Khắc sâu lời căn dặn của Người, bà Me đã dành nhiều tâm huyết thực hiện giấc mơ “cõng chữ lên non” và trở thành cầu nối tuyên truyền, vận động người Hà Nhì chấp hành đường lối của Đảng.
17 tuổi, Chu Chà Me mới học lớp 1, ở Trường Dân tộc Tây Bắc. Một buổi sáng đầu tháng 5-1959, lúc đang cùng các bạn trong lớp treo khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ thì cả lớp được thầy hiệu trưởng thông báo chuẩn bị đón Bác Hồ. Chà Me mừng rỡ đến nghẹn ngào, bởi đã nghe về tấm lòng nhân ái của “A-ta Hồ” nhiều rồi mà chưa bao giờ được gặp. Diện bộ trang phục Hà Nhì đẹp nhất, Chà Me cùng các bạn được sang Ủy ban Khu tự trị Việt Bắc.
 |
Bà Chu Chà Me và tấm ảnh lưu niệm được chụp với Bác Hồ năm xưa. |
Bà Me tự hào kể: Bác đẹp hơn trong ảnh rất nhiều. Người mặc bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su, thật bình dị và gần gũi. Bác ân cần hỏi thăm tất cả những người có mặt là người dân tộc gì, quê ở đâu. Mấy chị dân tộc Thái thì hô to “Pú Hồ sen pi” (Bác Hồ muôn năm) rồi tất cả đồng thanh theo. Lúc ấy, Chà Me được Bác lại gần hỏi thăm. Sau khi biết nhà Chà Me ở tận Mường Tè, là châu xa nhất của khu, 17 tuổi nhưng vẫn chịu khó đi học, Bác động viên Chà Me chịu khó học tập và căn dặn thêm: "Cháu về nhà phải vận động thanh niên dân tộc Hà Nhì đi học, học nhiều mới có hiểu biết, có hiểu biết mới làm được cách mạng để làm chủ quê hương cháu, miền núi mới tiến kịp miền xuôi". Rồi Bác chia kẹo cho mọi người, sau đó cùng đứng chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Chà Me vinh dự được đứng gần Bác. Tấm ảnh ấy là kỷ vật của Chà Me.
Năm 1960, vào dịp kỷ niệm 15 năm Quốc khánh, Chà Me lại vinh dự là một trong hai người của huyện Mường Tè được về Hà Nội dự lễ kỷ niệm. Sáng 2-9, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chà Me được ngồi trên lễ đài, cánh phải, tầng thấp. Sau ngày lễ kỷ niệm, vào khoảng 9 giờ sáng 4-9, khi Chà Me đang ở nhà khách Trung ương thì thấy chiếc xe ô tô màu đen dừng trước sân và Bác Hồ bước xuống xe. Chà Me vui sướng chạy lại gần gọi tên Bác, không ngờ Bác vẫn nhận ra. Bác hỏi thăm: “Cháu Chu Chà Me đi từ Mường Tè xuống đây có mệt lắm không? Cháu học lớp mấy rồi?”. Nghe Chà Me trả lời xong, Bác căn dặn: “Cháu tiến bộ nhanh nhưng phải cố gắng học thêm nữa làm việc mới tốt… Cháu về nói với thanh niên Hà Nhì là Bác rất mong các cháu tiến bộ nhanh”.
Ghi sâu lời Bác dạy, từ một cô gái 17 tuổi mới học lớp 1, Chà Me quyết tâm tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc để thực hiện ước mơ vừa dạy chữ vừa vận động bà con Hà Nhì đi học. Năm 1985, bà Me chuyển sang làm phát thanh viên tiếng Hà Nhì của Đài Phát thanh Lai Châu (nay là Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Điện Biên). Qua đó, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều tấm gương lao động, học tập theo Bác Hồ được bà lựa chọn, biên tập để tuyên truyền đến người dân Hà Nhì. Đến nay, hàng trăm con em dân tộc Hà Nhì nỗ lực học tập, vươn lên trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, làm cán bộ trong cấp ủy, chính quyền, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN