Lời căn dặn của Người chính là kim chỉ nam dẫn đường, thôi thúc các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành điện Việt Nam nói chung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng ngành điện ngày càng phát triển.

Trong 66 năm qua, ngành điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia khoảng 54.850MW, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình: Thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu và các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối).

leftcenterrightdel

Hệ thống lưới điện của ngành điện Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Ảnh: LÊ VIỆT

Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, ngành điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, hoàn thành thắng lợi các nghị quyết của Đảng đã đề ra là “đảm bảo điện đi trước một bước”. Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến nay điện đã cung cấp cho 99,52% số hộ dân của cả nước. Đặc biệt, EVN đã đầu tư và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo, trong đó các đảo có vị trí chiến lược trên biển như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được đầu tư cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.

Những bước tiến thần kỳ của ngành điện lực Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực, như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc-Nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gần đây nhất là Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á... Để có được thành công này, ngành điện lực nói chung, EVN nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau, cả trong và ngoài nước. Giai đoạn 2011-2015, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN đạt 481.561 tỷ đồng (bằng 2,36 lần so với giai đoạn 2006-2010); giai đoạn 2016-2019 ước đạt 482.000 tỷ đồng. Ngành điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.

Ngày nay, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành điện đã trưởng thành vượt bậc, có trình độ và kỹ năng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, đủ sức làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện quy mô lớn. Nhiều công trình điện lớn, phức tạp, có quy mô tầm khu vực tiếp tục được đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trong nước thiết kế và thi công. Các đơn vị cơ khí điện lực đã phát huy nội lực trong sản xuất, sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện thay thế nhập khẩu, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tính cạnh tranh sản phẩm trong cơ chế thị trường ngày càng cao. Hiện nay, cơ khí điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như các máy biến áp 220kV công suất đến 250MVA, máy biến áp 3 pha 500kV-467MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thủy điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.

Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số cũng được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện, đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực khoảng 600 trạm biến áp 220-110kV. Công nghệ thông tin được sử dụng hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng thành công nhiều hệ thống phần mềm lớn dùng chung toàn tập đoàn. Hiện EVN tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực để sớm đưa EVN trở thành doanh nghiệp số.

Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành điện lực, EVN sẽ thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tiếp tục đưa tập đoàn phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, vì sự phồn vinh của đất nước.

VŨ DUNG