Ý tưởng thành lập Viện Hồ Chí Minh và đặt tượng Bác Hồ trong khuôn viên của viện trở thành hiện thực là nhờ công lao và sự phối hợp ăn ý của nhiều người, trong đó có vai trò quan trọng của Giáo sư, Tiến sĩ E.I. Zelenev, Trưởng khoa Phương Đông và GS.TS N.M. Kropachev, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg cùng hai vị Đại sứ Việt Nam tại LB Nga trước đây là Bùi Đình Dĩnh và Phạm Xuân Sơn.

Bức tượng duy nhất của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh tại St. Petersburg được đặt chính thức trong khuôn viên Trường Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg đúng ngày khai trương Viện Hồ Chí Minh, ngày 19-5-2010.

Tượng Hồ Chí Minh trong khuôn viên Trường Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg. Ảnh: baonga.com.

Theo GS.TS Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, mục đích chính của viện là nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là viện đầu tiên ở Nga nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Trong 10 năm qua, viện đã hướng dẫn cho sinh viên Nga nghiên cứu và viết khóa luận về đề tài “Các phương pháp tiếp cận, áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh tại Việt Nam hiện nay”. Từ năm 2019, bộ môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho bậc cử nhân. “Mối quan tâm đặc biệt của việc nghiên cứu và đào tạo sinh viên được hướng đến những vấn đề sau: Nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa Việt Nam hiện đại, kết quả của Đại hội Đảng lần thứ XII, vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia và khu vực tại Việt Nam và Đông Nam Á, phân khúc Đông Á của vòng cung bất ổn Á-Âu, theo dõi tình hình tại Biển Đông và những vấn đề khác”, GS.TS Kolotov cho biết thêm.

Ngoài ra, Viện Hồ Chí Minh còn là một trong ba trung tâm giảng dạy tiếng Việt, lịch sử và văn hóa Việt Nam uy tín nhất tại LB Nga. 90% các sinh viên tốt nghiệp tại đây đang làm việc tại các cơ quan của Chính phủ, cơ quan Ngoại giao, các tập đoàn lớn của LB Nga tại Việt Nam.

Bên cạnh việc nghiên cứu và đào tạo, Viện Hồ Chí Minh còn là nơi tổ chức thường xuyên hội thảo, triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có thể kể đến Hội thảo “Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tháng 5-2015, Hội thảo kỷ niệm 95 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Petrograd (tháng 8-2018), Hội thảo quốc tế “Di sản tinh thần của Hồ Chí Minh-50 năm sau” (tháng 5-2019)… Bên cạnh đó, viện cũng hỗ trợ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hợp tác thành công với Bảo tàng Nghệ thuật Hermitage của LB Nga để tạo nên dự án đầu tiên trong lịch sử trao đổi văn hóa Nga-Việt. Đó là tổ chức Triển lãm “Báu vật sông Hồng” tại thành phố St. Petersburg nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2019). Triển lãm này là một nội dung quan trọng trong khuôn khổ Năm chéo Việt-Nga 2019-2020.

Cũng theo GS.TS Kolotov, vào ngày 19-5 hằng năm, viện tổ chức kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham gia đông đảo của đại diện chính quyền thành phố St. Petersburg, cộng đồng người Việt ở LB Nga, Hội Cựu chiến binh Nga từng giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh. Viện cũng đón nhiều đoàn đại biểu các ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam sang thăm, làm việc để trao đổi và mở rộng khả năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây bất ổn trên toàn thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân các nước, trong đó có LB Nga, GS.TS Vladimir Kolotov cho biết, nhiều kế hoạch chung giữa Viện Hồ Chí Minh với các đối tác Việt Nam đang bị ngưng trệ. “Chúng tôi hy vọng khi dịch bệnh được đẩy lùi và tình hình trở nên ổn định, các dự án chung sẽ sớm được hoàn thành”, GS.TS Vladimir Kolotov bày tỏ.

PHƯƠNG LINH