Chị kể về những giây phút thiêng liêng được gặp Bác với tất cả niềm tôn kính: “Năm 1968, tôi cùng 6 thành viên trong đoàn “Dũng sĩ diệt Mỹ tí hon” từ miền Nam ra miền Bắc học tập. Hôm ấy, xe dừng ở Phủ Chủ tịch, chúng tôi như đàn chim ríu rít vây quanh Bác Hồ và Bác Tôn. Chú Tố Hữu lần lượt giới thiệu họ tên, quê quán từng người. Đến lượt tôi, chú Tố Hữu chưa kịp nói thì Bác đã hỏi ngay: “Cháu là Hồ Thị Thu phải không?”.

Tôi lễ phép trả lời: “Thưa Bác, vâng ạ!”.

Bác ôn tồn hỏi tiếp: “Cháu học lớp mấy rồi?”.

“Thưa Bác, cháu chưa biết chữ ạ! Cha cháu mất sớm, mẹ cháu nghèo nên không có tiền cho cháu đi học”.

Bác Hồ rơm rớm nước mắt, âu yếm bảo: “Vậy thì ra ngoài này cháu sẽ được đi học”.

Hôm đó, chúng tôi thay nhau kể cho Bác nghe chuyện đánh Mỹ ở miền Nam. Nghe xong, Bác khẽ vuốt chòm râu bạc rồi mỉm cười hỏi tôi: “Thằng Mỹ to lớn như vậy, còn cháu thì nhỏ bé. Cháu không sợ Mỹ à?”.

“Thưa Bác, cháu không sợ vì bên cạnh cháu còn có các cô, các chú chỉ huy và anh em, đồng đội nữa ạ!”.

Bác lại hỏi tiếp: “Đồng bào quê cháu sống và chiến đấu ra sao?”.

Tôi liền thưa với Bác: “Đồng bào quê cháu sống không ngại gian khổ, chiến đấu không sợ mất mát, hy sinh mà chỉ sợ mù hai con mắt, đến ngày thống nhất sẽ không được nhìn thấy Bác vào thăm!”. Nghe tôi nói vậy, Bác xúc động, mái đầu bạc rung rung...

Lần thứ hai chúng tôi gặp Bác vào ngày 20-12-1968, nhân dịp kỷ niệm 8 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Và lần thứ ba là vào ngày 13-2-1969, hôm đó Người gặp chúng tôi trước lúc tiếp đón đoàn đại biểu Cuba...”.

Chị Thu ngừng kể, tay mân mê tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ, quay sang tôi, giọng nghẹn ngào: “Tôi không ngờ... đó là lần cuối cùng được gặp Bác... Người đã ra đi mà chưa thỏa ước mong vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt...”.

Đất nước thống nhất, chị Thu chuyển về Đà Nẵng, công tác tại Sư đoàn Không quân 372, đến năm 1992 thì nghỉ hưu. Về với đời thường, chị vẫn tích cực tham gia công việc đoàn thể. Noi theo gương sáng Bác Hồ, chị thường xuyên động viên, thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sẵn có chuyên môn ngành y, chị không quản mưa gió, nhiều đêm khuya vắng vẫn tới khám bệnh cho bà con. Gia đình nào không may có người qua đời, chị không nề hà, lo khâm liệm tử tế và không hề lấy một đồng tiền công. Nhiều gia đình khó khăn, chị còn tặng cả vải khâm liệm, hương hoa... Cứ vào dịp đầu năm học, chị đến các trường kể cho các cháu học sinh nghe kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ, thuyết phục trẻ em cá biệt bằng tình cảm chân thành và trái tim nhân hậu của mình. Chị hăng hái động viên con cháu ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy sức lực không còn dẻo dai như trước nhưng chị vẫn tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của địa phương với tinh thần và trách nhiệm nêu gương của một người đảng viên chân chính. Thi thoảng, chị lại cùng đồng đội lên tận rừng xanh, núi thẳm để đi tìm và cất bốc hài cốt liệt sĩ, tìm đến các nhà hảo tâm để liên hệ giúp đỡ đồng đội khó khăn và gia đình người có công, hộ nghèo...

Chị Thu tâm sự: “Mỗi lần gặp Bác là một kỷ niệm thiêng liêng, sâu lắng không thể nào quên đối với tôi. Hình ảnh nhân từ của Người, tiếng nói, tình cảm và lời dạy của Bác về đạo lý làm người, về nhân cách, lương tâm và trách nhiệm của người thầy trong việc ươm mầm tương lai cho đất nước, tôi đã học tập và làm theo Người suốt cả cuộc đời. Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến Bác lòng tôi trong sáng hơn. Những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống tưởng chừng không thể qua nổi, nhưng nghĩ tới tấm gương và lời dạy của Người là tôi lại vượt qua tất cả...”.

TÙNG LÂM