Gánh con theo chồng đi chiến dịch
Phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng là bà Nguyễn Thị Kỳ (còn có tên là Cái Thị Tám) sinh năm 1922. Cha mẹ mất sớm, bà Kỳ phải chăm lo đàn em nhỏ trong một gia đình có 9 anh chị em. Năm 17 tuổi, bà thoát ly theo cách mạng đem theo người em út tên là Nguyễn Thị Chung. Năm 1942, bà Kỳ gặp nhà cách mạng trẻ tuổi Văn Tiến Dũng (bí danh Lê Hoài), thời điểm đó, ông giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, sau đó là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Bà Nguyễn Thị Kỳ cùng con gái Văn Tuyết Mai.
Theo nhận xét của bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Thị Kỳ là một cô gái sôi nổi, ưa hoạt động; còn nhà cách mạng trẻ tuổi Văn Tiến Dũng lại là một người thâm trầm, nghiêm cẩn nhưng cũng rất hào hoa, thanh lịch đúng chất thanh niên Hà Nội. Có lẽ những tính cách đó bổ khuyết cho nhau nên tình yêu giữa hai người nảy nở một cách tự nhiên. Thêm vào đó, hoàn cảnh chung của hai người lúc này đều đã mất cha, mất mẹ nên sự đồng cảm càng nhân lên gấp bội.
“Hai cụ đến với nhau bằng tình yêu, một tình yêu trọn vẹn, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì”-bà Văn Việt Hoa, con gái út của Đại tướng Văn Tiến Dũng, bộc bạch về cuộc tình của cha mẹ mình-“Đến những năm sau này, chúng tôi càng cảm nhận rõ ràng điều đó. Chưa một lần con cái chứng kiến cha mẹ nóng giận, căng thẳng với nhau. Cho đến cuối đời, ông vẫn gọi bà là “em Tám”, bà gọi ông là “anh Hoài”. Tình cảm khăng khít gắn bó như không thể tách rời”. Tình cảm đó được “thử lửa” qua nhiều lần bà Kỳ “gánh con theo chồng” đi khắp các chiến dịch của Đại đoàn 320 ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Dù chỉ được nghe kể lại nhưng câu chuyện cũng khiến chúng tôi xúc động vô ngần. Hình ảnh bà mẹ gánh con trên đôi quang gánh theo chồng, cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Có lúc chồng bà cũng đi tụt lại đỡ cho bà đứa con cả, bà lại cõng đứa thứ hai, cổ khoác thêm cây súng cạc-bin giúp chồng. Tôi cứ tự hỏi rằng, liệu có ở đâu trên thế giới này lại có những người vợ yêu chồng đến thế, yêu nước đến thế?
Sáu mươi năm chung sống, cùng hàng trăm ngàn cuộc “hành quân” theo chồng đi khắp các mặt trận, có lẽ lần đẹp đẽ thảnh thơi nhất là ngày toàn thắng 30-4-1975. Đúng ngày 4-5-1975, sau sinh nhật Đại tướng Văn Tiến Dũng hai ngày, bà Nguyễn Thị Kỳ cùng con gái út là Văn Việt Hoa được vinh dự “tháp tùng” một chuyến máy bay trở đầy pháo hoa bay vào Sài Gòn mừng ngày toàn thắng. Nhưng vào đến nơi thì Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã di chuyển, mấy ngày sau nữa hai người mới được gặp nhau.
Vị “tướng bà” và đôi guốc mộc
Bà Văn Việt Hoa kể lại trong suốt thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đời sống của gia đình Đại tướng có “dễ chịu” hơn thời chống Pháp. Đó là cả gia đình đã được ở Hà Nội, trong ngôi nhà lớn, có vườn rộng. Sự đổi đời đó dù lớn lao song những khó khăn vẫn còn bám riết. Bởi tất cả nhu cầu chỉ chông chờ vào đồng lương sĩ quan của ông san sẻ cho bốn người con đẻ, cùng ba người con nuôi. Bà đồng ý nghỉ hưu sớm theo đề nghị của ông để tập trung chăm sóc con cái.
Đến giờ trong ký ức của bà Văn Việt Hoa ngọt ngào, mát lành hơn cả chính là hũ nước mơ của mẹ, miếng ô mai cay nồng, mặn mòi tình thương. Bà kể: “Vườn nhà tôi trồng đủ các loại cây trái, rau màu. Trong đó có cây mơ là ra quả nhiều nhất. Mỗi dịp vào mùa mơ, mẹ tôi lại ngâm một hũ nước mơ. Nước để bồi dưỡng cho cha cùng các chú. Còn chúng tôi chỉ được ăn quả mơ. Quả mơ lúc đó được mẹ xào khéo léo như ô mai”. Rau màu, cây trái, bầy lợn và đàn gà là một phần của kế hoạch tiết kiệm, tăng gia sản xuất của vị “tướng bà”. Ông vẫn từng gọi vui như vậy! Nhưng vẫn chưa hết, hiểu ông là người sống giản dị, nhưng rất chỉn chu, bà càng chăm lo chu đáo từng ly từng tí trong sinh hoạt của ông.
Số là, bàn chân của Đại tướng có hình đáng khá đặc biệt, nên không thể đi “giày số” như sĩ quan khác. Quân đội dành cho ông một ưu ái đặc biệt của thời đó, ấy là được đi giày đóng. Ông rất quý đôi giày này, nó đã được nhiều lần dán đế, thay dây. Biết ý chồng tiếc đôi giày đóng, bà sắm cho ông một đôi guốc mộc để đi ở nhà. Đôi guốc mộc này có quai da và đế bằng cao su. Đôi guốc ngẫm ra cũng không đặc biệt lắm, nhưng quý ở chỗ là ông đã đi đến cuối đời. Năm 2002, ông mất, đôi guốc còn được để trên ban thờ.
Đôi guốc mộc theo chân Đại tướng Văn Tiến Dũng ngót nửa thế kỷ. Lẽ dĩ nhiên vào thời điểm sau này, cuộc sống của nhân dân đã khấm khá hơn rất nhiều. Cái ăn, cái mặc không phải là vấn đề quá lớn, thế nhưng vị Đại tướng lẫy lừng ấy vẫn đi đôi guốc mộc. Việc ấy là để tri ân người vợ hiền chung thủy tảo tần? Hay sự thật là tướng ông phải nghe lệnh "tướng bà"? Dù thế nào thì câu chuyện ấy vẫn làm thế hệ con cháu chúng tôi cảm nhận được một tình cảm trân trọng, dịu dàng về mối tình của “tướng bà, tướng ông”.
Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