Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tới công tác bảo đảm TTLL, Bác căn dặn: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Trong thời chiến, lớp lớp các thế hệ giao bưu, giao liên lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ mở đường liên lạc trong cả nước; chuyển công văn, thư từ, báo chí từ Trung ương đến địa phương và ngược lại; vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, hàng hóa, lương thực; bảo đảm thông tin vô tuyến giữ liên lạc thông suốt 24/24 giờ;… Dù trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mạng lưới TTLL luôn được giữ vững với 3 phương thức thông tin: Điện thoại, vô tuyến điện, đường thư. Khẳng định vai trò không thể thiếu của TTLL, Bác đã đưa ra yêu cầu có tính nguyên tắc đối với chuyên môn của ngành: “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”.

leftcenterrightdel

Nhân viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đo kiểm tốc độ thử nghiệm mạng 5G. Ảnh: HƯNG SƠN

Chiến tranh kết thúc, cả nước bắt tay vào xây dựng, kiến thiết đất nước. Lĩnh vực bưu chính, viễn thông duy trì những bước tiến vững chắc cả về vai trò, vị trí, trình độ khoa học công nghệ và đang dần trở thành động lực chủ yếu cho sự phát triển của đất nước, hướng tới nền kinh tế tri thức.

Trong 3 năm gần đây, lĩnh vực bưu chính nói chung và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) nói riêng luôn duy trì được mức tăng trưởng cao. Theo báo cáo về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018; tăng 12 bậc so với năm 2016).

Tự hào truyền thống là “người bưu điện”, Vietnam Post từ chỗ Nhà nước phải trợ cấp ngân sách, chủ yếu thực hiện các dịch vụ bưu chính chuyển phát, thư báo, chuyển tiền, lực lượng lao động giản đơn, cơ sở vật chất cũ kỹ, đến nay tổng công ty đã phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, phát triển đồng thời trên cả 3 trụ cột: Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối-truyền thông. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển lợi thế về độ phủ đến tận cấp xã, Vietnam Post tập trung gia tăng năng lực vận chuyển trên cơ sở sử dụng các phương tiện vận chuyển có công suất lớn.

Đối với lĩnh vực viễn thông, mạng di động (2G/3G/4G) phủ sóng tới 99,6% dân số; tỷ lệ triển khai cáp quang đạt 99,46% dân số. Từ một nước đi sau so với thế giới 8-10 năm khi triển khai 3G, 4G, nhưng đối với 5G, viễn thông Việt Nam chủ động đi đầu cùng với thế giới về công nghệ. Tính đến nay, cả 3 nhà mạng lớn là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone đều đã tuyên bố thử nghiệm thành công 5G. Cùng với đó, đã có những doanh nghiệp viễn thông trong nước tự thiết kế, sản xuất thành công thiết bị 5G, biến giấc mơ làm chủ công nghệ của Việt Nam trở thành hiện thực.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực bưu chính, viễn thông Việt Nam không còn chỉ đơn giản thực hiện các dịch vụ truyền thống như chuyển phát bưu gửi thông thường hay dịch vụ thoại mà còn đẩy mạnh cung cấp dịch vụ số phục vụ cho Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức và người dùng cá nhân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Minh chứng rõ ràng trong thời gian gần đây chính là nhiều nền tảng, phần mềm nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đã được các doanh nghiệp viễn thông nhanh chóng phát triển, như: Ứng dụng Sức khỏe Việt Nam; ứng dụng Vietnam Health Declaration; trang web tokhaiyte.vn được triển khai xây dựng bởi Viettel. VNPT cũng triển khai xây dựng: Ứng dụng chuyển tờ khai giấy thành tờ khai điện tử tại cửa khẩu; ứng dụng NCOVI…

Trong khi đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp bưu chính công ích duy nhất của đất nước, Vietnam Post chủ động tham gia và triển khai thành công nhiều đề án lớn góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số, như: Dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” (Vmap), xây dựng và đưa vào đời sống nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode có khả năng “số hóa”, định vị chính xác vị trí, địa chỉ của khách hàng, góp phần tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp chuyển phát, thương mại điện tử…

Trong tiến trình phát triển mới, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ những lợi thế của mình, đồng thời phải không ngừng chủ động thay đổi, linh hoạt để có những chiến lược, giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển, yêu cầu mới của thị trường, bảo đảm TTLL trong mọi hoàn cảnh đúng như lời dạy của Bác Hồ.

VŨ MY