Song một điều làm tôi không khỏi băn khoăn là những điểm mua sắm trên toàn ở nước ngoài và không ít người chọn tour du lịch-mua sắm ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong dịp nghỉ lễ!
Còn nhớ, hai mươi năm trước, người Việt đi lao động ở nước ngoài thường tích cóp những đồng tiền từ mồ hôi, thậm chí từ nước mắt ở xứ người để gửi về gia đình, để mua sắm những vật dụng thiết yếu phục vụ cuộc sống sau này. Ngay cả những Việt kiều ở Mỹ, Đức, Ca-na-đa có thể quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng bao giờ cũng tích cóp tiền để về nước chi tiêu cho thoải mái. Quả thực, tình hình kinh tế đất nước ta khi ấy còn khó khăn, tiền ở Việt Nam lúc đó có giá trị, của ngon vật lạ không hiếm, nhưng phải lo ăn từng bữa nên mấy ai nghĩ đến việc mua sắm những hàng hóa xa xỉ. Vì thế, thời điểm đó, chỉ cần mấy chục nghìn trong tay, bạn có thể mua một con cá tươi và các gia vị thơm ngon phục vụ bữa ăn sang trọng cho gia đình; hoặc chọn một nhà hàng nhỏ để bạn bè quây quần ăn uống bên nhau (ở nước ngoài phần vì bận rộn, công việc cuốn hút nên cơ bản dùng thức ăn đông lạnh, riêng ra nhà hàng thì phí phục vụ rất đắt). Nhiều hơn một chút, bạn có thể mua sắm cho gia đình chiếc ti vi, tủ lạnh mà lúc rời Việt Nam có mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới. Ngay cả những người được gọi là quan chức, ra nước ngoài công tác thì chi tiêu cũng dè sẻn, thậm chí ăn mì gói để dành dụm mang về phụ giúp gia đình những đồng tiền phụ cấp ít ỏi.
Song, đúng là vật đổi sao dời, mọi suy nghĩ, việc làm trên có lẽ chỉ còn trong ký ức, lúc này, nhu cầu của người Việt (tất nhiên chỉ một bộ phận) đã khác xưa rất nhiều.
Trong cuộc sống hằng ngày, trước sự bủa vây của vô số “thực phẩm bẩn”, buộc các bà nội trợ phải cân nhắc, lựa chọn cho gia đình mình những loại thực phẩm sạch, an toàn. Bởi, thịt lợn hết thuốc tăng trọng lại đến chất tạo nạc; cá thì béo bụng còn đầu cứ bé tí... Đó là chưa kể đến vô số loại thực phẩm, đồ uống không có nguồn gốc, xuất xứ, hết "đát". Và phương án được không ít người tiêu dùng lựa chọn lúc này là hàng nhập khẩu, dù là những sản phẩm đông lạnh.
Tương tự như các hàng thời trang. Ngay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được xem như là trung tâm văn hóa-mua sắm của cả nước nhưng thử hỏi có bao nhiêu cửa hàng, cửa hiệu bán hàng thật 100%, dù đó là những sản phẩm có thương hiệu và người dùng muốn sở hữu phải bỏ ra nhiều chục triệu đồng.
Trò chuyện với chị em chọn tour du lịch nước ngoài trong dịp nghỉ lễ kể trên, cũng như qua tìm hiểu tâm tư nguyện vọng mới thấy, họ không phải là những người giàu có và cầu kỳ, việc đi du lịch nước ngoài một phần có thêm trải nghiệm, hiểu biết văn hóa đó đây và nhất là đã thực hiện được sở thích-mua được hàng thật, dù đó chỉ là đôi giày, một chiếc túi xách hoặc một bộ quần áo hàng hiệu.
Phải chăng các hãng du lịch lữ hành đã nhanh nhạy, đánh trúng tâm lý, thị hiếu của một bộ phận không ít người Việt, nhất là chị em trong các dịp nghỉ lễ, Tết. Đúng một phần. Một trong những phần còn lại nhưng khá quan trọng là niềm tin của người tiêu dùng với các mặt hàng đang có mặt trên thị trường trong nước bị đặt dấu hỏi về chất lượng, nhãn mác; khâu thanh tra, kiểm tra của chúng ta chưa chặt chẽ, không kịp thời và đôi lúc còn quá hời hợt. Đấy là chưa kể đến chuyện một sản phẩm nhưng có tới ba, bốn cơ quan quản lý nên nhiều khi xảy ra tranh cãi, đùn đẩy trách nhiệm, còn người tiêu dùng thì luôn phải hứng chịu.
NAM THẮNG