Hơn 100 ngày chiến đấu với đại dịch Covid-19 vừa qua, ngành y thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, luôn tiên phong ở tuyến đầu chống dịch để chữa trị và chăm sóc sức khỏe người bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngành y tế đã huy động toàn bộ lực lượng, từ y tế nhà nước, y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, những cán bộ y tế đã nghỉ hưu... tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Hưởng ứng tinh thần "chống dịch như chống giặc", rất nhiều cán bộ y tế cơ sở, cán bộ y tế tư nhân, cán bộ y tế nghỉ hưu, mạng lưới cán bộ làm công tác dân số tại các địa phương sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi chính quyền địa phương phân công, kêu gọi. Cùng với đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành y, dược; các viện, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, các thầy cô giáo và các em sinh viên ngành y-dược sẵn sàng tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

leftcenterrightdel

Các thầy thuốc thực hiện ca đỡ đẻ song sinh trong phòng cách ly phòng dịch Covid-19 tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Ảnh: TUẤN DŨNG

Tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “chiến sĩ áo trắng” mới thấu hiểu nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, cán bộ, nhân viên y tế luôn hằng ngày túc trực ở các ổ dịch, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 bất kể ngày đêm, có người cả tháng không về nhà. PGS, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế, chia sẻ: “Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Nhiều hôm nửa đêm vừa mới thiu thiu ngủ thì nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả tổ công tác lại bật dậy bàn phương án xử lý tình huống ngay”. Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.

Bác sĩ Lưu Nguyên Thắng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ, thời gian qua, anh chị em trong khoa đều phải làm việc liên tục, cường độ cao gấp 3 lần so với những ngày thường. Đặc biệt, dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán, hầu như cán bộ của khoa không có Tết, ngày đêm cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực, để người thân, gia đình ở lại phía sau. Đó còn là nỗi đau mất người thân như trường hợp của điều dưỡng Hoàng Thị Thu Hương, khi đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly Covid-19 của Bệnh viện số 2 (tỉnh Quảng Ninh) thì bố chị Hương qua đời. Vì không thể trở về nhà chịu tang, bệnh viện đã cho lập bàn thờ vọng ngay tại nơi chị làm việc...

Còn tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, những “chiến sĩ áo trắng” luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thường xuyên túc trực và sẵn sàng đến đón-đưa bệnh nhân Covid-19, chưa kể những ca cấp cứu phải vận chuyển hằng ngày khiến các nhân viên trực tại đây hiếm có một bữa cơm trọn vẹn.

Trong mọi cuộc chiến với dịch bệnh, ngành y luôn giữ vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu và đối mặt với nỗi vất vả, hiểm nguy. Qua dịch Covid-19, mỗi chúng ta càng nhận rõ sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ những người "mẹ hiền"-các "chiến sĩ áo trắng". Họ đã và đang cố gắng thực hiện tốt những lời Bác Hồ dạy, phấn đấu rèn luyện y đức, nâng cao y thuật, tất cả vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

DIỆP CHÂU