà văn người Australia Pamela Scott - tác giả cuốn “Hanoi Stories” (Những câu chuyện về Hà Nội) - vào năm 2001 tại 15A phố Ngô Văn Sở. Ban đầu đây chỉ là một quầy sách nhỏ chuyên về tiếng Anh. 
Với mong muốn anh Trường phát triển và lan tỏa tình yêu với sách ngoại văn, năm 2006, cha mẹ đỡ đầu của anh đã cùng hỗ trợ giúp anh mua lại cửa hàng và mở rộng hoạt động của Bookworm Hanoi. Trải qua nhiều vị trí, từ phố Ngô Văn Sở, Yên Thế, rồi Châu Long, hiện Bookworm Hanoi được đặt ở số 44 phố Phạm Hồng Thái.
 |
Ban công có mái che cũng được trưng dụng để bày sách. |
 |
Bạn đọc tìm sách ở khu vực trưng bày các tác phẩm bằng tiếng Pháp. |
“Sau 2 năm được cha mẹ đỡ đầu dìu dắt, tôi chính thức tiếp quản hoàn toàn cửa hàng. Quả thực gom góp sách từ một vài quyển đến vài nghìn cuốn là cả một vấn đề. Rồi sau đó lên tới con số hàng vạn lại càng là một hành trình dài và vất vả. Song mình luôn quyết tâm theo đuổi đam mê và xác định sống với niềm đam mê ấy”, anh bộc bạch, rồi chỉ tay lên giới thiệu một số cuốn sách cổ, cuốn sách bán đắt hàng hay cuốn sách nổi tiếng của tác giả Việt Nam viết bằng tiếng Anh, nói một cách đầy tự hào rằng mình thuộc từng tên đầu sách và vị trí của chúng trên kệ.
 |
Số lượng đầu sách về Việt Nam, về Hà Nội chiếm hơn 10% tổng số đầu sách của cửa hàng. |
 |
Anh David Gilliard, một kỹ sư người Pháp đang sống và làm việc tại Hà Nội, biết đến Bookworm Hanoi qua Internet và rất ấn tượng về các đầu sách đa dạng tại cửa hàng. |
Bên cạnh việc giới thiệu và bày bán các thể loại sách ngoại văn của nước ngoài, dù diện tích cửa hàng không lớn, song anh Trường dành hẳn một không gian riêng, được bài trí theo phong cách rất Việt nhằm trưng bày các cuốn sách của tác giả trong và ngoài nước về Việt Nam và về Hà Nội, các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh.
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng gắn bó với Thủ đô từ thời sinh viên, nên anh Trường coi nơi này như quê hương thứ hai của mình. Nhanh tay lướt một lượt, anh giới thiệu cho chúng tôi một số cuốn sách hay về Hà Nội bằng tiếng Anh mà mỗi lần có khách hỏi, anh đều tư vấn tỉ mỉ, như: “Hanoi, Adieu: A Bittersweet Memoir of French Indochina” (tạm dịch: Tạm biệt Hà Nội: Những kỷ niệm vui buồn về xứ Đông Dương) của Mandaley Perkins, “Hanoi Old Quarter East Side” (tạm dịch: Phố cổ Hà Nội phía Đông) của Linda Mazur, “A Dragon Still Ascending 1000 Years of Hanoi” (tạm dịch: Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm văn hiến) của Jim Goodman hay “Hanoi Photographic Collection” (Bộ sưu tập ảnh Hà Nội)… Anh cho hay: “Thông qua Bookworm Hanoi, tôi luôn muốn góp phần nhỏ của mình để giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, con người Hà Nội với du khách quốc tế cũng như người nước ngoài sống tại Hà Nội”.
 |
Nhân viên cửa hàng thường xuyên kiểm tra, sắp xếp lại sách trưng bày gọn gàng, đúng chủ đề, thể loại. |
 |
Cửa hàng có nhiều đầu sách kinh điển, đã "nhuốm màu thời gian". |
 |
Cửa hàng Bookworm Hanoi nhìn từ bên ngoài. |
Không chỉ là cửa hàng bán sách đơn thuần, Bookworm Hanoi luôn hướng đến việc trở thành một nơi giao lưu văn hóa của người nước ngoài với người Việt. Theo anh Trường, người nước ngoài vừa là khách hàng, vừa là “nguồn cung sách” đáng kể cho cửa hàng, khi họ có thể trao đổi sách với Bookworm Hanoi.
Anh cho biết, một số cá nhân còn trở thành “khách ruột” của cửa hàng, trong đó có ông Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ từng sống hàng chục năm ở Việt Nam và là người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ RENEW về làm sạch bom mìn ở tỉnh Quảng Trị, giúp đỡ trẻ em khuyết tật; bà Suzanne Lecht, Giám đốc nghệ thuật của phòng tranh Art Vietnam Gallery - nơi giúp đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Không chỉ tới để tìm sách, đôi lúc họ ghé thăm để trò chuyện với anh Trường cùng nhân viên cửa hàng hoặc vừa đọc sách, vừa nhâm nhi tách cà phê “tự thưởng” cho mình một khoảng thời gian yên bình giữa phố phường nhộn nhịp.
Bài và ảnh: MINH ANH - HẢI LY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.