"Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm"
Ông Đồng Vĩnh Hảo, Bí thư Chi bộ 4, Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) dẫn chúng tôi đi trên các con đường bê tông rộng 5m mà ông và đội ngũ CB, ĐV trong tổ tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp tiền xây dựng. Những con đường khang trang, sạch đẹp được người dân trong tổ gọi là "con đường của ý Đảng, lòng dân" và "con đường làm theo Bác Hồ". Ông Hảo nhớ lại thời điểm 4 năm trước, những con đường của tổ dân phố 4 còn chật hẹp, các khúc cua bị che khuất tầm nhìn và chưa được bê tông hóa, mùa mưa lầy lội, đi lại khó khăn, dễ mất an toàn.
 |
Ông Nguyễn Phước Lệnh (ngoài cùng, bên trái ) đứng trên phần đất của gia đình giờ đã thành con đường khang trang nói chuyện với cán bộ tổ dân phố 4.
|
Ông Hảo nghĩ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm" như Người từng căn dặn. Từ đó, ông và đội ngũ CB, ĐV đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tham gia làm đường. Mọi vấn đề khúc mắc, chưa thống nhất đều họp dân để thảo luận, bàn bạc và tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đồng thời yêu cầu gia đình CB, ĐV gương mẫu làm trước. Bằng phương pháp này, chỉ trong hai năm (2017, 2018), tổ dân phố 4 đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp gần 2 tỷ đồng cùng với kinh phí của Nhà nước làm mới 5 con đường chính, 3 con hẻm, lắp điện chiếu sáng... Ông Nguyễn Phước Lệnh ở tổ dân phố 4, người hiến hơn 70m2 mặt tiền hai đường Lê Hữu Trác và A Gió, nói với chúng tôi: "Khi có chủ trương đúng, CB, ĐV tiên phong và người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra thì mọi việc dù khó mấy cũng thành công. Tôi hiến chừng này đất chứ hiến nhiều hơn nữa mà có lợi cho cộng đồng thì tôi vẫn sẵn sàng".
Lời nói của ông Lệnh cũng là nguyện vọng, quyết tâm của bà con tổ dân phố 4 trong thực hiện nghị quyết của Đảng và học tập, làm theo Bác Hồ. Sự đồng thuận đó không chỉ giúp tổ dân phố 4 thành công trong làm đường, chỉnh trang đô thị mà cả trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng rau nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình liên kết trồng rau chất lượng cao theo nhu cầu thị trường, cho thu nhập cao. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Kon Tum đang có hàng trăm mô hình học tập, làm theo Bác Hồ. Chúng tôi đến Ban CHQS TP Kon Tum với một tinh thần làm việc khẩn trương, Thượng tá Phùng Trung Văn, Chính trị viên Ban CHQS TP Kon Tum giới thiệu ngay những mô hình, cách làm tiêu biểu của đơn vị, nhất là “Cụm dân quân” ở phường Quang Trung.
Trước tình hình tranh chấp đất đai, thanh niên tụ tập quậy phá, trộm cắp, sử dụng ma túy, tệ nạn xã hội… trên địa bàn phường diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân. Ban CHQS phường Quang Trung đã đề xuất với Đảng ủy, UBND phường xây dựng Mô hình “Cụm dân quân” và thành lập hai “Cụm dân quân” ở 14 thôn, tổ dân phố, mỗi cụm 21 đồng chí dân quân tại chỗ. Hằng ngày phối hợp với công an tuyên truyền và tuần tra giữ gìn an ninh, trật tự. Nhờ đó, tình trạng tệ nạn xã hội giảm hẳn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân yên tâm khi có lực lượng dân quân làm điểm tự.
Hiệu quả của những mô hình làm theo Bác
Qua khảo sát và trao đổi trực tiếp với người dân, lãnh đạo các địa phương, chúng tôi nhận thấy việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các mô hình cụ thể rất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Kon Tum. Đây là một tỉnh nghèo, hạ tầng kinh tế-xã hội còn thấp và người dân tộc thiểu số chiếm hơn 53%. Nguồn lực và sự phát triển giữa các địa phương không đồng đều, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong những năm gần đây, tỉnh Kon Tum có bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Tính riêng năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 14.782 tỷ đồng, tăng 9,96% so với năm 2018; thu nhập bình quân dầu người tăng từ 37,35 triệu đồng năm 2018 lên 41,28 triệu đồng trong năm 2019; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.124 tỷ đồng, vượt 26,3% kế hoạch đề ra, có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt 19/19 tiêu chí lên 21; 100% xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng không ngừng được nâng lên; nền hành chính công được cải thiện rõ rệt với 94,8% thủ tục hành chính được giải quyết; lề lối, tác phong, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ.
 |
Mô hình "Bò giống sinh sản tặng người nghèo" của Công ty 732 (Binh đoàn 15) giúp nhiều người dân huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) thoát nghèo bền vững.
|
Để có thành tích này, một trong những nguyên nhân được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum đúc kết, ghi nhận là xuất phát từ hiệu quả của các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt là trong huy động sức dân, tạo ra nguồn lực tinh thần, vật chất to lớn để tỉnh Kon Tum hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Tiêu biểu như mô hình: "Câu lạc bộ ước mơ xanh huyện Đăk Glei-Cho đi là còn mãi" của Huyện ủy Đăk Glei; “Tuyến đường điện thắp sáng” của Đảng ủy thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô); "Nuôi bò mẹ sinh sản luân phiên giúp người nghèo" của thôn Điek Nót (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông)...
Trao đổi với chúng tôi tính hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Thị Kim Đơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum, cho biết: "Việc xây dựng mô hình không chỉ chọn đúng khâu đột phá ở từng địa phương, từng lĩnh vực. Mà còn huy động được các nguồn lực để thực hiện và tạo ra những chuẩn mực mới, thành công mới cho địa phương, đơn vị khác học tập, làm theo. Các mô hình trước khi xây dựng đều được khảo sát kỹ, có kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể và phân công, gắn trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trình trong thực hiện. Từ các mô hình cũng chứng minh, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác không phải là cái gì đó xa vời, cao siêu mà phải bằng những việc làm cụ thể hằng ngày của mỗi CB, ĐV và mọi tầng lớp nhân dân".
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN