Muốn thực hiện được điều này, Người chỉ rõ: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”…

Chất lượng sinh hoạt quyết định sức mạnh của chi bộ

Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của chi bộ trong công tác xây dựng Đảng và nhấn mạnh “sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”. Trong hệ thống tổ chức của Đảng, chi bộ là cơ quan lãnh đạo cụ thể nhất, Người khẳng định: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”; “Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt”; “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”…

Theo quy định của Đảng, mọi đảng viên dù giữ trọng trách gì cũng phải sinh hoạt ở một chi bộ nhất định. Chi bộ chính là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, trực tiếp lãnh đạo cơ quan, đơn vị và quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; trực tiếp giáo dục, quản lý, phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên… Nếu sinh hoạt chi bộ (SHCB) không nghiêm túc thì chắc chắn chi bộ không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên-những công việc quyết định đến chất lượng CB, ĐV và uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đảng viên phát biểu ý kiến trong buổi sinh hoạt của Chi bộ ấp Phú Thạnh, xã Phú Hựu (Châu Thành, Đồng Tháp). Ảnh: baodongthap.vn

Đương nhiên, “chi bộ tốt” thì phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của Đảng. Nhưng Bác Hồ nhấn mạnh “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc” vì tất cả hoạt động của chi bộ chủ yếu được thông qua sinh hoạt với 3 hình thức: Sinh hoạt lãnh đạo; sinh hoạt học tập; sinh hoạt tự phê bình và phê bình (TPB&PB). Mỗi hình thức sinh hoạt có yêu cầu riêng, nhưng đều phải có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng: Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; TPB&PB.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò đặc biệt quan trọng của chi bộ và yêu cầu SHCB phải nghiêm túc, những năm qua, Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chi bộ. Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng SHCB, như: Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng SHCB, Kết luận số 18-KL/TW ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung SHCB”… Qua đó cho thấy, Đảng ta luôn xác định chất lượng SHCB là một trong những yếu tố quyết định đến sức mạnh của Đảng.

Một minh chứng thể hiện rất rõ hiệu quả của việc nâng cao chất lượng SHCB là chủ trương đưa đảng viên thuộc các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản vùng biên giới. Theo đó, đảng viên là bộ đội biên phòng đã giúp hàng trăm chi bộ thôn, bản ở vùng biên cương nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; nội dung sinh hoạt của chi bộ thiết thực, tập trung lãnh đạo thôn, bản phát triển về mọi mặt; CB, ĐV được rèn luyện tốt, xây dựng mối đoàn kết quân dân chặt chẽ, góp phần củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Vẫn còn sinh hoạt lấy lệ và hệ lụy nguy hiểm

SHCB nghiêm túc, chất lượng có ý nghĩa quyết định đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và nói rộng ra là toàn Đảng. Nhưng thực tế ở nhiều nơi vẫn có tình trạng coi nhẹ SHCB, sinh hoạt lấy lệ, đơn điệu, “thiếu lửa”, thậm chí chỉ “sinh hoạt trên giấy” để đối phó với việc kiểm tra...

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về nâng cao chất lượng SHCB, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ hàng loạt vấn đề: Vẫn còn nhiều chi bộ chưa chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, chế độ sinh hoạt định kỳ chưa được duy trì thường xuyên... Nội dung SHCB nghèo nàn, đơn điệu, nặng về thông báo tình hình. Vai trò lãnh đạo, giáo dục và tính chiến đấu chưa được thể hiện rõ; tinh thần TPB&PB còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên. Công tác chính trị, tư tưởng chưa được chú trọng; việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, TPB&PB theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) chưa trở thành nội dung thường xuyên trong SHCB… Nguyên nhân là do một số cấp ủy và không ít đảng viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của SHCB. Trình độ, năng lực, trách nhiệm, phương pháp tổ chức SHCB của không ít bí thư chi bộ (BTCB) còn hạn chế. Một số cấp ủy chưa sâu sát, thiếu các giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng SHCB; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho chi ủy, BTCB chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về SHCB...

Đặc biệt, điều khiến nhiều CB, ĐV và quần chúng có nhiệt tình cách mạng lo ngại nhất là tình trạng “ngại nói thật” trong SHCB khá phổ biến. Đây là nguyên nhân cơ bản làm mất tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng và chi bộ không khẳng định được vai trò là hạt nhân chính trị tại cơ sở, không đưa ra được giải pháp lãnh đạo sát đúng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là không kịp thời ngăn ngừa những vi phạm của CB, ĐV, để xảy ra sai phạm kéo dài và nghiêm trọng, khiến nhân dân suy giảm lòng tin với Đảng.

Thời gian qua, chúng ta không khỏi lo lắng, trăn trở trước thực trạng hầu hết các vụ việc CB, ĐV vi phạm về đạo đức, lối sống, kỷ luật, pháp luật, nhất là tham nhũng… đều do quần chúng nhân dân và báo chí phát hiện, phản ánh hoặc cơ quan chức năng cấp trên phát hiện, xử lý; thậm chí không ít CB, ĐV có vi phạm nghiêm trọng từ lâu, thành hệ thống mà vẫn được chi bộ đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và đề nghị khen thưởng, bổ nhiệm chức vụ cao. Trong khi đó, chi bộ là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên; CB, ĐV trong chi bộ thường xuyên gần gũi, công tác với nhau, hiểu hết tính cách cũng như những việc làm của nhau và chi bộ cũng thường xuyên thực hiện các chế độ sinh hoạt lãnh đạo, học tập, TPB&PB… Thật vô lý khi những người không nằm trong chăn lại biết rõ chăn có rận, trong khi chính người nằm trong chăn lại… không biết!?

Việc đảng viên biết rõ những vi phạm, khuyết điểm của nhau mà không nói, hay chỉ nói “rỉ tai” ngoài SHCB, cố tình nói dở thành hay… là do nhiều nguyên nhân (sợ bị trù dập, mất lòng; sợ bị quy chụp là gây mất đoàn kết; vì lợi ích nhóm…), song dù nguyên nhân gì thì cũng chứng tỏ chi bộ đó đã bị mất sức chiến đấu, việc SHCB chỉ là chiếu lệ, hoặc vi phạm nguyên tắc, chế độ sinh hoạt… Nếu SHCB thực sự nghiêm túc theo đúng yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thì chắc chắn sẽ không để xảy ra nhiều trường hợp CB, ĐV vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, như: Bùi Tiến Dũng, Tổng giám đốc PMU18 (năm 2006); Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT của PVC (năm 2016); mới đây là vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng nhận hối lộ trong quá trình thanh tra ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cùng rất nhiều vụ việc khác.

“Truyền lửa” cho sinh hoạt chi bộ

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về vai trò đặc biệt quan trọng của chi bộ và yêu cầu SHCB phải nghiêm túc là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, trong tình hình mới, trước những yêu cầu cấp thiết của việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV thì việc thực hiện nghiêm túc và nâng cao chất lượng SHCB càng phải được chú trọng.

Để nâng cao chất lượng SHCB, những năm qua Trung ương và các cấp ủy đảng đã đề ra rất nhiều giải pháp: Bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chi ủy viên, đặc biệt là BTCB; quy định rõ trách nhiệm của đảng viên trong chấp hành chế độ sinh hoạt đảng và trách nhiệm của chi ủy, BTCB trong việc duy trì, nâng cao chất lượng SHCB; tổ chức thi BTCB, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình SHCB tốt; cử cấp ủy viên cấp trên dự SHCB để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm; quy định rõ các nguyên tắc, công việc phải làm trong SHCB, yêu cầu chuẩn bị kỹ nội dung SHCB, gửi trước tài liệu sinh hoạt cho đảng viên; tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, khuyến khích đảng viên tham gia đóng góp ý kiến; yêu cầu chi ủy, đảng viên nghiêm túc, thực sự cầu thị khi TPB&PB; chống “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều CB, ĐV và quần chúng, bên cạnh những giải pháp trên thì yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng SHCB là phải “truyền lửa” nhiệt huyết cho CB, ĐV, phải làm cho mọi đảng viên có tinh thần xây dựng và tính chiến đấu cao trong SHCB. Thực tế cho thấy, dù duy trì SHCB chuẩn chỉ đến mấy mà các đảng viên thiếu tính chiến đấu, “ngại nói thật” thì SHCB không thể có chất lượng.

