leftcenterrightdel
Tác phẩm "Trông vời cố quốc"-một trong 3 tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Quảng Uyên viết về Bác Hồ.

Tôi không muốn và không thể nhận về mình “định đề”: Nhà văn chuyên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh! Bởi vì có rất nhiều nhà văn viết nhiều, viết hay về Bác Hồ như nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Hồ Phương...; các nhà thơ: Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hải Như, Hữu Thỉnh… Trong bài viết này, tôi xin kể lại một số sự việc, một số kỷ niệm trong quá trình xây dựng những tác phẩm văn học về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi bắt đầu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc đọc một bài viết của nhà báo Hồng Khanh đăng trên Báo Nhân Dân năm 2003. Bài báo kể về việc bản thảo tập thơ “Nhật ký trong tù” bị thất lạc ở Cao Bằng năm 1945, đến năm 1955 mới “trở lại” với Bác. Với niềm khao khát khám phá, tôi đã bỏ công mấy năm trời “đáy bể mò kim” để cuối cùng tìm ra được người giữ bản thảo gốc “Nhật ký trong tù” rồi gửi về Hà Nội là ông Hoàng Đức Triều, Chủ nhiệm Việt Minh ở Lam Sơn (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Người phát hiện lại và là người dịch đầu tiên 133 bài thơ trong “Nhật ký trong tù” là ông Phạm Văn Bình (bút danh Văn Trực), Trưởng ban Giáo vụ Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc. Những phát hiện đã được kể lại trong tác phẩm khảo cứu, phê bình “Những điều chưa biết về “Nhật ký trong tù” (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2016).

leftcenterrightdel
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (ngoài cùng, bên trái) thăm và tặng quà gia đình đồng chí Dương Đào. Ảnh do tác giả cung cấp

Trong nhiều năm đi lại theo hành trình của Bác ở Cao Bằng và Quảng Tây (Trung Quốc), tôi đã sưu tầm được nhiều tư liệu quý. Tôi đã đến thị trấn Túc Vinh, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt giữ ngày 27-8-1942. Đến tận nơi Hồ Chí Minh và Dương Đào bị giam giữ (nay chỉ còn là những bức tường rêu phong). Tôi mải mê tìm “dấu chân” Người, mải mê chụp ảnh đến mức mấy người công an nước bạn đến đưa tôi về trụ sở để làm rõ hành tung! Ở thành phố Liễu Châu, tôi được Giáo sư Ôn Kỳ Châu, Giám đốc Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở Liễu Châu dẫn đến ngọn Tây Phong Lĩnh mà Bác Hồ có nhắc đến trong bài thơ “Mới ra tù tập leo núi”. Tôi đã leo lên đỉnh ngọn núi thấp ở phía tây. Những lần đến Quảng Tây, tôi đã đến thăm gia đình Dương Đào, người dẫn đường rồi cùng bị bắt với Bác Hồ ở Túc Vinh, ra tù mất ở Liễu Châu (Bác Hồ đã cảm khái viết bài thơ "Dương Đào trọng bệnh"). Tôi cũng đã đến trấn An Đức, đến hang Lũng Trung, nơi Bác Hồ và các đồng chí của mình lánh nạn trên đường về nước. Trong những cuộc hành trình theo dấu chân Bác, tôi phát hiện và ngộ ra nhiều điều, nhiều sự kiện, nhiều bí ẩn về thời kỳ cách mạng hào hùng ở Pác Bó, Cao Bằng in rõ dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà tôi chưa kể, chưa ghi. Và tôi nhận ra chỉ có tiểu thuyết mới “tải” được những điều đó! Năm 2007, dự trại viết của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá, tôi bắt đầu viết những chương đầu tiên cuốn tiểu thuyết đầu tay “Mặt trời Pác Bó” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010). Khi viết gần xong cuốn tiểu thuyết, tôi vẫn chưa biết đặt tên là gì. Sau những “gợi ý” từ hiện thực như người đón Bác Hồ về nước năm 1941 ở Pác Bó tên là Lý Quốc Súng, tên địa phương là Slung, phiên âm từ chữ Hán là “Sáng”. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói với tôi: “Bác Hồ về Pác Bó không chỉ đem đến ánh sáng cách mạng mà còn đem về ánh sáng văn hóa”. Từ đó, mới bật ra nhan đề tiểu thuyết là “Mặt trời Pác Bó”.

Được đà sáng tạo, tôi viết tiếp cuốn tiểu thuyết “Giải phóng”. Tôi đã đi thực tế sáng tác nhiều lần. Tôi đến thăm Trung đoàn Thủ Đô mà Trung đoàn trưởng đầu tiên là ông Hoàng Siêu Hải, người Cao Bằng. Trung đoàn Thủ Đô vào năm 1946 đã giữ vững Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm, bảo toàn lực lượng rút về căn cứ an toàn khu. Tôi dành cho sự kiện này hẳn một chương. Sau đó tôi về Quân khu 1, về Khu di tích ATK Định Hóa... Những tư liệu tôi sưu tầm được thật sinh động, đầy đủ. Cuốn tiểu thuyết được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2013. Để hoàn chỉnh một bộ tiểu thuyết về Bác, năm 2017 tôi viết cuốn "Trông vời cố quốc" (Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên). Trong cuốn này, việc đặt tên có ngay từ đầu bởi sự “gợi ý” từ hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Bốn phương mây trắng một mầu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?”; và từ chính câu thơ của Bác Hồ “Dao vọng Nam thiên ức cố nhân" (Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa). Trong cuốn này, tôi đã “giải mã” không ít sự kiện từ những tài liệu về các cuộc gặp của Hồ Chí Minh với nhiều nhân vật... Trọn vẹn với 3 cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã được tặng 3 giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 2019, tôi đã chỉnh lý, bổ sung in thành bộ tiểu thuyết 3 tập với tên chung là “Hồ Chí Minh”.

Ngoài bộ tiểu thuyết "Hồ Chí Minh" và cuốn khảo cứu về "Nhật ký trong tù", tôi còn viết kịch bản phim "Bác Hồ ở Quảng Tây", "Những tháng ngày lịch sử", kịch bản sân khấu "Nước mắt rừng Pác Bó" cũng giành được một số giải thưởng, được công chúng đón nhận.

Trong thời gian viết bộ 3 tiểu thuyết và viết kịch bản phim về Bác Hồ, tôi được gặp và hỏi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Phùng Thế Tài... Tình cảm và những tư liệu, câu chuyện kể từ những vị tướng, những học trò xuất sắc của Bác Hồ đã làm chân thực, phong phú, sinh động hơn hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi tái hiện trong những tác phẩm của mình.

Còn những dự định ấp ủ, những công việc của tôi trong thời gian tới là gì? Tôi nghĩ rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là công việc luôn luôn và mãi mãi. Đó là công việc của trái tim. "Bác Hồ có ở trong mọi con mắt/ Bác Hồ có ở trong mọi bàn tay/ Lúc nào lòng ta nhớ đến Bác/ Bác liền hiện ra trước mắt ngay". Nhà thơ Bàn Tài Đoàn đã nghĩ vậy, nói vậy. Và: "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn" (Tố Hữu).

Nhà văn HOÀNG QUẢNG UYÊN