Đây là hội thảo trực tuyến thứ 3 liên tiếp trong vòng 1 tháng về thị trường Ấn Độ do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các bên liên quan tổ chức.

Lý giải về điều này, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, Ấn Độ và Nepal là hai thị trường với quy mô và triển vọng lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được hết. Trước tình hình mới việc đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường chính, tìm ra cơ hội, thời cơ mới là chìa khóa để các doanh nghiệp phát triển bền vững.  

Đối với Việt Nam, Ấn Độ là thị trường lớn ở khu vực Nam Á với gần 1,4 tỷ dân. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Ấn Độ với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Với thị trường Nepal, dù kim ngạch thương mại còn hạn chế nhưng những cơ sở, tư tưởng triết lý kinh doanh hợp tác hai bên có nhiều điểm tương đồng, nhiều lĩnh vực còn để ngỏ những dư địa hợp tác lớn.

Trước đây, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu trong cán cân thương mại Việt Nam-Ấn Độ, tuy nhiên, từ năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu, nổi bật trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu hơn 300 triệu USD. Nhiều mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ như: Thanh long, hạt điều, cá basa, hồ tiêu, các loại gia vị như: quế, hồi, thảo quả… Các ngành hàng như: Điện tử, dệt may, cơ khí… còn nhiều cơ hội hợp tác, bổ trợ phát triển.

Một số sản phẩm Việt Nam được giới thiệu tại Ấn Độ. Ảnh: Vietrade.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày, phân tích nhiều vấn đề nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ và Nepal, đồng thời chia sẻ cách thức tăng cường thâm nhập, phát triển thị trường Ấn Độ và Nepal cho các sản phẩm triển vọng của Việt Nam. Ông Bùi Trung Thướng, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã thông tin về thực trạng và triển vọng xuất khẩu hàng Việt Nam sang Ấn Độ và Nepal. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Ấn Độ và Nepal đã trao đổi về những trải nghiệm kinh doanh với hai thị trường quan trọng này tại Nam Á.

Để tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nepal, một trong những kênh quan trọng và nhanh chóng là thông qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal. Cộng đồng này chính là kênh phối hợp quan trọng với các doanh nghiệp trong nước để đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhanh và sâu vào Ấn Độ và Nepal.

BĂNG CHÂU