Sống dưới chế độ thực dân, phong kiến hà khắc, ngay từ nhỏ, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sớm nhận ra nỗi thống khổ, lầm than của người dân bị áp bức, nô lệ nên quyết chí đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Năm 15 tuổi (1932), đồng chí đã phải sống cực khổ cùng với những công nhân, nông dân lao động; năm 17 tuổi (1934), đồng chí tham gia hoạt động cùng giới thợ thuyền Hà thành; năm 19 tuổi (1936), đồng chí tham gia phong trào đấu tranh công khai của công nhân dệt Hà Nội; năm 20 tuổi (1937), đồng chí được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Văn Tiến Dũng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

leftcenterrightdel

Đồng chí Văn Tiến Dũng (ngồi giữa) chỉ đạo tác chiến tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, tháng 11-1972. Ảnh tư liệu 

Đi theo con đường cách mạng của Đảng, mặc dù phải trải qua bao khó khăn, thử thách, với ba lần bị thực dân Pháp bắt giam, bị tra tấn nhục hình, thậm chí bị kết án tử hình vắng mặt, nhưng với ý chí, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí đã kiên trung với Đảng, với cách mạng; không quản ngại gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ kiêm Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung, đồng chí đã cùng với tập thể Khu ủy Chiến khu Quang Trung lãnh đạo, chỉ đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền tại Chiến khu Quang Trung(2). Sau đó, cùng quân và dân Chiến khu 2 làm thất bại âm mưu đánh chiếm Tây Bắc của thực dân Pháp trong những ngày đầu đất nước vừa giành được độc lập.

Cuối tháng 11-1946, xuất phát từ nhu cầu tăng cường cán bộ có kinh nghiệm lý luận và thực tiễn cho Bộ Quốc phòng, đồng chí Văn Tiến Dũng được điều về Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam(3) (nay là Tổng cục Chính trị), sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Cục trưởng Cục Chính trị kiêm Phó bí thư Trung ương Quân ủy. Trên cương vị mới, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; góp phần làm chuyển biến căn bản tình hình chính trị, tư tưởng trong lực lượng Vệ quốc đoàn, dân quân tự vệ và du kích địa phương. Nhờ vậy, đến giữa năm 1947, hầu hết các đại đội Vệ quốc đoàn đã có chi bộ đảng; hệ thống đặc trách công tác Đảng được thiết lập từ cấp tiểu đoàn trở lên; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ có thành tích trong công tác và chiến đấu đã được kết nạp Đảng. Đây là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Quân đội nhân dân Việt Nam vững vàng bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Đầu năm 1948, sau thất bại trong Chiến dịch Việt Bắc, thực dân Pháp tập trung lực lượng mở nhiều đợt càn quét nhằm đánh chiếm các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, cuối năm 1949, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cử đồng chí Thiếu tướng Văn Tiến Dũng về tăng cường cho Liên khu 3. Trên cương vị là Chính ủy Liên khu, đồng chí đã cùng quân và dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng “bám đất, bám dân, bám ruộng đồng, sông núi” để chiến đấu; phối hợp với quân và dân Liên khu 4 và Liên khu 10 đánh bại nhiều cuộc hành binh càn quét của địch, giành thắng lợi to lớn trong nhiều chiến dịch, như: Chiến dịch Lê Lợi (11/1949 - 1/1950); đập tan hệ thống phòng ngự của Pháp trên Đường 6-Hòa Bình, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại âm mưu chia cắt chiến trường của thực dân Pháp, mở thông đường liên lạc giữa Việt Bắc với miền xuôi, đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm tan rã khối ngụy Mường.

