Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý và tình cảm thân thương nhất mà nhân dân ta trao tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân quý mến gọi tên Bộ đội Cụ Hồ như một lẽ tự nhiên. Đó là niềm tự hào và hạnh phúc lớn lao của quân và dân ta. Bộ đội Cụ Hồ, từ lời lẽ giản dị, rất đỗi chân thành và tự nhiên mà nhân dân dành cho bộ đội, đã trở thành một khái niệm khoa học, cao hơn thế là biểu tượng cao quý, một nét đẹp văn hóa, một giá trị văn hóa trong văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức và văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.
 |
Chiến sĩ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện điều lệnh, nghi lễ trên Quảng trường Ba Đình. Ảnh: TRỌNG HẢI. |
Bộ đội Cụ Hồ cất lên từ tiếng nói của người dân, rất mộc mạc, chất phác trong đời thường, qua năm tháng thời gian, đã kết tinh và lắng đọng trong tâm hồn, tình cảm của đồng bào và chiến sĩ trong suốt chiều dài lịch sử của sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời đại Hồ Chí Minh.
Bộ đội Cụ Hồ từ lâu trở thành một điển hình nghệ thuật trong nguồn cảm hứng vô tận của các văn nghệ sĩ, trong mọi loại hình, thể loại sáng tác văn học-nghệ thuật ở nước ta; trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học, từ khoa học quân sự Việt Nam đến lý luận chính trị và khoa học xã hội-nhân văn nói chung.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, nghiên cứu các học thuyết quân sự Việt Nam đều nhận thấy ở Bộ đội Cụ Hồ những điều kỳ diệu, tạo nên những kỳ tích của quân và dân ta, với bao chiến công hiển hách của các anh hùng, dũng sĩ, của những chiến sĩ giải phóng quân-những “con người đẹp nhất”.
Bộ đội Cụ Hồ nhắc nhở chúng ta mãi mãi nhớ ơn người sáng lập ra quân đội cách mạng, người từng căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải luôn luôn khắc sâu trong tâm khảm “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”, phải “trung thành tuyệt đối với Đảng”, “giữ trọn lòng trung-hiếu với nước, với dân”, phải “ăn ở sao cho được lòng dân”, “không làm điều gì trái ý dân”, “không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân”.
 |
Huấn luyện khẩu đội cối tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Ảnh: MINH TRƯỜNG. |
Đã là Bộ đội Cụ Hồ thì phải luôn luôn, thường xuyên làm tốt công tác dân vận. Bộ đội làm dân vận, từ tướng lĩnh chỉ huy đến chiến sĩ phải làm sao “khi sắp đến thì dân mong, khi ở thì dân thương, khi đi thì dân nhớ”. Đó là mẫu mực của văn hóa ứng xử mà Bác Hồ suốt đời nêu gương, làm gương cho chúng ta noi theo.
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm, chăm lo rèn luyện, giáo dục cán bộ, chiến sĩ quân đội. Bác là hình ảnh của dân tộc, là người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang. Bác thương yêu bộ đội, là hiện thân tình thương yêu của nhân dân đối với bộ đội, bởi cuộc sống của Bác đã trọn vẹn, toàn vẹn ở trong dân, ở trong cuộc sống nhân dân. Người căn dặn: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến, quân đội thi đua giết giặc, để bảo vệ nhân dân. Hòa bình trở lại, quân đội vừa lo học tập, vừa ra sức giúp nhân dân trong mọi việc”; "Vì bộ đội luôn luôn ra sức phục vụ nhân dân, cho nên nhân dân thương yêu bộ đội, coi như con em ruột thịt của mình”. Khi viết Di chúc để lại cho muôn đời sau, Bác vẫn gửi muôn vàn tình thương yêu cho “toàn thể bộ đội”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta, khi thực hành lối sống, lẽ sống “tận trung với nước, tận hiếu với dân” cũng chính là để xứng đáng với tình thương yêu của Bác.
Có thể nói, mọi hàm nghĩa và ý nghĩa của Bộ đội Cụ Hồ đều quy tụ vào phẩm chất của người chiến sĩ, người quân nhân cách mạng, của đội quân bách chiến bách thắng “từ nhân dân mà ra”, “vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ”. Đội quân ấy là “Quân đội nhân dân Việt Nam” xứng đáng với dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.
Nhân dân yêu thương cán bộ, chiến sĩ bộ đội, mến gọi là Bộ đội Cụ Hồ. Nhân dân coi cán bộ, chiến sĩ là “con của Cụ Hồ”. Và Bác Hồ cũng không ít lần nhắc đến Bộ đội Cụ Hồ, để giáo dục, động viên, nhắc nhở bộ đội luôn biết phát huy ưu điểm và cũng luôn khắc phục khuyết điểm, từ những điều nhỏ nhất. Điều đó được thể hiện sâu sắc qua nhiều bài viết, câu nói, lời căn dặn của Bác đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội. Bác đã viết bài báo “Bộ đội làm dân vận” ngày 20-6-1955. Bác nêu chuyện ở Hạc Trì (Phú Thọ), bộ đội giúp dân tăng gia sản xuất, chống đói, làm nhà cho dân. Bộ đội ăn cơm độn ngô để dành gạo giúp dân, làm cho dân rất cảm động.
Để mãi phát huy truyền thống, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ quân đội, trong hoàn cảnh mới, điều kiện mới, cần ra sức thực hiện những lời dạy bảo ân cần của Bác, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ. Toàn quân thực hiện tốt công tác dân vận, gắn bó máu thịt với nhân dân; từ các vị tướng chỉ huy đến từng chiến sĩ đều ra sức phấn đấu, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí, bản lĩnh, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương