Dáng hình thân thương ấy cùng với tình cảm của Người: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” có sức cổ vũ, động viên người dân Thành phố mang tên Bác và cả miền Nam phấn đấu đi lên.    

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Bắc-Nam sum họp một nhà, cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 7-1976, TP Sài Gòn-Gia Định vinh dự, tự hào được đổi tên là TP Hồ Chí Minh. 44 năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn nỗ lực thực hiện Di chúc của Bác Hồ trong xây dựng và phát triển, xứng đáng với tình cảm và ước nguyện của Người.

leftcenterrightdel
Nét đẹp chợ Bến Thành. Ảnh Phú Hưng

Thực hiện Di chúc của Bác, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất (năm 1977) đặt ra nhiệm vụ: “Cải tạo phải bảo đảm sản xuất phát triển không ngừng, cải thiện đời sống nhân dân, phải gắn liền với xây dựng mà xây dựng là chủ yếu, với tổ chức sản xuất, phân bổ lại lực lượng lao động nhằm tăng cường mạnh mẽ các thành phần kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, tạo điều kiện cho kinh tế quốc doanh thực sự đóng vai trò chủ đạo, hướng dẫn đối với các thành phần kinh tế khác”. Từ chủ trương này, thành phố quyết tâm sản xuất giỏi, cố gắng giải quyết việc làm, giải quyết những khó khăn về đời sống, phát triển các mặt công tác văn hóa, giáo dục, y tế...

Được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, thành phố đã có những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, từng chia sẻ: “Chúng tôi tiến hành làm thử một số việc như lập hợp tác xã công, nông, thương, tín, cho sản xuất và cho xuất khẩu một số mặt hàng tiêu dùng sang các nước Đông Nam Á, cho xí nghiệp vay vốn để mua nguyên liệu, tự cân đối sản xuất; hủy bỏ việc bán gạo hai giá, bỏ luôn cả cách phân phối gạo bao cấp…”. Các đại hội sau này của đảng bộ thành phố đều tập trung vào việc đưa ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo mang tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện Di chúc của Bác Hồ, tập trung thực hiện tốt mục tiêu: TP Hồ Chí Minh vì cả nước, cùng cả nước. Thành phố tiếp tục đóng góp ngày càng tích cực hơn cho sự phát triển chung của cả nước, chủ động giành thắng lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với những nỗ lực và thành tựu đạt được, vào dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, TP Hồ Chí Minh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu "Thành phố anh hùng".

leftcenterrightdel
TP Hồ Chí Minh tươi đẹp trong nắng tháng 5. Ảnh Phú Hưng.

Có thể nói, mỗi giai đoạn lịch sử, thành phố từng bước khẳng định là đô thị lớn, trung tâm hàng đầu của đất nước trên nhiều lĩnh vực, là hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, ngày 24-11-2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đây là một cơ hội rất tốt để thành phố phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội. Cuối năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X nhận định: Thành phố đã đạt nhiều thành tựu trên từng lĩnh vực, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước (đóng góp 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước); năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất cả nước; thu ngân sách thành phố năm 2019 chiếm tỷ lệ lớn nhất cả nước (26,5%). Nhờ đó, GRDP bình quân đầu người của thành phố tăng liên tục qua các năm, năm 2020 ước đạt 6.799USD, gấp 1,3 lần năm 2015 và gấp 2,3 lần so với cả nước.

Gần đây, Hội nghị lần thứ 40, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X cũng đánh giá: Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng kinh tế-xã hội thành phố vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận, đó là sản xuất công nghiệp tăng trưởng 3,37% và xuất khẩu tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ. Mặc dù tốc độ tăng GRDP giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 28,4% trong GDP của cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ.

leftcenterrightdel
Bên Tượng đài Bác Hồ ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: LẠC TRANH.

TP Hồ Chí Minh cũng luôn thể hiện rõ là “Thành phố nghĩa tình”. Điều này không chỉ xuất phát từ cái “chất tử tế” của người Sài Gòn từ xưa đến nay mà đó còn là nghĩa cử của lãnh đạo, chính quyền, nhân dân Thành phố mang tên Bác kính yêu. Phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì thế, thành phố luôn là địa phương đi đầu trong các phong trào từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo với những việc làm ý nghĩa. 

Nhìn lại 45 năm kể từ ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh luôn phấn đấu, nỗ lực cao độ để xứng đáng là địa phương được mang tên Bác, xứng đáng với tình yêu và niềm tin của vị Cha già dân tộc và những người đã ngã xuống để có được thành phố tươi đẹp, phát triển như hôm nay.

Theo kế hoạch, quý IV-2020, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội lần này sẽ chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TSVM; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; huy động mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân...

45 năm sau ngày giải phóng và những năm tháng học tập, làm theo lời Bác, thành phố đã có nhiều đổi thay kỳ diệu. Trong buổi Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17-5-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã nhấn mạnh: “Với truyền thống cách mạng vẻ vang, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình;... xứng danh là Thành phố mang tên Bác, Thành phố anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước”.

Với niềm tự hào của một công dân ở Thành phố mang tên Bác, tôi thường đi dạo trên những đại lộ, những con đường rợp bóng cờ hoa và cây xanh, chỗ nào cũng thấy rất đỗi thân quen và thương yêu đến lạ. Qua mỗi con đường, dãy phố đều như có hình bóng Bác dõi theo.

 LÊ PHI HÙNG