“Quê hương nghĩa nặng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Người căn dặn cán bộ, nhân dân Kim Liên phải mau chóng hăng hái sản xuất, thi đua lao động, xây dựng hợp tác xã lớn mạnh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; phải làm cho Kim Liên, Nam Đàn khá lên.
Năm 1961, về thăm quê lần thứ hai, Người lại căn dặn, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo tỉnh và huyện phải chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn, dân chủ hơn, nâng cao năng suất lao động, đóng góp nhiều hơn của cải vật chất cho xã hội chủ nghĩa thành công, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.
Gần sáu thập niên trôi qua, thực hiện lời căn dặn của Bác, Nghệ An đã nỗ lực vượt khó, từ một tỉnh nghèo vươn lên phát triển về mọi mặt, trong đó có điểm sáng về phát triển kinh tế. Khu công nghiệp mọc lên với hơn 100 dự án đầu tư, không chỉ ở thành phố Vinh và các địa phương vùng xuôi như Nghi Lộc, Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Diễn Châu, mà cả ở phía tây heo hút. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi bước đầu theo hướng sản xuất hàng hóa công nghiệp tập trung, chuyên ngành, tạo ra sản phẩm giá trị sử dụng cao, từng bước thâm nhập thị trường khu vực và thế giới. Công nghiệp phát triển đa ngành, có chiều sâu, giá trị sinh lợi theo hướng hội nhập đã cho kết quả tổng thu ngân sách mỗi năm trên mười bốn nghìn tỷ đồng. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 6,8%, có năm đạt 7,3%. Ngay cả những địa phương trước đây phải xin ngân sách hỗ trợ, nay đã vươn lên tự cân đối và thực hiện nộp ngân sách cho Nhà nước...
 |
Lễ hội làng Sen-nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương Nghệ An. Ảnh: TRẦN HOÀI. |
Phương hướng đổi mới quan hệ sản xuất trong doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu đất đai, tài nguyên, sức lao động, thị trường tiêu thụ cho nông nghiệp đã quy tụ sức mạnh tổng hợp toàn xã hội thực hiện mục tiêu làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Mỗi năm, Nghệ An huy động ngân sách địa phương kết hợp cùng nhiều doanh nghiệp, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mở rộng, nâng cấp hệ thống cầu đường, sân bay, bến cảng nước sâu, làm thay đổi diện mạo hạ tầng cơ sở hiện đại, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Hình ảnh những con tàu quốc tế có sức chở vạn tấn cập cảng Cửa Lò, Nghi Thiết đã không còn là ước mơ. Cảng Hàng không quốc tế Vinh mở rộng cánh bay quốc tế, với tần suất cất cánh ngày một nhiều. Khách du lịch, nhà đầu tư đến Nghệ An với số lượng ngày một tăng.
Ngày Bác về thăm quê, Nghệ An còn nghèo. Thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, một điển hình sản xuất lương thực giỏi của Nghệ An, Bác không quên tới căn nhà tranh lụp xụp thăm hỏi bà Máy, một nông dân sống đơn thân, nghèo khó. Bác nhắc nhở cán bộ các cấp phải chăm lo nâng cao mức sống nhân dân, mau chóng làm sao cho nhân dân được ở trong những căn nhà cao ráo, tránh được nắng rát, gió bão, mưa to.
Lời khuyên của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và gói hạt giống năm nào Bác trao cho đồng chí Nguyễn Sỹ Quế, sau này nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy đã làm xanh ngát, bạt ngàn thông reo trên đỉnh Núi Chung, phủ xanh đất trống đồi trọc Đại Huệ, Thiên Nhẫn, vùng đồi núi Chín Nam. Hơn nửa triệu héc ta đất trống, đồi núi trọc ở Nghệ An được phủ xanh. Hàng nghìn héc ta thông, ngút ngàn, tăm tắp quanh Đại Huệ. Mỗi ban mai tỏa nắng, rừng thông lấp lánh như muôn ngàn ngọn nến thiêng tưởng vọng Người mẹ Việt Nam đã sinh hạ, nuôi nấng vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Như một đạo lý truyền thống, sau ngày Bác về với “thế giới người hiền”, hàng năm, mỗi khi đạt thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, cán bộ, nhân dân Nghệ An lại về khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, dâng hương báo công trước anh linh Bác.
Dấu ấn sâu sắc, tình cảm nồng ấm của Bác dành cho quê hương được thể hiện rõ trong bức thư cuối cùng gửi Đảng bộ, nhân dân Nghệ An. Ngày 21-7-1969, bức thư Bác viết đã trở thành "di chúc" thiêng liêng cho quê nhà. Trong lễ truy điệu Bác tại Ba Đình, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng ngập tràn niềm tiếc thương Bác, cố kìm nén xúc động, viết vào Sổ tang: “Bác Hồ kính yêu của chúng ta không còn nữa! Trong đau thương chung của cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vô cùng đau xót tiếc thương và đời đời nhớ ơn Bác. Đứng trước linh cữu Bác, chúng tôi nguyện tin tưởng tuyệt đối vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, luôn luôn tuân theo lời Di chúc của Bác cho toàn Đảng. Biến đau thương thành hành động cách mạng, chúng tôi nguyện đoàn kết toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh, nỗ lực phấn đấu làm đúng lời chỉ bảo ân cần trong thư Bác gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 21-7-1969, coi bức thư ấy là "di chúc" của Bác cho Đảng bộ và đồng bào quê Bác”.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Bác đi xa, lời căn dặn và cũng là mong mỏi cuối cùng của Bác, làm sao tỉnh nhà phấn đấu trở thành một tỉnh gương mẫu, sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc, vẫn còn đặt ra mục tiêu phấn đấu quyết liệt, bền bỉ cho Đảng bộ Nghệ An trong mỗi nhiệm kỳ đại hội.
Vì vậy, vẫn còn đó lời hứa thiêng liêng của Đảng bộ, nhân dân Nghệ An với Bác kính yêu!
VĂN HIỀN