Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học. Vì vậy, Bác đã đề nghị nhiều nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học tên tuổi như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… về Việt Nam tham gia cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích về KH&CN trong kháng chiến.

Học tập và làm theo tấm gương của Bác và các nhà khoa học đi trước, ngày nay trong công cuộc phát triển đất nước, các nhà khoa học luôn tích cực tham gia, thể hiện qua các nghiên cứu, sáng chế trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đơn cử như việc nghiên cứu, thử nghiệm, lai tạo giống lúa thơm ST-25 của nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng do kỹ sư Hồ Quang Cua là trưởng nhóm; tháng 11-2019, gạo thơm ST-25 được công nhận là ngon nhất thế giới năm 2019, tạo được tiếng vang lớn trên thị trường trong và ngoài nước với nhiều đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, thơm. So với các giống gạo ngon khác trên thế giới, ST-25 là giống cao sản, có thể trồng hai vụ trong năm, đem lại năng suất, chất lượng, giá thành cao.

Giới thiệu máy khai báo y tế giúp sàng lọc, không tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19 trong bệnh viện. Ảnh: TRẦN HỒNG

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, do thiết bị y tế khan hiếm, giá cả nhập về đắt đỏ, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, các nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch cấp bách. Tiêu biểu như bộ kit xét nghiệm Covid-19 RT-rPCR được WHO công nhận đạt chuẩn quốc tế. Đây là sản phẩm thuộc đề tài độc lập cấp Nhà nước do Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y) làm chủ nhiệm đề tài, cùng nhóm nghiên cứu của viện thực hiện. Đề tài đã được nghiệm thu cấp Nhà nước và được Bộ Y tế cấp phép đưa vào sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, tham gia công tác KH&CN không phải là việc của riêng ai mà của tất cả mọi người, mọi ngành nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Chính vì vậy, không chỉ các nhà khoa học mà ngay cả những người nông dân “chân lấm tay bùn” cũng tích cực học tập, sáng tạo, làm theo lời dạy của Bác. Anh Phạm Văn Hát (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), người nông dân chỉ học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Máy gieo hạt tự động, máy phun thuốc trừ sâu, máy làm luống tự động… cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước hàng trăm sản phẩm mỗi năm. Những sản phẩm hữu dụng này đã giúp người nông dân giảm nhiều công sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp của nước ta. 

 Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ KH&CN, những kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng mang tính liên ngành, đa ngành, giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thực hiện đúng quan điểm, lời dạy của Bác Hồ về phát triển KH&CN.

THÙY DUNG