Về mối quan hệ giữa cán bộ của Đảng, Nhà nước với nhân dân, Bác đã có những lời chỉ dạy rất sâu sắc.
Nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, một căn cứ địa của cách mạng, tháng 3-1961, Bác nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào-đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(1).
Nói chuyện khi về thăm khu mỏ Hồng Quảng (Quảng Ninh), cũng là địa danh nổi tiếng về truyền thống cách mạng, ngày 4-5-1967, Bác nói: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế thì phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân”(2).
Bác là lãnh tụ tối cao của dân tộc, của Đảng. Thế mà Bác tự coi mình là đày tớ của nhân dân. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử cổ-kim, Đông-Tây.
Chữ đầy tớ Bác dùng đồng nghĩa với chữ người phục vụ. Nhưng quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ thời cách mạng hoàn toàn đối lập với quan hệ chủ, tớ dưới chế độ thực dân, phong kiến trước đây.
Dưới chế độ cũ, người chủ chiếm hữu mọi thứ tư liệu sản xuất, là người có của, có tiền, có quyền, được sai khiến, hành hạ, đuổi bỏ tôi tớ. Còn người đầy tớ thì chẳng có của cải và quyền lợi gì, chỉ biết bán sức mình để kiếm sống, nuôi thân, vâng dạ theo lời chủ. Họ là những người nô lệ (xin không đề cập tới những cuộc đấu tranh).
Dưới chế độ mới, Bác nói: “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động. Vậy công nhân, nông dân, trí thức cách mạng cần nhận rõ rằng: Hiện nay, nhân dân lao động là những người làm chủ nước ta, chứ không phải những người làm thuê cho giai cấp bóc lột như thời cũ nữa. Chúng ta có quyền và có đủ điều kiện để tự tay mình xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho mình. Nhân dân lao động là người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Bởi vậy mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”(3).
Với giai cấp công nhân, Bác nói: “Đã có quyền hạn làm chủ thì phải làm tròn nghĩa vụ của người làm chủ. Nghĩa vụ đó là cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(4). “Làm chủ thì phải ra chủ, không phải làm chủ thì muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm. Làm chủ là làm sao cho nông trường phát đạt, sản xuất được nhiều”.
Với nông dân, Bác nói: “Ngày nay, chúng ta thành người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã. Mỗi xã viên cần nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Phải có quyết tâm cần, kiệm, liêm, chính”(5).
Trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3-3-1951, khái quát về người cách mạng và mối quan hệ giữa Đảng cách mạng với nhân dân, Bác dẫn ra một câu thơ của đại văn hào Trung Quốc-Lỗ Tấn:
Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,
Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu.
Xin tạm dịch là:
Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng.
Bác cắt nghĩa: "Nghìn lực sĩ có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ. “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân". Và Bác kết luận: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung hăng đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(6).
Tư tưởng về Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, cán bộ là đầy tớ của nhân dân là tư tưởng lớn-vừa chính trị vừa đạo đức.
Nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói, tháng 6-1955, Người chỉ rõ: "Tục ngữ có câu “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả.
Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.
Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân".
Bác cũng nói: Trước mắt quần chúng, không phải là cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào nhân dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đảng ta phải học lấy 4 đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính.
Năm 1969, trước lúc ra đi, Bác còn để lại Di chúc bất hủ, với lời căn dặn đầy tâm huyết, đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người chúng ta: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đảng ta đang chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự đại hội được coi là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt” xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tôi rất tâm đắc với bộ tiêu chí mà Trung ương đề ra cho việc lựa chọn nhân sự cấp ủy các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương, trong đó, chú trọng cả bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực và uy tín. Từ tiêu chí đến hiện thực còn là một bước không ngắn. Nhưng chúng ta tin và mong rằng đội ngũ cán bộ được lựa chọn sẽ là những người lãnh đạo ngang tầm, cũng là những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Tháng 5-2020
HÀ ĐĂNG
----------------------------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 323
(2) Sđd, tập 8, tr. 513.
(3) Sđd, tập 10, tr. 310, 311.
(4) Sđd, tập 10, tr. 479.
(5) Sđd, tập 10, tr. 473.
(6) Sđd, tập 10, tr. 184,185.