Ngắm bức ảnh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng nghệ sĩ Khắc Tuế vẫn luôn thấy nó tươi mới. Ông chia sẻ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt chú ý đến vai trò của văn nghệ sĩ. Những lời ân cần nhắc nhở, chỉ bảo tận tình của Bác đối với đội ngũ những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật luôn sống động, gần gũi và tha thiết". Nói rồi, ông trao tặng chúng tôi cuốn sách "Bác Hồ với hoạt động văn hóa nghệ thuật" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 2016 mà ông là chủ biên.  

leftcenterrightdel
Trang bìa cuốn sách "Bác Hồ với hoạt động văn hóa nghệ thuật".

Nghệ sĩ Khắc Tuế là một diễn viên, đạo diễn, biên đạo múa tài năng, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật múa cách mạng nước ta. Quá trình tham gia chiến đấu và hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Khắc Tuế nhiều lần được gặp Bác. Với ông, đó là hạnh phúc lớn lao không gì so sánh được. Trân trọng những tháng ngày đó, bằng tất cả lòng biết ơn, kính trọng vô bờ bến, ông viết cuốn sách ghi lại những câu chuyện cảm động của chính ông và những kỷ niệm của các văn nghệ sĩ với Bác Hồ.

26 bài viết trong cuốn sách rất giản dị nhưng chứa đựng ở đó tình cảm hết sức sâu nặng. Nghệ sĩ Khắc Tuế kể: "Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn quan tâm, dành tình cảm yêu thương cho các văn nghệ sĩ, nhiều văn nghệ sĩ được Bác mời vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác, được Bác tặng quà. Trong cuốn sách, những cử chỉ dung dị của cuộc sống thường ngày, lời chỉ dạy của Bác đối với các văn nghệ sĩ được khắc họa rõ nét. Đó chính là động lực to lớn giúp họ hăng say sáng tạo, thể hiện nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị phục vụ cách mạng".

Quan tâm và yêu thương nên Bác thường xuyên nhắc nhở văn nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, phục vụ quần chúng cách mạng. Khi nghe nghệ sĩ Linh Nhâm hát dân ca quan họ Bắc Ninh, Bác khen: "Giọng cháu tốt, cháu nên học ngâm thơ để có nhiều tiết mục phục vụ bộ đội" (Những kỷ niệm vô giá). Hay sau khi nghe nghệ sĩ Cẩm Lan thể hiện "Bài ca hy vọng" của Văn Ký, Bác động viên: "Các cháu phải chịu khó luyện rèn, nâng cao khả năng biểu diễn cho tốt để mai này vào phục vụ đồng bào miền Nam" (Nhớ lời Bác dạy). Bác cũng động viên nghệ sĩ Tường Vy sau khi biểu diễn "Tiếng đàn ta lư" của nhạc sĩ Huy Thục: "Bài này hợp với giọng của cháu đấy, nó có thể trở thành tiết mục tốt"… Từ lời căn dặn của Bác, "Tiếng đàn ta lư" đã trở thành tiết mục "đinh" của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ Tường Vy.

Nổi bật trong cuốn sách là bài viết "Sử thi múa Dưới ngọn cờ vẻ vang của Bác" (sử thi múa được nghệ sĩ Khắc Tuế sáng tác khi nghe tin Bác ra đi, được biểu diễn vào ngày 22-12-1969). Tác phẩm tái hiện tình cảm thiêng liêng của quân và dân ta đối với Bác và quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài viết đã mang lại nhiều xúc cảm đặc biệt cho bạn đọc.

Có lẽ bởi vậy, cuốn sách không chỉ góp phần khắc họa sinh động chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn giúp mỗi người hiểu hơn về những cống hiến của các văn nghệ sĩ đối với văn hóa, nghệ thuật và sự nghiệp cách mạng. 

NGUYỄN THU