Làm thế nào để CB, ĐV có tinh thần xây dựng, dám nói thẳng, nói thật, mạnh dạn đề xuất ý kiến, thẳng thắn TPB&PB? Trước hết, chi ủy phải có phẩm chất, năng lực tốt, đặc biệt BTCB phải thực sự xứng đáng là hạt nhân, là trung tâm đoàn kết của chi bộ; thực sự có tinh thần TPB&PB, đủ uy tín để được đảng viên tin tưởng. Nếu "thủ lĩnh" của chi bộ không thực sự có tâm, có tầm, nhất là cá nhân chủ nghĩa thì chắc chắn đảng viên sẽ "ngại nói thật" và SHCB sẽ trở thành hình thức.

Tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, tâm lý ngại va chạm, thậm chí sẵn sàng thỏa hiệp vì lợi ích cá nhân dẫn đến không nói thật, a dua với cái sai là một thực tế rất đáng báo động ở không ít CB, ĐV. Xu hướng này ngày càng nhiều do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, khi cái "được-mất" của từng cá nhân rất rõ rệt và người càng thẳng thắn nói thật thì càng chịu thiệt thòi, phiền toái (và ngược lại); không nói thật cũng chẳng sao. Vì thế, để mọi CB, ĐV đều phải nêu cao tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong SHCB thì rất cần thiết phải ban hành những quy chế, quy định chống "dĩ hòa vi quý” và "mũ ni che tai". Ví dụ, hiện nay quy định bình xét CB, ĐV theo 4 mức (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ) dễ dẫn đến khi chi bộ sinh hoạt bình xét thường "tạo điều kiện cho nhau". Thực tế những năm qua, đại đa số CB, ĐV đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, rất hiếm người ở mức hoàn thành nhiệm vụ và càng hiếm trường hợp không hoàn thành. Nếu thay bằng quy định bình xét CB, ĐV theo thang điểm 10 trên từng nội dung: Bản lĩnh chính trị; phẩm chất đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác; kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách; ý thức tổ chức kỷ luật... và xếp thứ tự phân loại CB, ĐV từ tốt nhất đến yếu nhất thì chắc chắn tính chiến đấu, phê bình trong SHCB bình xét CB, ĐV sẽ cao hơn, kết quả bình xét thực chất hơn. Hay nếu quy định mọi đảng viên đều phải có ý kiến trong SHCB (phát biểu hoặc gửi văn bản), trong đó phải có nội dung TPB&PB, nêu rõ khuyết điểm và trách nhiệm; đánh giá của chi ủy, chi bộ cũng phải chỉ rõ CB, ĐV có khuyết điểm, không được chung chung "một số đồng chí"... thì chất lượng SHCB cũng sẽ khác. Đặc biệt, cần có quy định xử lý trách nhiệm với những trường hợp biết CB, ĐV sinh hoạt cùng chi bộ có vi phạm kỷ luật, pháp luật mà không phê bình, đấu tranh để tránh tình trạng "mũ ni che tai" trong SHCB.

Tinh thần xây dựng và tính chiến đấu là hai yếu tố hàng đầu để đánh giá chất lượng SHCB. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947 đã phê phán gay gắt những đối tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”-một căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa; là nguyên nhân gây mất đoàn kết. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng xác định rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần phát biểu về việc này đồng thời yêu cầu CB, ĐV phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải bảo vệ người tốt, người thẳng thắn đấu tranh chống tiêu cực… Những quan điểm chỉ đạo đó rất cần được cụ thể hóa bằng những quy chế, quy định rõ ràng, chi tiết để “truyền lửa” cho CB, ĐV nêu cao trách nhiệm trong sinh hoạt đảng nói chung, SHCB nói riêng, thiết thực góp phần xây dựng Đảng ta thực sự TSVM, xứng đáng là Đảng cầm quyền.

CÁT HUY QUANG