Đầu năm 1951, trước yêu cầu xây dựng, phát triển quân đội và đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thành lập Đại đoàn 320-Một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về người, vật chất và vũ khí trang bị, nhưng với tài thao lược của Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 đã liên tiếp giành thắng lợi trong hàng trăm trận đánh, hàng chục chiến dịch. Điển hình như: Tháng 1-1951, chỉ với 3 tiểu đoàn vừa được thành lập, nhưng với tinh thần “chủ động tiến công, có bao nhiêu, đánh bấy nhiêu; đánh vào chỗ hiểm yếu mà địch không ngờ tới”, chỉ trong một đêm, Đại đoàn 320 đã tiêu diệt gọn 9 đồn địch ở thị xã Sơn Tây, tạo điều kiện để quân và dân ta mở rộng vùng căn cứ. Tiếp đó, trong Chiến dịch Phát Diệm (12-1951), với cách đánh “thọc sâu vào cụm cứ điểm vững chắc vùng sau lưng địch”, Đại đoàn 320 đã làm chủ hoàn toàn thị trấn Phát Diệm, tạo điều kiện đẩy mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, mở rộng vùng giải phóng. Trong Chiến dịch Thái Bình (4-1952), Tây Nam Ninh Bình (10-1953)..., bằng cách đưa lực lượng vào vùng sau lưng địch; biến hậu tuyến của địch thành tiền phương của ta và với ý chí “mãnh đả, mãnh xung và mãnh truy”, Đại đoàn 320 đã đưa cuộc chiến tranh nhân dân ở Đồng bằng Bắc Bộ phát triển lên một bước mới, đẩy quân Pháp vào thế bị động, lúng túng, tạo điều kiện cho Chiến cục Đông-Xuân 1953-1954 phát triển thuận lợi.

Đánh giá về tài thao lược của Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng trong những năm tháng chỉ huy Đại đoàn 320 hoạt động trên chiến trường Bắc Bộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương điều về Liên khu 3 tăng cường lãnh đạo chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đầu năm 1951, khi thành lập Đại đoàn 320, đồng chí được chỉ định làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đại đoàn. Có thể nói, chiến trường đồng bằng và Đại đoàn 320 là nơi đồng chí Văn Tiến Dũng phát triển tài năng quân sự xuất sắc của mình, chỉ huy bộ đội đánh bại nhiều cuộc càn lớn của các binh đoàn cơ động quân Pháp, cùng các lực lượng vũ trang địa phương phát triển phong trào du kích chiến...”(4).

Bước sang năm 1953, diễn biến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng có lợi cho ta. Ta càng đánh càng mạnh, thực dân Pháp càng kéo dài cuộc chiến càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Đáp ứng nhu cầu chỉ đạo chiến tranh ngày càng cao ở cơ quan chiến lược, tháng 11-1953, Bộ Chính trị quyết định điều động đồng chí Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 về làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới trong điều kiện chiến sự đang diễn ra dồn dập trên khắp các chiến trường, đồng chí đã nhanh chóng tổ chức lực lượng nghiên cứu, rà soát các phương án đánh địch; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị người, vật chất cho mặt trận và khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp. Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo sự phân công của Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham mưu, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo chiến trường đồng bằng, đồng thời tổ chức huy động sức người, sức của chi viện cho Mặt trận Điện Biên Phủ.

Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên chiến trường Bắc Bộ, với những cương vị khác nhau, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng với tập thể lãnh đạo, chỉ huy các cấp xây dựng đơn vị không ngừng lớn mạnh; chỉ huy bộ đội chiến đấu dũng cảm, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trên cương vị chỉ huy, đồng chí luôn thể hiện tư duy năng động, sáng tạo trong hoạch định kế hoạch; bình tĩnh, chủ động, nhìn xa, táo bạo, quyết đoán trong hành động. Đó là những phẩm chất tạo nên vị tướng tài ba Văn Tiến Dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đứng trước một kẻ thù mới được mệnh danh là “lắm súng nhiều tiền và chưa từng thua trận”, hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: “Đánh Mỹ bằng cách nào? Làm thế nào để đánh thắng Mỹ?”. Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng luôn đi sâu, đi sát các đơn vị và chiến trường để nắm bắt tình hình, đúc kết thành quy luật, phương châm chỉ đạo tác chiến, đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đưa các quyết sách đúng đắn, kịp thời cho từng chiến trường, từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Với miền Bắc, ngay sau khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân, với tầm nhìn xa, trông rộng cùng sự nhạy bén của một vị tướng từng xông pha trận mạc, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra kế hoạch tổ chức, xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng phòng không-không quân và hải quân làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Thực tiễn đã chứng minh, các quyết sách mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra, trong đó có sự đóng góp to lớn của đồng chí Văn Tiến Dũng đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong cuộc đụng đầu lịch sử với không quân Mỹ, mà đỉnh cao là Chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29-12-1972) trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng.  

