Hơn 30 năm sưu tầm tư liệu về Bác
Đến thôn Thọ Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), khi hỏi đến ông Trần Văn Cao, cả làng ai cũng biết, bởi từ lâu người dân trong thôn đã quen với hình ảnh một lão nông tuổi đã bát tuần nhưng hằng ngày vẫn đạp xe đi khắp nơi để sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ.
Sau hơn 30 năm cần mẫn sưu tầm, đến nay ông Cao đã có tới hơn 370 hình ảnh về Bác và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Tất cả được ông lưu giữ và trưng bày trang trọng trong phòng lưu niệm của gia đình. Nhiều bức ảnh quý, được sưu tầm theo các mốc thời gian từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm Người bôn ba ở nước ngoài, hay lúc trở về lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Không chỉ sưu tầm tranh, ảnh về Bác, ông Cao còn sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi Bác, biểu dương thành quả mà Đảng và Nhà nước ta đã đạt được. Trong đó phải kể đến cuốn sử ca dài 1456 câu thơ lục bát mà ông đã sáng tác trong tròn một thập kỷ. Cùng với đó là nhiều bức tranh vẽ chân dung Bác và các bức tranh phong cảnh tại những nơi Bác từng hoạt động cách mạng như núi Các Mác, suối Lênin…
Ông Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch UBND xã Đại Yên chia sẻ: “Những tư liệu của ông Cao rất hữu ích trong việc giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho người dân địa phương. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ kết hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các chuyến tham cho các em học sinh, qua đó, bồi dưỡng tình yêu nước và tinh thần học tập, làm theo tấm gương của Bác cho các em”.
Nghẹn ngào khi kể về Bác
Khi được hỏi về lý do sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, ông xúc động kể: Năm 1963, khi còn là sinh viên trường Trung cấp Thủy Lợi, tôi có may mắn được gặp Bác Hồ nhân một lần Bác về thăm thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên). Tôi nhớ như in ngày hôm ấy không một ai trong chúng tôi được thông báo trước về sự xuất hiện của Bác. Khoảng 7 giờ sáng khi mặt trời bắt đầu nhô qua ngọn đồi, những ánh nắng ở phía đông chiếu vào khán đài, Bác Hồ xuất hiện khiến tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng. Bác mặc chiếc kaki màu trắng ngà, đi đôi dép cao su, Bác kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về mô hình hợp tác xã, về người nông dân và về quê hương Thái Nguyên anh hùng. Trò chuyện được một lúc, Bác giơ tay lên bắt nhịp cho chúng tôi bài hát “Kết đoàn”, chúng tôi đồng thanh theo Bác mà trong tim không khỏi bồi hồi, xúc động. Hình ảnh của Bác thật giản dị, gần gũi đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Từ đó, tôi nung nấu trong lòng một công việc là sưu tầm tất cả những tư liệu về Bác Hồ kính yêu.
Dù đã ở tuổi 84 nhưng ông Cao còn rất minh mẫn, những câu chuyện ông kể cụ thể, rõ ràng đến từng chi tiết, từng mốc thời gian. Có lúc, khi kể về Bác, ông không kìm lòng được mà bật khóc.
    |
 |
Cuốn sử ca về Bác được ông Cao viết trong 10 năm. |
Ông chỉ cho chúng tôi bức ảnh “Bác Hồ xem triển lãm tranh miền Nam” mà ánh mắt đỏ hoe. “Bác luôn thương và dành những tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam, đó không chỉ là tình cảm của lãnh tụ cho nhân dân mà còn là tình cảm người cha dành cho các con. Bởi vậy mà cho đến những giây phút cuối đời, điều duy nhất Bác mong mỏi là được đi khắp hai miền đất nước, được vào thăm nhân dân miền Nam, ấy vậy mà ước muốn đó không đạt được” – ông Cao ngậm ngùi chia sẻ.
Tới tham quan Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao không chỉ có tôi mà còn có nhiều người là bạn ông Cao trong Hội người cao tuổi và cả những thanh, thiếu niên muốn tìm hiểu cuộc đời và con người Bác.
Ông Cao chia sẻ: “Trong quãng thời gian này, tôi thường suy ngẫm về những gì đất nước mình, dân tộc mình đã trải qua, nghĩ về Bác Hồ, nghĩ về Đảng, nghĩ về cách mạng Việt Nam và hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Chúng ta đã đánh thắng những kẻ thù mạnh nhất trên thế giới, câu chuyện ấy ngỡ như mơ nhưng lại là sự thật. Tôi may mắn được nghe nhiều câu chuyện về Bác, giờ tôi lưu lại những câu chuyện lịch sử này với hy vọng những câu chuyện về Bác mãi được lưu giữ, lưu truyền đến các thế hệ về sau, để con cháu ta dù sống trong phồn vinh cũng không quên những hy sinh lớn lao mà cha ông đã đánh đổi”.
Rồi ông đọc cho mọi người nghe những câu thơ trích trong bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu. Giọng ông ấm áp, truyền cảm mang đến cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt. Lời thơ ấy lại càng ý nghĩa hơn trong những ngày cận kề kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Học Bác để tự soi, tự sửa
Trong phòng khách của gia đình, ông Cao cũng treo nhiều tranh, ảnh về Bác, những bức ảnh được treo xung quanh một chiếc gương lớn. Bà Nguyễn Thị Định (vợ ông Cao) cho biết, ông thường dạy con cái rằng mỗi khi nhìn vào ảnh Bác rồi nhìn vào gương, các con hãy lấy Bác là tấm gương để học tập, để điều chỉnh bản thân, để sống có đạo đức và có ý nghĩa cho xã hội.
Bà Định cũng chia sẻ: “Xây dựng Phòng lưu niệm Bác Hồ là ước muốn của ông Cao từ nhiều năm, tuy nhiên mãi tới đầu năm nay gia đình mới có đủ điều kiện kinh tế để xây dựng. Từ ngày Phòng lưu niệm được khánh thành, ông lão vui lắm, cứ có ai tới tham quan là ông lại miệt mài thuyết minh và kể chuyện, có khi kể cả ngày không biết mệt”.
Những nỗ lực và tâm huyết của ông Trần Văn Cao cũng đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận bằng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội năm 2020. Ông cũng được mời tham dự Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2020” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 12-5 vừa qua nhằm biểu dương các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cũng trong chương trình này, ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng một chiếc bút mực làm quà lưu niệm. Chiếc bút ấy được ông nâng niu, trân trọng đặt ngay dưới ban thờ của Bác. Với ông, đó không chỉ là niềm vinh hạnh mà còn là động lực để ông tiếp tục phát huy những công việc ý nghĩa mà ông đang làm.
Bài, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH - TRẦN NHÀN