Phóng viên (PV): Vì sao chị thực hiện ‎ý tưởng lần lượt cho xuất bản 3 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh?

TS Nguyễn Đài Trang: Khi sang định cư tại Canada năm 1990, tôi có điều kiện học thêm về lịch sử Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ các quan điểm phương Tây. Sống ở nước ngoài, chúng tôi càng thấy rõ công lao của Bác “cả một đời vì nước, vì dân”. Nhưng đáng tiếc là thông tin ở nước ngoài về Bác Hồ chưa đầy đủ, các tài liệu ít đề cập tới quan điểm nhân văn của Người, chưa đào sâu vào các dữ liệu đầy đủ về Bác-vị lãnh tụ đã được UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Tôi cảm thấy trách nhiệm về đạo đức và trách nhiệm công dân Việt Nam là phải làm sáng rõ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những giá trị tư tưởng của Người. Cuốn sách đầu tôi viết chủ yếu về tâm của Bác, cuốn thứ hai tôi đào sâu hơn về tài của Bác, về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong cuốn sách thứ ba, tôi thu thập 100 bài viết, bài phát biểu nguyên văn của Bác mà độc giả nước ngoài hầu như chưa biết đến.

Bìa cuốn sách “Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới” in bằng tiếng Tây Ban Nha.

PV: Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho bà con kiều bào. Là một kiều bào, lại tìm hiểu và viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị cảm nhận như thế nào về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Bác?

TS Nguyễn Đài Trang: Trong quá trình nghiên cứu bộ sách "Hồ Chí Minh toàn tập", tôi đã rất xúc động khi đọc những lá thư Bác Hồ gửi cho kiều bào, về tình cảm thân thương cũng như sự động viên của Bác trong việc đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Kiều bào tại Canada nói riêng và trên thế giới nói chung đã có tinh thần đoàn kết và hướng về Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước, sau này tiếp tục có nhiều hoạt động để tăng cường quan hệ kinh tế, giáo dục, văn hóa giữa Việt Nam và các nước sở tại.

Theo tôi, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là tài sản quý giá của chúng ta. Tư tưởng này của Người rất có ý nghĩa và càng có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở đâu, làm gì, luôn một lòng hướng về Tổ quốc và mong muốn góp sức xây dựng quê hương. Khi làm theo lời dạy của Bác về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chúng ta sẽ nâng cao khả năng đùm bọc lẫn nhau khi sinh sống ở xứ người. Qua đó, mỗi người sẽ tận dụng được các điều kiện ở nước sở tại để đóng góp cho Tổ quốc trong khả năng của mình.   

PV: Được biết, chị đang ấp ủ dự định cho ra mắt cuốn sách thứ tư về Bác Hồ. Chị có thể bật mí đôi điều về cuốn sách này?

TS Nguyễn Đài Trang: Tôi đang chuẩn bị giới thiệu một cuốn sách bao gồm các bài hát về Bác do các nhạc sĩ nước ngoài và trong nước sáng tác, được dịch sang tiếng Anh. Trong đó còn có những hình ảnh quý về Bác, đặc biệt là hình ảnh về các tượng đài và khu lưu niệm Bác Hồ ở hơn 20 nước trên thế giới. Cuốn sách góp phần khẳng định tầm ảnh hưởng thế giới của vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, giúp bạn đọc hiểu thêm về tình cảm, tâm tư của bạn bè quốc tế dành cho Bác.

Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang (thứ năm, từ phải sang) cùng các độc giả và bạn bè quốc tế tại buổi giới thiệu cuốn sách “Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới”, tại Toronto. Ảnh tư liệu

PV: Những cuốn sách của chị được in bằng nhiều thứ tiếng, được bà con kiều bào, độc giả nước ngoài và trong nước đón nhận như thế nào?

TS Nguyễn Đài Trang: Theo tôi, những cuốn sách được đón nhận vì đã cho thấy tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ‎ý nghĩa trong thời kỳ kháng chiến mà cả trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Tôi còn nhớ có một đồng nghiệp ở Đại học Toronto của Canada là Steve Rutchinski đã chia sẻ khi đọc cuốn sách thứ ba của tôi rằng, ông hiểu rõ Chủ nghĩa Mác-Lênin đã được áp dụng vào điều kiện của các nước thuộc địa như thế nào nhờ đọc các bài viết của Bác trong cuốn sách. Chính điều đó đã mang đến sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc và soi đường dẫn lối trong công cuộc xây dựng đời sống mới, phát triển kinh tế, qua đó là một mô hình cho thế giới noi theo. Ông Steve Rutchinski khi đó cho rằng, cuốn sách này rất quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam, giúp họ hiểu biết hơn về lịch sử nước mình, đồng thời cho cả thế giới thấy được con đường Việt Nam đang hướng tới.

Nhiều bạn bè của tôi ở nước ngoài tỏ ra thích thú vì lần đầu tiên được biết tới quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường thông qua phát động phong trào Tết trồng cây, về giải phóng phụ nữ, công bằng xã hội, nhất là về tinh thần gìn giữ hòa bình, hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới… Bạn tôi là Anita Agrawal, nguyên Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ trong ngoại thương-Toronto cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy “nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ và khuyến khích nam giới đối xử bình đẳng với phụ nữ trong gia đình”.

TS Nguyễn Đài Trang từng là giảng viên Khoa Khoa học chính trị tại Đại học Toronto, Khoa Nhân văn tại Trường Đại học Toronto Scarborough, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh tại Trường Cao đẳng Centennial. Chị là người đồng sáng lập và là Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Việt Nam-Canada. Năm 2010 và 2013, hai cuốn sách: “Hồ Chí Minh: Tâm và tài của một nhà yêu nước” (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Lào) và “Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển” (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha) được xuất bản. Cuốn sách thứ ba “Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới" năm 2018 được in bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.

MỸ HẠNH (thực hiện)