Nơi đây không còn thấy dấu tích một vùng đất lung bàu, hố trũng dày đặc, thay vào đó là đồng lúa mênh mông, những mảnh vườn sum sê cây trái, những con đường bê tông thẳng tắp...

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Châu Thới, từ khi thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, rồi sau đó là xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đổi thay rất nhiều. Quê hương khởi sắc trước hết là từ sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cùng các ngành, đoàn thể đã tích cực vận động để người dân đồng lòng ủng hộ triển khai các công trình xây dựng nông thôn mới. Dẫn chúng tôi đi dọc con kênh nhỏ có cầu bê tông bắc qua, ông Nghĩa cho biết: “Đây là cây cầu bê tông do CCB Khưu Tam Phước xây dựng năm 2013, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, thể hiện tấm lòng của người CCB luôn hướng về Bác, học tập tấm gương của Bác. Cây cầu đã giúp người dân đi lại dễ dàng, trẻ em đến trường thuận tiện hơn”.

leftcenterrightdel

Các cựu chiến binh thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).

Rời Vĩnh Lợi, xuôi về xã Định Thành A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), đến ấp Lung Rong, chúng tôi được nghe kể nhiều về 14 phụ nữ thôn quê gan dạ, tốt bụng của Câu lạc bộ (CLB) nữ phòng, chống tội phạm. Thành tích của các chị khiến mọi người ngưỡng mộ: Cung cấp 84 nguồn tin, trong đó có 56 thông tin giúp công an xã triệt phá tụ điểm tệ nạn xã hội trên địa bàn; nhận đỡ đầu 1 hộ nghèo; vận động ủng hộ 1.000 quyển vở tặng học sinh nghèo trong xã… Với bảng thành tích này, CLB nữ phòng, chống tội phạm đã được Bộ Công an tặng Bằng khen (năm 2016), được Huyện ủy Đông Hải tuyên dương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (năm 2019). Chị Hồ Thị Nga, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Chúng tôi biết mình không thể làm được những việc lớn lao cho đất nước, nhưng chúng tôi có thể học Bác ở những việc làm thiết thực, giản dị, như: Sống tiết kiệm, không thờ ơ với cái xấu để xã hội tốt đẹp hơn. Khi làm được theo Bác dù chỉ là việc nhỏ nhưng hiệu quả, chúng tôi cảm thấy rất vui và càng quyết tâm làm tốt hơn nữa”.

Thời gian qua, học tập và làm theo Bác, ở Bạc Liêu còn xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Mỗi tháng có một ngày làm công tác xã hội”; “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; “3 cần, 3 nên và 3 không” (3 cần: Cần gần dân và sát cơ sở; cần học hỏi, lắng nghe ý kiến của dân; cần vận động nhân dân cùng lo và cùng làm. 3 nên: Nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình. 3 không: Không gây phiền hà cho dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm công việc với dân; không nhận hối lộ, sách nhiễu, tham nhũng)... Việc học theo Bác về sự nêu gương, nói đi đôi với làm của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo được niềm tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bài và ảnh: NGỌC THẢO