Trường Dục Thanh được xây dựng từ năm 1907, là một trong 3 tổ chức của các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận, hưởng ứng Phong trào Duy Tân nhằm mở mang dân trí, khơi dậy tinh thần dân tộc. Nội dung và phương pháp dạy học ở đây rất tiến bộ. Năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dạy học ở Trường Dục Thanh.

Theo sử liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Bình Thuận, trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, ngoài nội dung kiến thức, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn lồng ghép giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự đồng cảm, sẻ chia với người lao động nghèo khó… Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường đọc cho học sinh nghe những bài thơ, ca yêu nước. Các bài học của thầy luôn gần gũi, dễ hiểu và chất chứa tình cảm với quê hương, với Tổ quốc. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở nội trú nên ngày nghỉ, thầy thường đưa học sinh đến thăm các gia đình nghèo ở bến cá Cồn Chà, bãi biển Thương Chánh. Qua những lần đi dã ngoại ấy, thầy giáo Nguyễn Tất Thành kết hợp giảng giải cho học sinh về địa lý, lịch sử nước nhà, về các anh hùng dân tộc như: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Tiến sĩ La Nữ Ánh Vân, Phó trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Phan Thiết) cho hay, theo các tài liệu ghi chép lại và nhân chứng từng là học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thầy có phương pháp dạy học truyền cảm hứng, khai mở cho học trò những hiểu biết về nhiều phương diện, hun đúc tình yêu Tổ quốc, ý chí vươn lên và rèn luyện bản lĩnh cho học sinh. Cuộc sống hằng ngày của thầy giáo Nguyễn Tất Thành giản dị, thanh liêm, giàu tình cảm nên được học trò và những người dân nghèo quý trọng, tin yêu.

leftcenterrightdel
Cổng vào di tích Trường Dục Thanh.

Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn, sau đó, Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Sau ngày quê hương được giải phóng, nguyện vọng của nhân dân Bình Thuận muốn phục dựng nguyên mẫu Trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Nhờ đó, đã hơn một thế kỷ trôi qua, ngôi trường nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học vẫn vẹn nguyên những kỷ vật từ hơn trăm năm trước, như: Bộ trường kỷ, bộ ván, chiếc án thư, tủ đứng, nghiên mài mực, bảng đen, bàn học… Trong đó có giếng nước trong vắt và cây khế xanh tươi vẫn tỏa bóng mát phía sau vườn. Chính gốc khế này được thầy giáo Nguyễn Tất Thành tưới nước, chăm sóc suốt thời gian Người dạy học ở đây.

Ngày nay, quần thể di tích Trường Dục Thanh bao gồm Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Bình Thuận và di tích Trường Dục Thanh có cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh được cắt tỉa gọn gàng và khí hậu trong lành, tươi mát. Bảo tàng hiện lưu trữ gần 900 hiện vật, tài liệu, hình ảnh có giá trị liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, di tích Trường Dục Thanh là "địa chỉ đỏ" góp phần giáo dục, bồi đắp tinh thần yêu nước và hiếu học cho muôn đời con cháu Bác Hồ.

Bài và ảnh: YẾN LONG