Trên chiến trường miền Nam, từ năm 1965, khi quân Mỹ ồ ạt vào các chiến trường, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất với Bộ Chính trị nhiều chủ trương chiến lược, sách lược kịp thời, nhất là việc tổ chức xây dựng các đơn vị cơ động cấp trung đoàn, sư đoàn đứng chân tại các địa bàn chiến lược trên chiến trường miền Nam để kết hợp với các phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân đánh bại các đơn vị quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân các nước đồng minh Mỹ. Thắng lợi mà quân và dân ta giành được trong trận Núi Thành (5-1965), Vạn Tường (8-1965), Plây-me (11-1965) cùng với hàng loạt thắng lợi sau đó đã chứng minh quân đội và nhân dân Việt Nam không chỉ dám đánh, mà còn biết đánh thắng Mỹ. Thực tiễn chiến đấu và thắng lợi trong các cuộc đụng đầu với quân Mỹ là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành và hoàn chỉnh Nghị quyết Trung ương 12, khóa II (12-1965), khẳng định quyết tâm, đường lối đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lịch sử đã chứng minh, trong các năm sau đó, chúng ta đã đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất (1965-1966) và mùa khô thứ hai (1966-1967) của Mỹ; đặc biệt, chúng ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bất ngờ đánh mạnh vào các mục tiêu trong đô thị trên toàn miền Nam, làm chấn động nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và thừa nhận sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thắng lợi đó mang đậm dấu ấn của Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tổng Tham mưu trưởng.

Khi đế quốc Mỹ thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng chí Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị tin tưởng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (từ 30-1 đến 23-3-1971), đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường ba nước Đông Dương, làm lung lay chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ; Chiến dịch Trị-Thiên (3-1972), tiêu diệt Sư đoàn 3 cùng toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn, giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đồng chí Văn Tiến Dũng được giao trọng trách thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên (3-1975). Trong chiến dịch này, đồng chí đã chỉ đạo dùng các binh đoàn cơ động thọc sâu vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Với nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”, chiến dịch đã giành thắng lợi, mở ra khả năng kết thúc sớm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 4-1975, trên cương vị là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo quân và dân ta thực hiện cách đánh táo bạo, thọc sâu, kết hợp vu hồi, đột phá, tạo và nắm thời cơ, chủ động tiến công, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, đầu não của chính quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, với các trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục có những cống hiến to lớn trong việc chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân tham gia củng cố các vùng mới giải phóng, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh và triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Từ những năm của thập niên 1980, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư thứ nhất, rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, làm thất bại thủ đoạn chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; đồng thời, cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ tập đoàn phản động Khơ-me Đỏ, góp phần to lớn vào việc củng cố, tăng cường tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương.

Không chỉ là một vị tướng cầm quân xuất sắc, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là một nhà lý luận quân sự khoa học tài ba. Từ năm 1986, khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công chỉ đạo công tác Tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là lý luận và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng. Những bài viết, công trình tiêu biểu của đồng chí, như: “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (2007), tập hồi ký “Đại thắng mùa Xuân” viết về cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975; “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học”..., là những pho sử quý và là cẩm nang để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay và mai sau nghiên cứu, học tập và noi theo.

Đánh giá về công lao đóng góp và tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đại tướng Văn Tiến Dũng-một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất-đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(5).

Thượng tướng LÊ CHIÊM (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

 --------------------------------------------------------------

(1) Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh ra tại thôn Trù, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

(2) Gồm các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.

(3) Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.50.

(4) 25 tướng lĩnh Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.46.

(5) Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.49.